Vẫn nhiều ý kiến khác nhau, cần tục khẩn trương hoàn thiện dự thảo luật
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp |
Vẫn còn khoảng trống
Theo Báo cáo thuyết minh Dự án Luật, thực tiễn phát triển của các hoạt động kinh doanh thông qua thương mại điện tử và các nền tảng số xuyên biên giới cho thấy sự bất cập về khái niệm cơ sở thường trú đang được quy định tại Luật hiện hành và các Hiệp định thuế (căn cứ trên hiện diện vật lý), chưa đáp ứng được thực tế của loại hình kinh doanh sử dụng cơ sở thường trú “ảo” - không có hiện diện vật lý. Tuy nhiên, dự thảo Luật vẫn giữ khái niệm cơ sở thường trú hiện hành (tại khoản 2 Điều 2 về người nộp thuế), do đó, vấn đề vướng mắc, bất cập liên quan đến nội dung về cơ sở thường trú về cơ bản chưa được giải quyết trong dự thảo Luật. Đề nghị cần giải trình rõ hơn về vấn đề này.
Dự thảo Luật đã bổ sung quy định thu nhập chịu thuế của các doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam bao gồm cả các thu nhập từ kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, không phụ thuộc vào địa điểm kinh doanh. Điều này làm cho nội dung quy định trở nên mâu thuẫn, khó thực hiện (không có cơ sở thường trú tại Việt Nam đồng thời lại không phụ thuộc vào địa điểm kinh doanh). Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo cần giải trình rõ hơn về vấn đề này.
Về quan điểm thu thuế thu hhaapj doanh nghiệp (TNDN) đối với các nhà cung cấp nước ngoài, Dự thảo Luật quy định quyền thu thuế TNDN với các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thông qua việc quy định “không phụ thuộc vào địa điểm kinh doanh” để mở rộng phạm vi thu thuế. Tuy nhiên, quy định này chưa giải quyết được vấn đề thu thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài qua nền tảng thương mại điện tử.Vì trên thực tế các nhà cung cấp nước ngoài chủ yếu là đối tượng cư trú tại các nước đã ký Hiệp định tránh thuế 2 lần với Việt Nam. Theo đó, Việt Nam chỉ được quyền đánh thuế đối với thu nhập phát sinh tại Việt Nam của các doanh nghiệp nước ngoài trong trường hợp các doanh nghiệp này có cơ sở thường trú tại Việt Nam. Vì vậy, Ban soạn thảo cần làm rõ về tính hiệu quả của các quy định này và nghiên cứu thêm các giải pháp chính sách khác để đảm bảo việc thu thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài thông qua nền tảng thương mại điện tử.
Về thu nhập chịu thuế, Khoản 2 Điều 3 Dự thảo bổ sung các nội dung đã được quy định tại các văn bản dưới luật để quy định chi tiết các khoản thu nhập khác. Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách cơ bản nhất trí với việc luật hóa các nội dung liên quan đến thu nhập khác đã được quy định tại các văn bản dưới luật để bảo đảm tính cụ thể, rõ ràng, minh bạch của Luật. Tuy nhiên, cân nhắc rà soát để quy định đầy đủ các khoản thu nhập khác, không quy định nội dung “các khoản thu nhập khác do Chính phủ quy định”.
Về thu nhập của các doanh nghiệp nước ngoài: Đối với thu nhập từ chuyển nhượng các dự án đầu tư,... quyền thăm dò, khai thác, chế biến tài nguyên khoáng sản tại Việt Nam, không phụ thuộc vào địa điểm tiến hành kinh doanh: Đề nghị làm rõ quy định “không phụ thuộc vào địa điểm tiến hành kinh doanh”, trong khi về bản chất, đây phải là các nguồn thu nhập phát sinh từ chuyển nhượng vốn, tài sản có nguồn gốc tại Việt Nam.
Về thu nhập được miễn thuế (Điều 4), Dự thảo Luật được sửa đổi theo hướng mở rộng diện các khoản thu nhập được miễn thuế so với quy định hiện hành. Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng cần rà soát kỹ lưỡng các nội dung liên quan đến thu nhập được miễn thuế, chỉ đề xuất bổ sung vào diện thu nhập miễn thuế đối với các trường hợp thực sự cần thiết, hạn chế tối đa việc mở rộng diện thu nhập được miễn thuế; đồng thời, cần quy định chặt chẽ để tránh các trường hợp lợi dụng quy định để kê khai làm giảm nghĩa vụ thuế phải nộp, gây thất thu cho ngân sách nhà nước...
Về các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế (Điều 9), Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, việc luật hóa các nội dung liên quan để bảo đảm tính cụ thể, rõ ràng của Luật là cần thiết, song cần rà soát để quy định đầy đủ các khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, đề nghị cân nhắc bổ sung vào diện chi phí được trừ đối với “khoản chi cho thực hiện hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) bằng 150% chi phí thực tế của hoạt động này khi tính thuế TNDN.
Về thuế suất đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (khoản 2 Điều 10), Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, dự thảo Luật quy định theo hướng chỉ áp dụng chính sách ưu đãi thuế suất không giới hạn về thời gian đối với các doanh nghiệp có tổng mức doanh thu năm không quá 50 tỷ đồng, không áp dụng ưu đãi đối với tất cả các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ DNNVV. Do đó, đề nghị Chính phủ làm rõ cơ sở đề xuất các nội dung sửa đổi thể hiện trong dự thảo Luật, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Đồng thời, đề nghị làm rõ căn cứ để xác định các mức ngưỡng doanh thu (không quá 3 tỷ đồng và không quá 50 tỷ đồng) để xác định phạm vi các DNNVV được hưởng thuế suất ưu đãi.
Tiếp tục hoàn thiện để kịp trình Quốc hội
Về phương pháp tính thuế đối với các doanh nghiệp nước ngoài có thu nhập phát sinh tại Việt Nam. Khoản 2 Điều 11 quy định phương pháp tính thuế đối với các doanh nghiệp nước ngoài có thu nhập phát sinh tại Việt Nam theo tỷ lệ % trên doanh thu phát sinh tại Việt Nam, trong đó có hoạt động chuyển nhượng chứng khoán (0,1%), chuyển nhượng vốn (2%).
Toàn cảnh phiên họp |
Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách nhất trí với việc cần quy định quyền đánh thuế của Việt Nam đối với các khoản thu nhập nhận được của các doanh nghiệp nước ngoài có nguồn gốc từ Việt Nam, thông qua việc chuyển nhượng tài sản, vốn đầu tư gián tiếp tại Việt Nam như được quy định tại khoản 3 Điều 3. Tuy nhiên, đề nghị làm rõ về cách xác định nghĩa vụ thuế cũng như nghĩa vụ kê khai và nộp thuế,... tại Việt Nam đối với giao dịch chuyển nhượng vốn gián tiếp để bảo đảm tính khả thi, tạo cơ sở để cơ quan thuế có thể thu đúng, thu đủ đối với các giao dịch này.
Thay mặt cơ quan soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết sẽ tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Quốc hội; Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Tư Pháp và Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Ủy ban Pháp luật rà soát để tiếp thu hoàn chỉnh.
Giải trình băn khoăn liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho biết, trong Nghị quyết số 107/2023/QH15 (Nghị quyết 107) về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, chúng ta đã đưa 2 nội dung vào là QDMTT và IIR, tức là quy định về tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu. Còn 2 nội dung là quy định về quy tắc quyền đánh thuế của nước nguồn thì thuộc thẩm quyền của Chính phủ ký hiệp định đa phương, điều chỉnh 83 hiệp định. “Chỗ này theo quy định của OECD thì chúng ta hoàn toàn chủ động được. Hiện nay các nước đang phối hợp với nhau để ký hiệp định đa phương này thì chúng ta sẽ thực hiện chứ không cần phải đưa vào trong luật hoặc nghị quyết”, ông Tuấn cho biết.
Liên quan đến ưu đãi thuế, Hiện nay Chính phủ đã trình, riêng kỳ này đưa ra 3 luật là: Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thuế giá trị gia tăng để Quốc hội cho ý kiến. Bộ Tài chính đang phối hợp với Ủy ban Tài chính, Ngân sách để có thể trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã đánh giá cao quá trình chuẩn bị hồ sơ dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) của Chính phủ và nội dung báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách. Tuy nhiên, qua báo cáo thẩm tra cũng như các ý kiến phát biểu tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng nội dung sửa đổi của luật có rất nhiều khoảng trống. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, nếu kịp thì có thể bố trí để Thường vụ xem xét, cho ý kiến tại kỳ 8 của Quốc hội.