Văn hóa đọc trong thiếu nhi: Đừng để “nước đến chân mới nhảy”
Chị Bùi Thu Hà (Quận Thanh Xuân, Hà Nội) có con vừa học xong học lớp 7 và lớp 4 bày tỏ sự lo lắng khi bố mẹ thì vẫn phải đi làm, còn hai anh em thì tự trông nhau ở nhà. “Tuần vừa rồi, nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi, tôi đã đưa con đi phố sách và mua khá nhiều cuốn sách văn học cho các con. Những cuốn sách văn học kinh điển cũng có, văn học của các tác giả đương đại cũng có. Rồi mua sách kiến thức về thiên văn, địa lý… Thế nhưng, các con vẫn thích xem clip trên mạng hơn là cầm sách đọc”, chị Hà bày tỏ.
Nỗi lo của chị Hà là một trong rất nhiều mối lo mà hầu hết các bậc phụ huynh ở các thành phố, đô thị phải đối mặt khi mùa nghỉ hè đã đến. Tuy nhiên, theo các chuyên gia văn hóa và giáo dục, phụ huynh không nên “nước đến chân mới nhảy”. Tức là, không chỉ đợi đến khi nghỉ hè, mới sốt sắng lo ngại con lười đọc sách. Hãy rèn cho con thói quen đọc sách, nghiên cứu sách vở một cách thường xuyên, liên tục... bên cạnh đó, bản thân bố mẹ cũng phải điều chỉnh. Nếu bố mẹ không đọc sách, hàng ngày cũng chỉ chăm chú dùng điện thoại thông minh “lướt mạng”, thì rõ ràng khó có thể “dụ con” dành thời gian cho sách vở.
Cần thêm nhiều sự kiện giao lưu để thu hút thiếu nhi đến với sách |
Nhà nghiên cứu - diễn giả Nguyễn Quốc Vương cho rằng, ở nước ta hiện nay, nhiều gia đình vẫn chưa có các tủ sách riêng, phụ huynh chưa thể hiện sự tôn vinh giá trị tinh thần và cũng không có thói quen đọc sách. “Yếu tố đầu tiên chúng ta muốn sửa để trẻ con có thói quen đọc sách là từng gia đình, từng cộng đồng cùng theo đuổi văn hóa đọc, thoát đi cuộc sống đời thường về cơm áo. Chúng ta cần có định hướng về tư tưởng hướng đến một cuộc sống không chỉ có cơm ăn, áo mặc, nhà ở mà còn hiểu biết về văn hóa và vui với văn hóa đó”, diễn giả Nguyễn Quốc Vương cho biết.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, cần có thêm nhiều buổi ra mắt sách tại các trường đại học, trung học với nội dung phù hợp cho học sinh, sinh viên. Các nhà xuất bản cần chọn lọc các đầu sách để giới thiệu đến độc giả trẻ thay vì chú trọng xuất bản sách thời thượng, ngôn tình sáo rỗng... Các cơ quan, đoàn thể có liên quan cần xây dựng việc đọc thường xuyên, thay vì đợi đến hội sách mới phát động phong trào.
Nhà thơ Huỳnh Mai Liên - tác giả của nhiều bài thơ được chọn vào sách giáo khoa phổ thông mới đây được mời tham dự “Tiệc thơ 1/6” tại Phố sách Hà Nội, cho rằng, những sân chơi như “Tiệc thơ 1/6” vẫn rất ít. “Thơ ca dẫu không thể theo phong trào hay xô bồ, nhưng rõ ràng cơ hội để đến trực tiếp với độc giả chưa nhiều. Tôi hy vọng sau Tiệc thơ này, sẽ mở ra nhiều Tiệc thơ trong thời gian sắp tới”, nhà thơ Mai Liên bày tỏ.
Một trong những điều quan trọng để hấp dẫn giới trẻ đến với sách đó chính là nguồn sách phải phong phú, hấp dẫn. Đã có thời điểm, ra hiệu sách thấy sách ngoại lấn át sách nội. Điều đó phần nào cũng phát ra những tín hiệu để cảnh báo, căn chỉnh. Khi các nhà văn, nhà thơ, các tác giả chuyên viết sách cho thiếu nhi đang “ở đâu đó” và vì nhiều lý do khác nhau “không mặn mà” với việc viết sách cho thiếu nhi, thì cũng đừng trách giới trẻ không yêu hoặc lơ là chuyện đọc sách.
Ở địa hạt sách văn học, chúng ta từng có thời kỳ, các nhà văn viết sách cho thiếu nhi rất say mê, rất trách nhiệm. Những tác phẩm như “Dế Mèn phiêu lưu ký” (Tô Hoài”; “Tìm mẹ”, “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” (Nguyễn Huy Tưởng), “Cái tết của mèo con” (Nguyễn Đình Thi), cùng nhiều tác phẩm của các nhà văn - nhà thơ như Võ Quảng, Phạm Hổ, Vũ Tú Nam, Nguyễn Quang Sáng, Phong Thu, Định Hải, Xuân Quỳnh… đã góp phần “hút” thiếu nhi đến với thế giới của những điều đẹp đẽ được tạo dệt trong các tác phẩm văn chương.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam có lần phải ca thán rằng, “văn học thiếu nhi đang là mảnh đất bị lãng quên và chúng ta cần đánh thức lại nó”. Và hành trình “đánh thức” văn học thiếu nhi đã được Hội Nhà văn Việt Nam bắt đầu từ việc phát động Cuộc vận động sáng tác văn học đề tài thiếu nhi (từ cuối năm 2021 đến tháng 5/2025). Đến nay, khoảng 200 bản thảo dự thi đã được gửi tới.
Mới đây, nhân dịp Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM phối hợp cùng các đơn vị phát động Giải thưởng Sách thiếu nhi TP.HCM. Đây là lần đầu tiên TP.HCM có một giải thưởng sách dành riêng cho thiếu nhi với mục đích tìm kiếm những nhân tố mới viết sách, tạo điều kiện môi trường bồi dưỡng đội tác giả viết sách cho thiếu nhi, đồng thời tạo động lực thúc đẩy nâng cao chất lượng, số lượng sách dành cho thiếu nhi TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.
Trước đó vài ngày, NXB Kim Đồng cũng đã phát động Giải thưởng Văn học Kim Đồng với hy vọng tìm kiếm được những tác phẩm văn học đặc sắc cho thiếu nhi. Theo đó, Giải thưởng Văn học Kim Đồng dành cho tất cả các cây bút chuyên và không chuyên, với ba thể loại: Truyện ngắn, truyện dài và thơ. Các tác phẩm dự thi hướng tới đối tượng nhi đồng (6 - 10 tuổi) và lứa tuổi thiếu niên (11 - 15 tuổi).
Với sự đồng hành của nhiều phía, từ gia đình, nhà trường và xã hội, hy vọng những lỗ hổng trong văn hóa đọc của thanh thiếu niên hiện nay sẽ sớm được bịt lấp. Và giới trẻ, họ sẽ được trang bị những kỹ năng đọc thông minh hơn, để “chung sống” trong thời đại số - thời đại của xem-nghe-nhìn…