Vẫn cần “room” tín dụng
Nới room tín dụng: Trợ lực cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất Sau nới room tín dụng, các kênh đầu tư nào hút vốn nhiều nhất? |
Ông đánh giá như thế nào về công cụ room tín dụng của NHNN trong thời gian qua?
Nhìn lại giai đoạn trước năm 2011, do đặc thù nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào vốn ngân hàng nên tín dụng có tốc độ tăng rất nhanh. Thống kê cho thấy, giai đoạn 2007-2010, tăng trưởng tín dụng bình quân cả hệ thống khoảng 36%/năm. Tỷ lệ tín dụng/GDP giai đoạn này cũng tăng nhanh, từ mức 60,6% năm 2005 lên mức 106,6% năm 2010. Chính những điều này đã dẫn tới cuộc đua lãi suất huy động giữa các TCTD để có nguồn vốn cho vay. Theo đó lãi suất cho vay tăng tương ứng và nợ xấu tăng cao, gây hệ lụy cho hệ thống ngân hàng và rủi ro cho cả nền kinh tế.
Trước thực tế này, từ năm 2011 đến nay, NHNN đã sử dụng công cụ room tín dụng làm “van” để kiểm soát cung tiền ra nền kinh tế. Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã giảm xuống còn khoảng từ 12-14%/năm trong những năm gần đây.
Dựa trên kết quả chấm điểm xếp hạng TCTD, “sức khoẻ” của từng nhà băng và một số yếu tố khác mà cơ quan điều hành có sự phân bổ tín dụng hợp lý; Qua đó còn tăng yếu tố cạnh tranh giữa các ngân hàng trong việc cải thiện năng lực của mình để có hạn mức tín dụng cao hơn. Điều này có tác động tích cực tới nền kinh tế, đem lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, góp phần ổn định thị trường tiền tệ.
Nếu thời điểm này bỏ công cụ room tín dụng sẽ tác động như thế nào đến thị trường, thưa ông?
Hiện Chính phủ đang triển khai nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ, giải toả những khó khăn trên thị trường vốn và nền kinh tế. Nhưng gánh nặng cung ứng vốn vẫn tiếp tục đặt lên vai hệ thống ngân hàng. Việt Nam cũng là nước được nhiều tổ chức quốc tế cảnh báo dư nợ tín dụng/GDP đã ở mức cao. Vì vậy, cần khẳng định rằng, trong bối cảnh hiện tại, công cụ room tín dụng sẽ phần nào đảm bảo tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp với tốc độ tăng trưởng GDP.
Giả định nếu như không có room tín dụng, tín dụng tăng trưởng một cách ồ ạt sẽ gây rất nhiều hệ luỵ đối với nền kinh tế, nhất là đối với đặc điểm của kinh tế Việt Nam. Và khi đó, để đảm bảo mục tiêu điều hành cao nhất là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giữ an toàn hệ thống, NHNN sẽ phải sử dụng biện pháp khác như công cụ lãi suất để kiểm soát cung tiền ra nền kinh tế, kiềm chế lạm phát. Cơ quan điều hành sẽ buộc phải tăng lãi suất lên cao, nền kinh tế và doanh nghiệp phải chịu mức lãi suất cho vay cao. Cần nhấn mạnh lại, trong bất cứ hoàn cảnh nào, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là mục tiêu số một của cơ quan điều hành. Vì vậy, tôi cho rằng, vẫn phải sử dụng công cụ “room” tín dụng.
Vậy theo ông, trong tương lai, muốn bỏ room tín dụng thì cần những điều kiện như thế nào?
Trong thời gian qua, mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực từ cả phía cơ quan quản lý và các TCTD nhưng vẫn còn tồn tại một số vấn đề như có sự phân hóa giữa “sức khoẻ” các ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng... ảnh hưởng đến quá trình tái cơ cấu hệ thống TCTD nói riêng và nền kinh tế nói chung. Mặt khác, đặc thù của Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển, vốn cho sản xuất, kinh doanh, đầu tư vẫn đang phụ thuộc nhiều vào các ngân hàng. Trong khi đó, các kênh dẫn vốn khác được đặt nhiều kỳ vọng như trái phiếu doanh nghiệp… chưa đi qua giai đoạn trầm lắng.
Hiện tại, áp lực lạm phát dù đã được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức cho công tác điều hành của NHNN khi điều hành CSTT vừa phải hỗ trợ phục hồi kinh tế vừa phải góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định an toàn hệ thống TCTD. Chính vì vậy, việc duy trì công cụ hạn mức tín dụng là cần thiết.
Trong tương lai có thể cân nhắc đến việc dỡ bỏ công cụ room tín dụng. Tuy nhiên, cần được tiếp cận một cách thận trọng, từng bước thực hiện đảm bảo đồng bộ các điều kiện cần thiết và phù hợp với điều kiện thị trường.
Xin cảm ơn ông!