Vật tư nông nghiệp gắn với phát triển bền vững
Cần lập lại trật tự kinh doanh vật tư nông nghiệp Áp thuế VAT cho vật tư nông nghiệp cần phù hợp thực tiễn Tìm kiếm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong kinh doanh vật tư nông nghiệp |
Thống kê của Viện Nghiên cứu nông nghiệp hữu cơ (FIBL) và Liên đoàn Các phong trào canh tác nông nghiệp hữu cơ quốc tế (IFOAM) cho thấy, năm 2021 có hơn 71 triệu ha canh tác hữu cơ, tương đương khoảng 1,5% tổng diện tích canh tác.
Ở Việt Nam, mô hình này cũng bắt đầu xuất hiện và bước đầu đạt những thành tựu nhất định. Đầu năm 2022, cả nước ta có khoảng 240.000 ha canh tác hữu cơ; có 160 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh với kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt 335 triệu USD, đứng thứ 8 trong 10 nước có diện tích nông nghiệp hữu cơ tại châu Á. Sản phẩm xuất khẩu đã đến được các thị trường quốc tế lớn như: Nhật Bản, Anh, Đức, Mỹ, Hàn Quốc…
Trong tương lai, vật tư nông nghiệp phải giúp cho cây trồng, vật nuôi thích ứng với các kiểu thời tiết khắc nghiệt, thất thường. Đó là nông nghiệp thông minh, giảm thiểu sử dụng những tài nguyên tái tạo, kể cả phân bón.
Đồng thời, việc sản xuất và sử dụng vật tư nông nghiệp ứng dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ 4.0 sẽ ngày một phổ biến. Điều này kéo theo yêu cầu logistics nông nghiệp, kho lạnh, bảo quản, qua đó kéo dài thời gian sử dụng thực phẩm, giúp đảm bảo chất lượng từ nhà cung cấp tới nhà phân phối.
Ông Phong nhấn mạnh, ngành nông nghiệp Việt Nam cần sớm thích ứng các xu hướng mới này. Đồng thời cần lưu ý về tự chủ giống và phân bón. Hiện theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi nhập khẩu lên đến 60%, con số này đối với phân bón là 42% nhu cầu sử dụng hàng năm.
Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam nêu ra thực trạng: “Về vật tư nông nghiệp, chúng ta đang nhập siêu, nhập gấp đôi số xuất khẩu”. Điều này đẩy giá lên cao, hệ lụy kéo theo là các sản phẩm kém chất lượng có cơ hội len lỏi vào thị trường, cản trở cạnh tranh lành mạnh. Đồng thời gây khó khăn trong phát triển sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng các quy chuẩn khắt khe của thế giới.
Do đó, cần thúc đẩy gia tăng sản xuất vật tư nông nghiệp trong nước. Quan trọng hơn cả là hành lang pháp lý về lĩnh vực này.
Một yếu tố khác ảnh hưởng đến việc phát triển các loại hình vật tư nông nghiệp mới là thói quen sử dụng của người nông dân, vốn vẫn chọn các sản phẩm theo kiểu truyền miệng. Người nông dân thường ít tiếp xúc với truyền thông, chỉ quan tâm đến các thương hiệu đã từng sử dụng. Đây chính là nguyên nhân khiến họ dễ bị chi phối, ảnh hưởng từ các lời khuyên được truyền tai nhau.
Rõ ràng, để áp dụng khoa học - công nghệ, đòi hỏi người nông dân phải có hiểu biết về kỹ năng đồng thời chi phí đầu tư ban đầu cũng rất cao. Cùng với đó, việc thu hút lao động trẻ có trình độ cũng cần được quan tâm đúng mức.
Liên Hợp Quốc dự kiến dân số thế giới sẽ đạt khoảng 9,7 tỷ người vào năm 2050. Kéo theo nhu cầu nông sản thế giới sẽ tăng tương ứng. Vì vậy, ngành nông nghiệp chắc chắn sẽ vẫn là trụ cột của nền kinh tế trong tương lai gần. Việc hội nhập, mở cửa thị trường đã tạo cơ hội lớn cho ngành. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều nước nhập khẩu nông sản đang ngày một siết chặt yêu cầu về nguồn gốc, cấp chứng chỉ xuất khẩu, kiểm tra chất lượng tại các nước xuất khẩu như Việt Nam. Đây cũng là một bài toán mà cơ quan quản lý cần tìm ra lời giải trong quá trình phát triển các sản phẩm vật tư nông nghiệp theo xu thế mới.