Văn hóa doanh nghiệp thời 4.0: Con người vẫn là yếu tố quyết định
Nhằm tổ chức một diễn đàn đa chiều về văn hóa doanh nghiệp gắn với phát triển thương hiệu, ngày 11/9/2020, Báo Văn hóa phối hợp với Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức hội thảo “Văn hóa doanh nghiệp và Phát triển thương hiệu”.
Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang diễn ra trên toàn thế giới, với tốc độ lan tỏa nhanh chóng và sức ảnh hưởng mạnh mẽ lên nhiều lĩnh vực và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong khi đó, do văn hóa doanh nghiệp không phải bất biến mà được bồi đắp dần các giá trị, tư tưởng mới thông qua bối cảnh mới nên tất yếu văn hóa doanh nghiệp sẽ chịu những ảnh hưởng không nhỏ từ Cách mạng công nghiệp 4.0.
Cách mạng công nghiệp 4.0 bắt buộc các vận hành phải nhanh chóng, thuận lợi, những lề thói chậm chạp, trì trệ sẽ không thể gọi là văn hóa. Lẽ dĩ nhiên, mọi đối tác trên toàn cầu đều đánh giá văn hóa của doanh nghiệp qua tốc độ xử lý các thủ tục và giải quyết công việc.
PGS.TS. Dương Thị Liễu, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam cho biết, chính văn hóa tốc độ bắt buộc nhân viên phải có kỹ năng xuất sắc và tính kỷ luật cao, không có kỹ năng và kỹ luật, không tham gia được cái gọi là thời đại 4.0.
“Trong thời 4.0, quy mô không còn là lợi thế quyết định sức cạnh tranh mà tốc độ mới giữ vai trò quyết định. Để có được tốc độ trong cạnh tranh, cần phải thay đổi công nghệ và quản trị và để làm được điều đó phải chăm lo các nền tảng văn hóa, tinh thần. Đây là một trong những vấn đề quyết định năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh 4.0”, PGS.TS. Dương Thị Liễu chia sẻ.
Trong Cách mạng công nghiệp 4.0, văn hóa quản lý bằng hiệu quả dần thay cho văn hóa áp đặt. Đối với người lãnh đạo doanh nghiệp hiện tại, văn hóa “áp đặt” được áp dụng rất phổ biến để đảm bảo người lao động tuân thủ quy trình, chấp hành nội quy làm việc, từ đó mới nghĩ đến việc đạt kết quả công việc mong muốn.
Với sự thay thế của máy móc và các công cụ quản lý mới, con người có thể được phân công theo năng lực, đánh giá hiệu quả công việc rất rõ ràng. Dẫn đến người lãnh đạo chỉ cần quan tâm đến hiệu quả mỗi cá nhân làm được mà không cần phải lo lắng các khâu trung gian.
Cách mạng công nghiệp 4.0 có thể làm suy giảm tính đoàn kết, tính tập thể, suy giảm nhu cầu sáng tạo và tạo ra tâm lý sợ rủi ro. Tuy nhiên, trong cách mạng công nghiệp 4.0, khi công nghệ phát triển nhảy vọt, robot và trí tuệ nhân tạo có thể thay thế con người từ những công việc chân tay tới khả năng đánh giá tổng thể hay kỹ năng quản lý thì robot vẫn không thể thay thế con người bởi những giá trị đặc trưng của con người là niềm tin, đạo đức, sự tương tác và kết nối…
“Trí tuệ nhân tạo không thể thay thế được việc đưa ra quyết định về chiến lược của công ty, hay về hoà giải khi có tranh chấp... Có nghĩa là con người vẫn còn chỗ đứng trong nhiều lĩnh vực cụ thể, yếu tố con người, nguồn lực con người vẫn không thể thiếu trong cuộc cách mạng này, mà chừng nào còn sự xuất hiện của con người thì chừng đó yếu tố văn hóa vẫn tồn tại”, PGS.TS. Dương Thị Liễu cho biết.
Quang cảnh hội thảo |
Còn theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phỏng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), văn hóa doanh nghiệp là “cái neo” nhân văn trong thời Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra như vũ bão, thiếu cái neo nhân bản thì sự phát triển của kỹ thuật và công nghệ có thể dẫn đến thảm họa cho con người, doanh nghiệp và xã hội. Chính các doanh nhân sẽ vẫn là người thắp lửa và lo phần hồn và cốt cách cho doanh nghiệp, chăm lo các giá trị đạo đức, nhân văn của doanh nghiệp.
Trong sự bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, mọi công nghệ, thiết kế hay sự sáng tạo đều có thể được chuyển giao hoặc sao chép nhanh chóng và dễ dàng. Ngay cả trong lĩnh vực nhân tài, cũng có thể tận dụng trí tuệ và kỹ năng của những người giỏi nhất thế giới để tạo ra những sản phẩm tốt nhất. Tuy nhiên, theo PGS.TS. Dương Thị Liễu: “Nhưng duy chỉ trừ một thứ duy nhất không thể sao chép hay ăn cắp được, đó chính là văn hóa doanh nghiệp”.
Doanh nghiệp có cạnh tranh thành công trong thời kỳ 4.0 hay không sẽ không chỉ dựa trên sự đầu tư vào công nghệ, mà còn phải dựa trên sự đầu tư vào văn hóa doanh nghiệp. Điều đó sẽ trở thành xu thế mới mà các doanh nghiệp cần thực sự chú trọng cho chiến lược đầu tư của mình.
Và hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp cần nhận thức văn hóa doanh nghiệp là yếu tố vô cùng quan trọng trong quản trị công ty, là tinh thần cốt lõi, dẫn dắt doanh nghiệp phát triển bền vững trong thời Cách mạng công nghiệp 4.0.
“Tuy nhiên, văn hóa không phải là thứ có thể xây dựng sau một đêm mà đòi hỏi doanh nghiệp phải kiên trì cùng với một kế hoạch phù hợp chiến lược phát triển của mình”, PGS.TS. Dương Thị Liễu nhấn mạnh.