Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững
Công bố Logo, Bộ nhận diện và Website của Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 |
Tại cuộc báo trong nước và quốc tế thông tin về Hội nghị ngày 12/9, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà cho biết, Hội nghị là diễn đàn quan trọng để các đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam và thế hệ trẻ có cơ hội giao lưu, học hỏi, truyền cảm hứng với các đại biểu Quốc hội, Nghị sĩ, đại biểu quốc tế từ các quốc gia khác nhau trên thế giới. Qua việc tham gia các hoạt động của Hội nghị, các đại biểu có thể xây dựng mối quan hệ, tạo dựng mạng lưới liên kết với thanh niên, nghị sĩ, nhà lãnh đạo trẻ từ khắp nơi trên thế giới, giúp đại biểu mở rộng tầm nhìn toàn cầu, khám phá những khía cạnh mới, thấu hiểu hơn những vấn đề toàn cầu.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà |
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm, hiện nay thế giới đang phải đối mặt với những vấn đề tương đối giống nhau ở quy mô toàn cầu. Chúng ta có những cơ hội để đưa ra lời giải cho những vấn đề toàn cầu, theo cách làm của từng quốc gia. Một trong những cách làm là ứng dụng công nghệ, tận dụng triệt để những thành tựu của khoa học công nghệ thông qua công cuộc chuyển đổi số để đơn giản hóa cơ hội tiếp cận về thông tin chính thức cho người dân. Do đó, Bộ Thông tin và Truyền thông rất kỳ vọng những nội dung thảo luận sẽ tập trung trí tuệ từ hàng trăm quốc gia trên thế giới thông qua các đại diện ưu tú là các nghị sĩ trẻ sẽ cụ thể hóa, hiện thực hóa giấc mơ này.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm |
Phát biểu tại cuộc họp báo, bà Zeina Hilal - cán bộ Ban Thư ký Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) - gửi lời cảm ơn tới Quốc hội và lãnh đạo Việt Nam đã đồng hành cùng IPU tổ chức sự kiện Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, bày tỏ cảm kích và cho rằng vai trò lãnh đạo của Việt Nam không chỉ thể hiện qua việc tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, mà còn trong nỗ lực trao quyền cho giới trẻ.
Bà Zeina Hilal - cán bộ Ban Thư ký IPU |
Bà Zeina Hilal cho biết, số lượng đại biểu đăng ký tới tham dự sự kiện lần này rất lớn, với hơn 200 nghị sĩ đến từ khắp nơi trên thế giới, 300 đại biểu đến từ 80 đoàn khác nhau bao gồm các cơ quan nghị viện, các diễn đàn nghị viện, liên nghị viện và các tổ chức thanh niên. Bà Zeina Hilal đánh giá, việc phối hợp đồng tổ chức Hội nghị lần này là minh chứng cho tình hữu nghị giữa IPU và Quốc hội Việt Nam. Bên cạnh đó, chủ đề tại Hội nghị lần này rất quan trọng, là sự giao thoa và cũng là vấn đề giới trẻ rất quan tâm về chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo. Việt Nam lồng ghép rất hiệu quả các chuyên đề này trong các phiên thảo luận tại Hội nghị này.
Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường |
Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị về nội dung, điều kiện bảo đảm tổ chức hội nghị đã cơ bản hoàn tất. Đây là hội nghị có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với gần 500 đại biểu. Quá trình chuẩn bị tổ chức Hội nghị thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước Việt Nam với thế hệ trẻ, vai trò của giới trẻ Việt Nam với sự phát triển của đất nước, tham gia vào xây dựng thế giới hòa bình, thịnh vượng và giải quyết thách thức toàn cầu. Đây cũng là dịp để nước ta quảng bá cho phong trào thanh niên với bạn bè quốc tế.
Dự kiến tại phiên bế mạc ngày 17/9 sẽ thông qua Tuyên bố Hội nghị về vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các SDGs thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Đây cũng là tuyên bố hội nghị đầu tiên của Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu qua 9 lần tổ chức.
Theo Tổng thư ký Quốc hội, bản Tuyên bố là sự chung đúc quyết tâm, cam kết mạnh mẽ của các nghị sĩ trẻ IPU đối với sự phát triển mạnh mẽ và bền vững mang tầm vóc toàn cầu. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.
Thực tế, trong bối cảnh tiến độ thực hiện các SDGs còn quá chậm, chỉ có 12% các SDGs đang được thực hiện đúng hướng, trong khi 50% chệch hướng ở mức độ trung bình hoặc nghiêm trọng. Điều này đòi hỏi cộng đồng quốc tế nỗ lực mạnh mẽ hơn và có bước đột phá để đạt các SDGs vào năm 2030, trong đó có chuyển đổi số, tận dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, tăng tốc để tìm ra các cách tiếp cận và các giải pháp; cùng với đó là thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa, phát huy vai trò của văn hóa trong bối cảnh chuyển đổi công nghệ và toàn cầu hóa gắn với phát triển bền vững.