Văn chương vì an ninh, bình yên cuộc sống
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận định, cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” lần thứ IV đã đánh giá rất chính xác, đúng đề tài, đúng địa chỉ, khuyến khích, mở rộng các tài năng. Trong thời gian tới, đội ngũ những cây bút tài năng sẽ được mở rộng. Đây là những chiến sĩ ngoài biên chế, những chiến sĩ mặc thường phục, cầm bút viết về an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống. Họ có vũ khí sắc bén là văn chương.
Sau 3 năm phát động, 120 bản thảo tham dự cuộc thi đã đến tay Ban tổ chức. Sau vòng sơ loại, 88 tác phẩm được chuyển tới ban sơ khảo, gồm 78 tiểu thuyết, 10 truyện ký và ký. Hội đồng Giám khảo đã chọn 39 tác phẩm vào vòng chung khảo và quyết trao giải cho 21 tác phẩm. Trong đó về tiểu thuyết, có 2 giải A gồm “Phận liễu” (tác giả Chu Thanh Hương), “Rễ người” (Đoàn Hữu Nam) và 3 giải B, 4 giải C, 7 giải Khuyến khích. Thiếu Tướng Mã Duy Quân - Giám đốc NXB Công an Nhân dân chia sẻ: “Những trang sách từ cuộc thi mang lại nội dung tư tưởng và nghệ thuật góp phần tích cực vào công cuộc bảo vệ an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống. Những trang sách này khẳng định đóng góp, lao động của các tác giả sáng tác văn học với mảng đề tài người chiến sĩ công an”.
Hai tiểu thuyết giành giải A cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” lần thứ IV” |
Cuốn tiểu thuyết “Phận liễu” giành giải A được đánh giá cao bởi Hội đồng giám khảo. Tác phẩm xoay quanh nhân vật Liễu - một cô gái vốn xinh đẹp, tài hoa, thông minh. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, Liễu chấp nhận không thi đại học và làm dâu nhà giàu. Đời làm dâu chịu bao cơ cực, đè nén. Liễu lao vào quyết tâm làm giàu. Bao nhiêu thông minh, hiểu biết Liễu dồn hết vào chuyện làm ăn, cạnh tranh với đối thủ và đối phó với các lực lượng chức năng. Đại tá Tùng người bạn thanh mai trúc mã thời trẻ với Liễu thì giờ lại chạm mặt cô nhiều lần trên chiến tuyến đối lập. Tùng quyết tâm tìm ra sự thật về hoạt động của Đại Phong Thu. Liễu dồn tâm huyết, mẹo mực vào xây dựng Đại Phong Thu. Cuộc chiến giành giật Đại Phong Thu thêm gay cấn khi em rể cô âm mưu dần thâu tóm công ty. Tình yêu, tham vọng, tiền bạc, quyền lực, lừa lọc, xảo trá... Liễu trải qua tất thảy.
Qua “Phận liễu”, tác giả Chu Thanh Hương cho thấy sự dụng công trong xây dựng nhân vật, tìm được cách phản ánh tâm lý nhân vật, sử dụng ngôn ngữ cho từng nhân vật rất phù hợp. Đặc biệt cách xây dựng, phản ánh tâm lý và sử dụng ngôn ngữ cho nhân vật Liễu khá hay, phù hợp trong từng trường đoạn của cuộc đời cô, phù hợp trong từng hoàn cảnh trong truyện. Đại tá Tùng cũng là một nhân vật được xây dựng thành công, một người tận tụy với công việc, thông minh, điềm tĩnh nhưng cũng rất nhân văn trong ứng xử. Người chiến sĩ công an quyết tâm truy đuổi cái ác, sự sai phạm nhưng không phải lúc nào cũng lạnh lùng, cứng nhắc mà có những cư xử thấm đẫm tình người. Tác phẩm hay, hấp dẫn người đọc với từng tình tiết và câu chuyện cuộc đời nhân vật Liễu.
Trong khi đó, tiểu thuyết “Rễ người” của nhà văn Đoàn Hữu Nam mở ra bằng bối cảnh vụ ngộ sát của Giàng Seo Phù, Trưởng bản Hoàng Thu đối với người họ Lý vì lý do tự vệ. Họ Giàng và họ Lý vốn thâm thù với nhau nhiều đời trước trên núi Hoàng Liên, vì thế, anh trốn vào rừng, trốn tránh pháp luật và sự trả thù của người họ Lý. Trong rừng sâu, Giàng Seo Phù tìm được một thế giới riêng cho mình, một vùng đất chưa hề có vết chân người đặt tới. Anh bắt đầu lại với cuộc sống nguyên thủy, săn thú, bắt cá, lấy mộc nhĩ, nấm hương để sống qua ngày. Nhưng anh vẫn không hề quên những phong tục, tập quán người Mông của mình. Anh từng hai lần nuôi khát vọng trở về nhưng vẫn bị dân bản truy bắt để rồi phải quay lại với cuộc sống trong rừng.
Những ngày tháng ở đây, Giàng Seo Phù miên man sống với những ký ức đẹp về Tuyết, cô bạn gái thời học trường dân tộc nội trú và về May, cô vợ của mình... Giàng Seo Phù lấy đó làm động lực, làm khát vọng sống để chống chọi lại những hiểm nguy chốn núi rừng... Đau đớn, ê chề, nhớ quay quắt cuộc sống bên ngoài, Phù quyết tâm trở ra cho dù có phải chịu tội, dù phải chết dưới những phong tục người Mông, miễn là được trở về với con người... Những trăn trở của nhân vật trong tác phẩm này đã được nhà văn Đoàn Hữu Nam khéo léo gói gọn trong một cái kết đặc sắc đầy nhân văn.
Thực tế cho thấy đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” đã và đang là đề tài hấp dẫn, được nhiều người đọc yêu thích và cũng được nhiều cây bút với nhiều thành phần, lứa tuổi quan tâm khai thác. Qua các tác phẩm văn học này, các tác giả làm cho mọi người hiểu được cuộc sống, chiến đấu, sự hy sinh thầm lặng, gương chiến đấu dũng cảm, mưu trí của cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân, những chiến công của quần chúng nhân dân trên lĩnh vực bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.