Văn hóa doanh nghiệp trong kỷ nguyên quốc gia số
“Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”
Bàn về vai trò, tầm quan trọng của văn hóa, sinh thời Bác Hồ đã từng nói: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Văn hóa có vai trò lớn nhất trong tất cả hoạt động xã hội của loài người, làm cho con người sống tốt đẹp hơn”.
Để đánh giá tầm quan trọng của văn hóa như thế nào, ta có thể hình dung qua các tổng kết sau: trong kỹ thuật mà sai, có thể sẽ làm hỏng một vài cỗ máy; bác sĩ làm sai có thể giết chết một vài con người; giáo dục làm sai có thể giết chết một số thế hệ, chính trị mà làm sai có thể giết chết một đất nước. Còn văn hóa mà làm sai thì có khả năng giết chết cả loài người. Thực tế cũng đã chứng minh, xuất phát từ yếu tố văn hóa mà dẫn đến những xung đột, chiến tranh với hàng loạt các vũ khí tàn độc như: vũ khí sinh học, hạt nhân... đã làm cả loài người chao đảo, thậm chí là hủy diệt.
GS-TS. Đinh Văn Hiến |
Nhìn ở tầm phổ quát hay theo diện hẹp hơn thì ở góc độ nào văn hóa cũng đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống con người. Văn hóa của một nước là tấm gương phản chiếu sự hiểu biết, tín ngưỡng và những tập tục cổ truyền. Đó là chiếc chìa khóa mà người ta dùng để mở cánh cửa sự hiểu biết của dân tộc và các công trình của dân tộc ấy.
Nhất là trong một thế giới phẳng như hôm nay, công nghệ với những bước tiến nhảy vọt, sự giao thoa, hòa nhập, hội nhập ngày càng sâu rộng, giữa quốc gia với quốc gia, giữa dân tộc với dân tộc, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa con người với con người, nếu không có văn hóa với những bản sắc riêng biệt, để hòa nhập mà không hòa tan, để giao lưu học hỏi mà không đánh mất giá trị bản thể, để có thể dẫn dắt, soi đường thì tất cả sẽ trở nên nhạt nhòa, thiếu sinh khí, thiếu động lực để phát triển lành mạnh và bền vững.
Từ 19 tiêu chí phát triển văn hóa doanh nghiệp
Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng ngày càng lớn của văn hóa trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội... sinh thời, cố nhạc sĩ, thiếu tướng Nguyễn An Thuyên đã có sáng kiến sáng lập ra Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam và đến năm 2013 đã được Bộ Nội vụ ra quyết định thành lập do ông làm chủ tịch. Tiếp nối dòng thời gian, dưới thời nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hồ Anh Tuấn giữ cương vị Chủ tịch, Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam ngày càng lớn mạnh với nhiều hoạt động bổ ích, thiết thực. Văn hóa nói chung và văn hóa doanh nghiệp nói riêng không chỉ được giới doanh nhân ngày càng quan tâm mà Đảng và Chính phủ cũng ngày một quan tâm, sâu sát thông qua những cơ chế, chính sách cụ thể.
Mới đây nhất, ngày 23/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp ban hành Bộ tiêu chí văn hóa doanh nghiệp Việt.
Theo đó, một Bộ tiêu chí gồm 5 nhóm (Lãnh đạo doanh nghiệp phát triển bền vững; Xây dựng và thực thi văn hóa doanh nghiệp; Thượng tôn pháp luật; Đạo đức kinh doanh và Trách nhiệm xã hội) với 19 tiêu chí được xây dựng dựa trên những yêu cầu và giá trị cốt lõi mà một doanh nghiệp cần có để có thể phát triển bền vững. Như hệ thống tiêu chí văn hóa nội bộ, quy trình về ISO, hệ thống quản trị hiện đại, tư duy và năng lực đổi mới sáng tạo, khả năng thích ứng với môi trường kinh doanh trong kỷ nguyên quốc gia số...
Đến hệ thống quản trị văn hóa “6R”
Tất nhiên, dù Bộ tiêu chí văn hóa doanh nghiệp có toàn diện, hữu ích đến đâu thì nó cũng chỉ ở mức độ mang tính soi chiếu, tham vấn chứ không thể mang tính áp đặt, cứng nhắc. Vì thực ra, văn hóa là một phạm trù không có nhất nhì, không có tuyệt đối mà chỉ mang tính tương đối, phù hợp hay không phù hợp mà thôi. Ví như trong văn hóa ẩm thực, người Mường có món “Nhái om măng”, có thể xem là đặc sản đối với họ nhưng với nhiều nơi, người ta lại sợ không dám ăn.
Có thể nói, sau một thời gian nghiên cứu về các mô hình văn hóa của các tập đoàn khác nhau như: Vingroup, FLC, FPT, Vietjet... tôi càng nhận thấy, văn hóa nói chung và văn hóa doanh nghiệp nói riêng cần có “khẩu vị” cho từng đơn vị. Tùy theo đặc điểm, phong cách, tiêu chí của từng đơn vị mà các doanh nghiệp sẽ tự xây dựng cho riêng mình một hệ thống văn hóa phù hợp.
Cá nhân tôi, người đã từng trải qua khá nhiều vị trí công tác khác nhau với nhiều trải nghiệm và giờ đây là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn DKNEC Corporation, quản lý 10 công ty, 5 nhà máy với gần 200 con người, trong suốt thời gian dài, chúng tôi đã xây dựng, áp dụng một Hệ thống quản trị văn hóa gọi tắt là “6R” mà tôi cho là thiết thực và hiệu quả. Nó gồm: Rich, Remember, Resources, Relationships, Reaction và Rewiew.
R1 (Rich) là văn hóa làm giàu hướng tới các giá trị chân - thiện - mỹ. Đã là doanh nhân thì phải có khát vọng, đam mê, phương thức, giải pháp làm giàu, nhưng làm giàu phải đúng “lề phải”, thượng tôn pháp luật. Bên cạnh sự nhạy bén thông minh trong kinh doanh thì người doanh nhân còn cần có đạo đức và cái tâm nghề nghiệp.
R2 (Remember) là văn hóa nhớ ơn, tri ân. Cần tri ân từ đấng cao nhất như đấng tạo hóa, tổ tiên ông bà, bố mẹ, thầy cô, các anh chị em, bạn bè, nhân viên… đặc biệt là các khách hàng, nhà cung cấp... Tri ân lúc nào, bối cảnh nào, với hàm lượng thế nào, lượng hóa được là bài học quan trọng, cho từng doanh nghiệp một. Bởi làm bất kỳ điều gì mà không biết tri ân thì không bao giờ thành công, nếu có thành công thì cũng mang tính chộp giật, không bền vững.
R3 (Resources) là văn hóa về nguồn lực, nhân sự. Đây là yếu tố quan trọng tạo nên tập thể, nếu không có những con người làm việc hiệu quả thì tổ chức đó không thể nào đạt tới mục tiêu. Vì vậy, cần làm thế nào để có thể sử dụng, tối ưu hóa nguồn lực cả về tài chính, con người, trí tuệ lãnh đạo, quan hệ lãnh đạo… từ đó tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất.
R4 (Relationship) là văn hóa quan hệ giao tiếp. Văn hóa này được xây dựng dựa trên những giá trị chung của doanh nghiệp, giữa nội bộ doanh nghiệp với các tổ chức bên ngoài như khách hàng, nhà cung cấp, các đối tác trong nước; giữa doanh nghiệp với tổ chức quốc tế trong hệ sinh thái toàn cầu hóa... trên tinh thần đồng thuận, trách nhiệm, chân tình, cởi mở và cộng hưởng, cộng sinh...
R5 (Reaction) là văn hóa hành động, ứng xử. Đã qua rồi cái thời “cá lớn nuốt cá bé” mà giờ đây là thời của “cá nhanh nuốt cá chậm”, quản trị truyền thống đã được thay đổi bằng quản trị thông minh, công nghệ cao hơn, nhanh hơn. Vì thế, khả năng phản ứng nhanh chóng trong công việc sẽ giúp nắm bắt cơ hội cũng như giải quyết vấn đề một cách nhạy bén, linh hoạt. Từ đó thành công sẽ đến với bạn nhanh và nhiều hơn.
R6 (Review) là văn hóa tổng kết, đánh giá. Nếu sau mỗi việc làm, thành phẩm, dự án mà không có đánh giá, tổng kết thì như “lời nói gió bay”, không rút ra được bài học kinh nghiệm để gia tăng hiệu quả cho các mục tiêu tiếp sau.
Có thể nói, nhiều năm qua, bằng việc triển khai, áp dụng hệ thống văn hóa 6R nói trên, tập đoàn chúng tôi đã được vận hành một cách thông suốt, nhẹ nhàng mà hiệu quả. Cùng với Bộ tiêu chí văn hóa doanh nghiệp mà Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt vừa ban hành, hy vọng đó sẽ là những chia sẻ, “cẩm nang” tham khảo hữu ích, giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thêm động lực để ngày càng vững bước và phát triển nhanh trên con đường hội nhập và kỷ nguyên số.