Vẫn lo khi sầu riêng được giá
Từ giữa tháng 9/2022 - thời điểm xuất lô sầu riêng chính ngạch đầu tiên sang thị trường Trung Quốc, giá sầu riêng tại Việt Nam bắt đầu tăng mạnh. Đến nay, sầu riêng trái vụ ở ĐBSCL đang sốt giá chưa từng có.
Khảo sát tại ĐBSCL cho thấy, sầu riêng tại vườn đang được thu mua với giá 150 - 190 nghìn đồng/kg, cao gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái, mức kỷ lục từ trước tới nay. Một số chủ vựa thu mua sầu riêng ở Cần Thơ cho biết, cả tuần nay không gom được sầu riêng để trả đơn hàng cho các mối trong nước do giá tại vườn tăng đột biến, trong khi đó, thương lái liên tục tăng giá nên nhà vườn chỉ bán cho cơ sở trả giá cao. Giá sầu riêng tăng sốc là do phía Trung Quốc có nhu cầu tăng gấp nhiều lần, khoảng 100 tấn mỗi ngày, nhưng lượng đáp ứng ở Việt Nam hiện chỉ đạt khoảng 30-50% do trái vụ, sản lượng thấp.
Giá sầu riêng tăng cao do phía Trung Quốc có nhu cầu tăng gấp nhiều lần |
Ông Huỳnh Tấn Lộc - Giám đốc HTX sầu riêng Ngũ Hiệp cho hay, sầu riêng hiện đang có mức giá cao kỷ lục: “Khoảng 30 năm trồng loại cây này, chưa bao giờ thấy có giá cao như vậy. Trước kia, giá sầu riêng lên cao cũng ở mức 100 nghìn đồng/kg, nhưng nay đã lên gần 200 nghìn đồng/kg”.
Tại tỉnh Tiền Giang, thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, tính đến đầu năm 2023, toàn tỉnh có khoảng 20 nghìn ha sầu riêng, trong đó sắp tới sẽ có khoảng trên 13 nghìn ha vào chính vụ và cho sản lượng lên tới gần 300 nghìn tấn. Hiện, Trung Quốc chỉ mới cấp cho tỉnh vài mã số vùng trồng và tỉnh đã nộp hồ sơ, chờ thẩm định thêm khoảng 20 hồ sơ cho diện tích trên 1.000 ha. Đây cũng là lý do khiến giá sầu riêng tăng vọt trong thời gian gần đây.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Vina T&T Group đánh giá, do Trung Quốc đang cấp mã số vùng trồng theo từng đợt nên sản lượng hàng đạt tiêu chuẩn để vào thị trường này còn ít. Tuy nhiên, trong thời gian tới đây khi nhiều vùng trồng được cấp mã số thì chắc chắn giá sầu riêng không còn duy trì ở mức kỷ lục như hiện nay, thay vào đó chỉ tăng so với các năm trước 20 - 30 nghìn đồng/kg. Theo đó, việc người dân ồ ạt chuyển sang trồng sầu riêng là rất nguy hiểm, bởi hiện nay, Thái Lan cũng có diện tích vùng trồng sầu riêng rất lớn, một khi mã số vùng trồng ở Việt Nam để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc được cấp nhiều thì giá sẽ bấp bênh.
Chia sẻ câu chuyện này, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ban Mê Green Farm - Nguyễn Thị Thái Thanh cho hay, năm 2022, công ty bóc tách vỏ hơn 2.000 tấn sầu riêng xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Nhật Bản và Thái Lan. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đặt hàng công ty với sản lượng khoảng 7.000 tấn sầu riêng trong năm 2023.
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho hay, thời gian vừa qua khi được phép xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, giá sầu riêng tăng cao dẫn tới xuất hiện hiện tượng nông dân chặt các cây trồng nông nghiệp khác để trồng sầu riêng. Đây thực sự là vấn đề lớn của ngành nông nghiệp, bởi chúng ta không có quyền áp đặt bà con trong việc lựa chọn cây trồng. Điều chúng ta có thể làm là cung cấp nhiều thông tin về quy mô thị trường để bà con hiểu rằng, đừng chuyển rủi ro này sang rủi ro khác. Cùng với đó, việc có những không gian kinh tế nông nghiệp sẽ giúp chúng ta giữ vững được sự liên kết khi thị trường đứt gãy. Đồng thời là nền tảng thúc đẩy chế biến, tạo ra nhiều sản phẩm chế biến sâu. Từ đó, Nhà nước có cơ sở để hỗ trợ theo một không gian chung, chứ không thể đủ nguồn lực để hỗ trợ theo từng hộ dân.