Vẫn nóng vấn đề cải tạo chung cư cũ
Thành phố Hà Nội hiện đang tồn tại hàng loạt chung cư cũ xuống cấp. Cụ thể tại quận Ba Đình có: Khu tập thể Giảng Võ (nhà C8); Khu tập thể Thành Công (Nhà G6A); Khu tập thể Ngọc Khánh (Nhà A); Khu tập thể Bộ Tư pháp (hai đơn nguyên đầu hồi ở cấp D). Quận Đống Đa có nhà 51 Huỳnh Thúc Kháng.
Đại diện UBND TP. Hà Nội cũng cho biết, trong quá trình triển khai dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, dự kiến sử dụng các quỹ nhà ở tái định cư phục vụ công tác giải phóng mặt bằng khoảng 4.433 căn hộ. Hà Nội cũng có kế hoạch xây dựng các khu định cư mới tại các khu di dân Đền Lừ 3, khu Đông Hội (huyện Đông Anh)... Dự kiến nguồn vốn huy động từ ba nguồn, gồm vốn xã hội hoá (với trường hợp chủ sở hữu nhà chung cư thoả thuận với doanh nghiệp bất động sản lựa chọn chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư); nguồn vốn đầu tư công; nguồn vốn vay từ Quỹ đầu tư phát triển thành phố cho các chủ đầu tư vay để triển khai...
Trường hợp nhà nước trực tiếp thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư và đầu tư xây dựng quỹ nhà tạm cư, nhu cầu vốn đầu tư công khoảng 65.360 tỷ đồng, gồm: Khoảng 60.500 tỷ đồng để thực hiện đầu tư xây dựng dự án cải tạo, xây dựng lại 4 khu chung cư có nhà nguy hiểm cấp D (Thành Công, Giảng Võ, Ngọc Khánh, Bộ Tư pháp). Khoảng 4.860 tỷ đồng để xây dựng 5 dự án tạm cư tại quận Hoàng Mai, quận Tây Hồ, huyện Đông Anh.
Nhiều khu tập thể đã xuống cấp trầm trọng |
Theo Kế hoạch về việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội đợt 1, thành phố sẽ triển khai cải tạo, xây dựng lại 6 khu chung cư nguy hiểm cấp D, trong đó quận Ba Đình có 5 khu: Khu tập thể Giảng Võ (Nhà C8 ở cấp D); Khu tập thể Thành Công (Nhà G6A ở cấp D); Khu tập thể Ngọc Khánh (Nhà A ở cấp D); Khu tập thể Bộ Tư pháp (2 đơn nguyên đầu hồi ở cấp D). Quận Đống Đa có Nhà 51 Huỳnh Thúc Kháng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn gặp phải rất nhiều vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng và lựa chọn các chủ đầu tư có năng lực thật sự.
Bà Nguyễn Phương Mai, Trú tại Nhà G6 - Khu tập thể Thành Công chia sẻ, hiện tại chủ đầu tư đang chia sẻ cho hộ gia đình tôi tiền thuê nhà là 6 triệu đồng/tháng tại thời điểm này là khá hợp lý. Nhưng thời gian xây dựng kéo dài cộng với tình hình giá cả leo thang thì số tiền này khó có thể đủ để trang trải. Nhất là khi chủ đầu tư kéo dài thời gian xây dựng lên tới vài năm nữa thì chúng tôi khó có thể trụ được. Rủi ro nhất là khi thời gian kéo dài, các chủ đầu tư lại “đem con bỏ chợ” thì chúng tôi bấu víu vào đâu. Còn ông Nguyễn Văn Bé, Trú tại khu Tập thể Giảng Võ lại cho rằng: gia đình đang ở căn nhà ở tầng 1, nên khá thuận tiện trong việc mở cửa hàng và có thu nhập ổn định. Nếu với mức hỗ trợ chi phí chủ đầu tư đưa ra thì gia đình chúng tôi không thể thuê được mặt bằng tương đương để mở cửa hàng thì chúng tôi sống hàng tháng bằng gì? Thêm nữa, khi xây dựng xong thì chưa chắc gia đình sẽ nhận được mặt bằng như hiện tại...
Đại diện Phòng Quản lý đô thị quận Ba Đình cho biết, đối với công tác di dời hộ dân trong các đơn nguyên chung cư nguy hiểm cấp D, từ năm 2016 (sau khi có kết quả kiểm định đánh giá chất lượng các chung cư), UBND quận đã tổ chức di dời 119/174 hộ dân trong 5 chung cư nguy hiểm cấp độ D (đạt tỷ lệ 68,4%). Còn 55/174 hộ viên, có nhiều lý do để không chấp hành việc di dời.
Sau khi UBND thành phố ban hành Đề án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ và các Kế hoạch triển khai Đề án, trong năm 2022, công tác di dời các hộ dân ra khỏi chung cư nguy hiểm được đẩy nhanh hơn. Ngoài ra, đối với công tác kiểm định chất lượng các chung cư cũ, trên địa bàn quận Ba Đình có 151 chung cư cũ cần rà soát, đánh giá và thực hiện kiểm định, trong đó có 55 chung cư cũ đã có kết quả kiểm định, cần rà soát đánh giá; 22 chung cư cũ Sở Xây dựng có trách nhiệm tổ chức kiểm định và 74 chung cư cũ, UBND quận Ba Đình có trách nhiệm tổ chức kiểm định.
Theo ông Mạc Đình Minh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hà Nội, hiện tại Sở đã hoàn thiện bộ tiêu chí để lựa chọn các chủ đầu tư có kinh nghiệm, có năng lực tài chính trong quá trình thực hiện và cân đối được thỏa đáng mức đền bù giải phóng mặt bằng cũng như quyền lợi của các hộ dân khi dự án hoàn thành. Đặc biệt, Sở có tiêu chí riêng cho từng dự án để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành mục tiêu Thủ đô hiện đại, bảo vệ môi trường nhằm phục vụ đời sống, an sinh xã hội của cư dân được tốt nhất.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ. Trong đó khẳng định, Hà Nội và TP. HCM là nơi có nhiều nhà chung cư thuộc diện cải tạo, xây dựng lại nhưng thực hiện còn chậm. Chưa thực hiện việc lập, phê duyệt quy hoạch, chưa ban hành hệ số K bồi thường để làm cơ sở lập phương án bồi thường… |