Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào đổi mới công tác thi đua khen thưởng tại NHNN
Tạo động lực thúc đẩy và phát triển các phong trào thi đua yêu nước
Kế thừa và phát huy truyền thống của Ngành, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CBCCVC&NLĐ) ngành Ngân hàng rất vinh dự được đóng góp công sức và trí tuệ vào sự phát triển chung của đất nước, luôn xứng đáng với sự tin cậy của Đảng và Nhà nước giao phó. Có được những thành quả như ngày nay cũng chính là kết quả của các phong trào thi đua yêu nước đầy tính sáng tạo của toàn thể CBCCVC&NLĐ ngành Ngân hàng. Trong đó NHNN với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước đã góp phần quan trọng trong việc tạo động lực thúc đẩy và phát triển các phong trào thi đua yêu nước.
Với đặc thù của ngành Ngân hàng là hoạt động theo hệ thống dọc từ Trung ương đến cơ sở (tỉnh, huyện, xã), mạng lưới rộng khắp trong toàn quốc, với hàng nghìn tập thể là các cơ quan, đơn vị tham mưu (Vụ, Cục, đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Trung ương), 63 chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố, các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp trực thuộc, trên 100 TCTD là các NHTM Nhà nước, NHTMCP, ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài… với tổng số CBCCVC&NLĐ của Ngành hơn 300.000 người nên đòi hỏi công tác thi đua, khen thưởng phải bám sát nhiệm vụ chính trị của toàn Ngành cũng như phù hợp với đặc thù của từng đơn vị và không ngừng được đổi mới để thu hút được đông đảo CBCCVC&NLĐ tham gia, hưởng ứng.
Để công tác thi đua, khen thưởng thực sự trở thành công cụ đắc lực hỗ trợ cho công tác quản lý Nhà nước của ngành Ngân hàng, Ban Cán sự Đảng, Ban lãnh đạo NHNN đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn Ngành thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; quán triệt sâu sắc vị trí, vai trò của công tác TĐKT; đổi mới nhận thức, quan điểm, biện pháp tổ chức thực hiện các phong trào thi đua, gắn nội dung các phong trào thi đua với việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào đổi mới công tác thi đua khen thưởng tại NHNN. Ảnh: ST |
Trên cơ sở Luật Thi đua khen thưởng (TĐKT) và các quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng, NHNN đã ban hành đầy đủ, kịp thời và đồng bộ các văn bản tạo hành lang pháp lý để tổ chức triển khai thực hiện trong ngành Ngân hàng như: Thông tư số 17/2019/TT-NHNN ngày 31/10/2019 của Thống đốc NHNN về hướng dẫn công tác TĐKT ngành Ngân hàng; Chỉ thị của Thống đốc NHNN về đổi mới công tác TĐKT giai đoạn 2020 đến 2025; Quyết định về việc thành lập Hội đồng TĐKT Ngành và ban hành Quy chế làm việc của Hội đồng TĐKT ngành Ngân hàng; Quyết định về việc thành lập Hội đồng sáng kiến ngành Ngân hàng và ban hành Quy chế làm việc của Hội đồng sáng kiến ngành Ngân hàng; Quyết định ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động… Việc ban hành kịp thời các văn bản quy định về công tác thi đua, khen thưởng thể hiện sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, Ban lãnh đạo NHNN đối với công tác này và tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị trong toàn Ngành triển khai thực hiện, đồng thời khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của công tác TĐKT là công cụ hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của NHNN.
Đổi mới phương pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua
Đổi mới phương pháp tổ chức các phong trào thi đua được xác định là khâu đột phá trong tổ chức phong trào thi đua nhằm khắc phục tính hình thức ở một số đơn vị, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả của mỗi phong trào thi đua trong ngành Ngân hàng. Ví dụ đối với việc triển khai phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở giai đoạn 2019-2025”, NHNN đã tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua “Cán bộ Ngân hàng rèn đức, luyện nghề, sáng tạo, lập thành tích chào mừng 70 năm ngày thành lập ngành Ngân hàng Việt Nam”, ban hành Kế hoạch số 10/KH-NHNN để hưởng ứng phong trào thi đua của Thủ tướng Chính phủ. Kế hoạch 10 đã nêu cụ thể nội dung triển khai phong trào thi đua tại các đơn vị trong Ngành theo từng năm; đồng thời lồng ghép việc triển khai phong trào thi đua với Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử của cán bộ Ngân hàng do Hiệp hội Ngân hàng biên soạn. Nội dung phong trào thi đua gắn với Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu rộng trong việc nâng cao ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, văn hóa công sở và nêu cao tinh thần đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ CBCCVC&NLĐ, qua đó hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực trong thực thi công vụ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Phong trào thi đua đã mang lại hiệu quả tích cực trên nhiều lĩnh vực cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, dịch vụ công trực tuyến.... Kết quả thực hiện các nhiệm vụ CCHC của NHNN được đánh giá rất cao thông qua kết quả chỉ số CCHC (Par Index). Năm 2022, NHNN Việt Nam trở lại vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng Par Index của các bộ, cơ quan ngang bộ với điểm Chỉ số CCHC là 91,77%. Đây là lần thứ 7 NHNN đứng đầu Par Index sau 6 năm đứng đầu liên tiếp (2014-2020), năm 2021 xếp vị trí thứ 3.
Việc đổi mới trong nội dung thi đua, thể hiện thông qua việc lựa chọn nội dung thi đua. Các phong trào thi đua được phát động với tên gọi dễ nhớ, nội dung các phong trào thi đua tập trung vào những nhiệm vụ khó, trọng tâm, trọng điểm, bám sát nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị và của ngành Ngân hàng gắn với yêu cầu chung trong từng giai đoạn. Đối với các đơn vị thuộc NHNN gắn thi đua với chất lượng công việc, chấp hành nội quy cơ quan, văn hóa công sở, cải cách thủ tục hành chính... Với các TCTD đã gắn thi đua với các chỉ tiêu cụ thể về huy động vốn, dư nợ cho vay, thu dịch vụ, các sản phẩm bán lẻ, phát hành thẻ, dịch vụ bảo lãnh...
Thông qua phong trào thi đua, từng CBCCVC&NLĐ đã phấn đấu lao động sáng tạo, tích cực học tập nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ, tích cực tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền trong công tác xây dựng quản lý nhà nước về lĩnh vực ngân hàng; đồng thời, chủ động tham mưu đề xuất hoàn thiện thể chế, chính sách, các chương trình, đề án, chiến lược góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ ngành Ngân hàng đã đề ra. Bên cạnh đó, công tác TĐKT gắn với công tác quy hoạch, bổ nhiệm, đào tạo, nâng lương của cán bộ cũng đã tạo động lực cho người lao động sẵn sàng tham gia các phong trào thi đua. Đặc biệt, một số TCTD đã gắn phong trào thi đua với các chỉ tiêu định lượng để ngoài mức tiền thưởng theo quy định, cũng có mức tiền thưởng riêng cho các tập thể, cá nhân đạt được thành tích xuất sắc qua đó mang lại hiệu quả trong tổ chức phong trào thi đua và là động lực để CBCCVC&NLĐ thi đua phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Ngành Ngân hàng không ngừng đổi mới công tác thi đua, khen thưởng |
Công tác tuyên truyền về các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua cũng đã được NHNN quan tâm, chỉ đạo. NHNN đã tổ chức nhiều hoạt động kịp thời động viên, khích lệ và nhân rộng các điển hình như ban hành Kế hoạch số 05/KH-NHNN ngày 28/3/2022 của NHNN về việc biểu dương, khen thưởng và tổ chức gặp mặt các tập thể, cá nhân tiêu biểu, điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tôn vinh các điển hình tiên tiến thông qua Hội nghị sơ kết, tổng kết; tổ chức giao lưu với các điển hình tiên tiến. Các phong trào thi đua yêu nước và phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến đã gắn với yêu cầu nhiệm vụ của Ngành. Từ các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến, được phát hiện, bồi dưỡng, tôn vinh và lan tỏa trong toàn Ngành. Đó là những tập thể, cá nhân tiêu biểu, dám nghĩ, dám làm, tìm tòi cái mới, từ thực tiễn công tác mà sáng tạo nên những mô hình mới hoặc điều chỉnh, cải tiến mô hình, cách làm cũ để đem lại kết quả, năng suất, hiệu quả cao trong công việc.
Bên cạnh việc đẩy mạnh và đổi mới các phong trào thi đua, xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến, công tác khen thưởng cũng luôn được NHNN chú trọng. Trên cơ sở Luật TĐKT và các quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng, Thống đốc NHNN đã ban hành đầy đủ, kịp thời và đồng bộ các văn bản tạo hành lang pháp lý để tổ chức triển khai thực hiện trong ngành Ngân hàng; theo đó, các đơn vị trong Ngành đã cụ thể hóa bằng các quy định, quy trình cụ thể như xây dựng các thang, bảng điểm thi đua, giúp công tác tổ chức tổng kết, xét khen thưởng được công khai, dân chủ, đảm bảo đúng người, đúng việc và đúng thành tích. Việc tăng cường cải cách thủ tục hành chính và áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 lĩnh vực TĐKT đã giúp giảm bớt số lượng thành phần hồ sơ đề nghị khen thưởng cấp Ngành, cắt giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, qua đó góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng khen thưởng.
Trên cơ sở đề nghị khen thưởng của các đơn vị trong toàn Ngành, NHNN khen thưởng và đề nghị cấp trên khen thưởng từ 5.000 đến 6.000 bộ hồ sơ/tổng số cán bộ trong toàn Ngành là hơn 300.000 người (trong đó đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước khoảng 3%, khen thưởng cho cán bộ, công chức và người lao động trực tiếp chiếm khoảng 35%). Kết quả công tác khen thưởng chính là động lực thúc đẩy, động viên toàn thể CBCCVC&NLĐ đoàn kết, sáng tạo, chủ động, tích cực tham mưu và triển khai thực hiện có hiệu quả, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của đơn vị và của toàn Ngành.
Bác Hồ căn dặn chúng ta: "Thi đua - khen thưởng là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới, thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hàng ngày". Trong giai đoạn xây dựng đất nước hiện nay, trước thời cơ và thách thức mới, công tác thi đua - khen thưởng càng có vị trí quan trọng hơn bao giờ hết. Vì vậy, ngành Ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh công tác thi đua, khen thưởng để động viên CBCCVC&NLĐ hăng say lao động, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.