Ứng dụng công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP
Cần thay đổi cách tiếp cận về OCOP Phát triển chuỗi cung ứng bền vững cho sản phẩm OCOP |
Tất cả các sản phẩm đều được kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm, có bao bì, nhãn mác rõ ràng và niêm yết giá công khai nên được người tiêu dùng đón nhận rất tốt. Thời gian qua, rất nhiều sản phẩm OCOP cũng đã được nhiều bạn bè quốc tế biết đến. Để có được kết quả này là cả quá trình đưa khoa học công nghệ vào áp dụng trong chăm sóc, nuôi trồng từ khâu cây, con giống đầu vào cho đến thành phẩm thương mại tiêu thụ qua các kênh truyền thống, cũng như thương mại điện tử trong nước và quốc tế.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, việc ứng dụng các giải pháp công nghệ trong phát triển sản xuất sản phẩm OCOP nhằm đổi mới, hoàn thiện công nghệ sản xuất, chế biến theo quy mô phù hợp, góp phần phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại khu vực nông thôn; ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ; hình thành các hợp tác xã kiểu mới, phát triển hộ kinh doanh... Thực tế cho thấy, nhờ áp dụng tốt khoa học và công nghệ mà một số sản phẩm tiềm năng đã được “đánh thức” và trở thành sản phẩm hàng hóa quy mô lớn, tạo cơ sở hình thành các doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã kiểu mới, sản xuất kinh doanh hiệu quả, mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân và địa phương.
Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay thành phố có 67 sản phẩm OCOP. Trong số này, có 66 sản phẩm được công nhận 27 sản phẩm 3-4 sao và 1 sản phẩm được đề xuất đánh giá 5 sao. Thời gian qua, thành phố đã tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng kết hợp bảo hộ sở hữu trí tuệ sản phẩm OCOP.
Trước đó, UBND TP. Hồ Chí Minh cũng đã ban hành Quyết định số 385/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Chương trình mỗi xã một dự án trên địa bàn vùng nông thôn đến năm 2020 với định hướng tập trung phát triển 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực (rau, hoa cây cảnh, bò sữa, heo, tôm nước lợ, cá cảnh); 6 sản phẩm thuộc 6 làng nghề truyền thống (làng nghề đan lát Thái Mỹ, làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông, làng nghề mành trúc Tân Thông Hội, làng nghề đan giỏ trạc Xuân Thới Sơn, làng nghề se nhang Lê Minh Xuân, làng nghề muối Lý Nhơn); cùng 4 sản phẩm ngành nghề nông thôn đặc trưng của huyện ngoại thành (khô cá dứa một nắng Cần Giờ, khô cá đù một nắng Cần Giờ, khô cá sặc một nắng Củ Chi, tổ yến Cần Giờ) và 1 sản phẩm nông nghiệp mang đậm nét vùng miền (xoài Long Hòa – Cần Giờ).
Bình quân mỗi năm có 150 mô hình được hỗ trợ xây dựng và chuyển giao như các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, mô hình trồng rau thủy canh, mô hình trồng hoa lan theo hướng công nghệ cao… Đặc biệt, các hợp tác xã, tổ hợp sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP được hỗ trợ xây dựng website - logo, xây dựng thương hiệu, thiết kế bao bì, ấn phẩm quảng bá sản phẩm... Nhờ vậy, sản phẩm OCOP đã góp phần khơi gợi và thúc đẩy phát triển ý tưởng của chủ thể sản xuất, tăng cường sự chủ động, cải tiến công nghệ thiết bị để sản xuất nhiều sản phẩm mới độc đáo, đạt chất lượng tốt phục vụ nhu cầu của thị trường.
Có thể nói, các sản phẩm OCOP đã giúp chuyển biến mạnh tư duy của người nông dân từ sản xuất thuần túy sang tư duy về kinh tế sản xuất. Sản phẩm OCOP của các chủ thể được cải thiện về chất lượng, tiêu chuẩn, hệ thống nhận diện, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Vai trò của khoa học công nghệ trong xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP ngày một rõ nét, không chỉ giúp người nông dân, doanh nghiệp gia tăng lợi nhuận mà còn góp phần hình thành một nền kinh tế có giá trị gia tăng cao và định vị được thương hiệu
Ông Nguyễn Thanh Bảo Văn, phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong giai đoạn 2023-2025 sản phẩm OCOP được phân thành các nhóm gồm thực phẩm, đồ uống, dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu, hàng thủ công mỹ nghệ, sinh vật cảnh, dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm bán hàng. Với vai trò thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong ứng dụng khoa học và công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ các chủ thể tham gia Đề án Chương trình OCOP ứng dụng các giải pháp công nghệ trong phát triển sản xuất sản phẩm OCOP nhằm đổi mới, hoàn thiện công nghệ sản xuất, chế biến theo quy mô phù hợp, tăng cường nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm OCOP, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tại TP. Hồ Chí Minh.