Văn hóa giúp doanh nghiệp phát triển bền vững
Văn hóa doanh nghiệp luôn là một tài sản, một động lực tạo nên sức mạnh cạnh tranh cho doanh nghiệp |
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh cho biết, môi trường văn hóa của doanh nghiệp có ý nghĩa tác động quyết định đến tinh thần, thái độ, động cơ lao động của các thành viên và việc sử dụng đội ngũ lao động, giúp cho doanh nghiệp trở thành một cộng đồng làm việc trên tinh thần hợp tác, tin cậy, gắn bó, thân thiện và tiến thủ. Trên cơ sở đó hình thành tâm lý chung và lòng tin vào sự thành công của doanh nghiệp. Văn hóa có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với doanh nghiệp, đặc biệt là khi sự hội nhập ngày càng sâu rộng.
Theo TS. Võ Trí Thành, sự tăng trưởng của doanh nghiệp phải luôn gắn với phát triển bền vững, đó là ứng xử với môi trường, với xã hội, với văn hóa trong doanh nghiệp… Văn hóa thể hiện qua hình ảnh của doanh nghiệp, là thương hiệu doanh nghiệp.
Ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 (May 10) chia sẻ, công ty có truyền thống lâu đời (đã hình thành và phát triển được 74 năm), nhiều gia đình cán bộ, công nhân có 4 thế hệ cùng làm việc tại đây, góp phần hình thành nhiều truyền thống tốt đẹp. Văn hóa doanh nghiệp được May 10 đánh giá rất quan trọng và luôn song hành với các hoạt động sản xuất kinh doanh. Nếu không có văn hóa doanh nghiệp thì May 10 không thể phát triển như ngày hôm nay.
Đơn cử như vấn đề kỷ luật. May 10 sử dụng nhiều lao động, cần phải đào tạo lại về tác phong công nghiệp, sinh hoạt trong doanh nghiệp, rồi tay nghề, thái độ làm việc. Lao động trẻ vào May 10 đều được rèn rũa. Văn hóa kỷ luật được đánh giá là 1 trong các chìa khóa thành công của May 10. Bởi đây là doanh nghiệp trưởng thành trong môi trường quân đội và được duy trì đến ngày hôm nay.
Còn theo bà Vũ Thị Thu Hương - Phó Ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN/Petrovietnam), hiện PVN đã xây dựng “Đề án tái tạo văn hóa Petrovietnam” và sẽ chọn đúng ngày truyền thống ngành Dầu khí Việt Nam 27/11/2019 để ban hành đề án, thể hiện tinh thần quyết tâm, ý chí thống nhất của cả hệ thống chính trị, bắt đầu từ cấp lãnh đạo cao nhất của tập đoàn trong xây dựng văn hóa Petrovietnam. Tái tạo văn hóa Petrovietnam với mục đích là làm mới để phù hợp hơn, tốt hơn trên nền tảng đã có, loại bỏ những yếu tố không phù hợp gây cản trở sự phát triển bền vững của tập đoàn.
PGS-TS. Dương Thị Liễu - Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh chia sẻ: “Thời nào cũng vậy, văn hóa doanh nghiệp luôn được coi là một tài sản, một động lực tạo nên sức mạnh cạnh tranh và nền tảng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp nói riêng và của quốc gia nói chung.
Văn hóa doanh nghiệp là một trong những công cụ quan trọng nhất của lãnh đạo doanh nghiệp trong việc quản lý điều hành, là yếu tố căn bản trong công tác quản trị doanh nghiệp để dẫn dắt sự phát triển bền vững. Văn hóa doanh nghiệp là bản sắc riêng, là tư tưởng và niềm tin phát triển của doanh nghiệp. Đó luôn là năng lực cạnh tranh và sức mạnh riêng có để các doanh nghiệp phát triển mạnh, bền vững, không chỉ trong hiện tại mà đặc biệt là trong kỷ nguyên 4.0”.
CMCN 4.0 đã và đang diễn ra trên toàn thế giới, với tốc độ lan tỏa nhanh chóng và sức ảnh hưởng mạnh mẽ lên nhiều lĩnh vực và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo PGS-TS. Dương Thị Liễu, trong CMCN 4.0, khi công nghệ phát triển nhảy vọt, robot và trí tuệ nhân tạo có thể thay thế con người từ những công việc chân tay tới khả năng đánh giá tổng thể hay kỹ năng quản lý thì vẫn không bao giờ có thể thay thế con người với những giá trị đặc trưng là niềm tin, đạo đức, sự tương tác và kết nối…
Nhiều chuyên gia nhận định, các doanh nghiệp cần nhận thức rằng nền tảng văn hóa là yếu tố vô cùng quan trọng trong quản trị công ty, là tinh thần cốt lõi, dẫn dắt doanh nghiệp phát triển bền vững trong thời CMCN 4.0. Tuy nhiên, đây không phải là thứ có thể xây dựng trong một thời gian ngắn mà đòi hỏi doanh nghiệp phải kiên trì cùng với một kế hoạch phù hợp chiến lược phát triển của mình.