Venezuela có sớm thoát khỏi khủng hoảng?
Tình trạng kinh tế khẩn cấp
Giới quan sát cho rằng Venezuela đang ngày càng tiến gần hơn tới bờ vực khủng hoảng và bất ổn sau khi Tổng thống Maduro tuyên bố tình trạng khẩn cấp cho phép tịch biên các nhà máy ngừng hoạt động và tổ chức diễn tập quân sự, nhằm chống lại điều mà ông cáo buộc là những âm mưu “can thiệp vũ trang”.
Một người biểu tình giơ hình ảnh chiếc tủ lạnh trống rỗng nhằm phản đối tình trạng thiếu lương thực ở Venezuela |
Ngày 13/5, Tổng thống Maduro ban bố tình trạng khẩn cấp trên cả nước, mở rộng hơn quy mô sắc lệnh về “tình trạng kinh tế khẩn cấp” mà ông từng ban hành hồi tháng 1/2016. Ngày 14/5, ông Maduro cho biết sẽ tổ chức tập trận trong vòng 1 tuần để đối phó với các mối đe dọa từ nước ngoài và để chuẩn bị bảo vệ lãnh thổ đất nước. Hiện chưa rõ sắc lệnh này sẽ có thời hạn trong bao lâu.
Tổng thống Maduro lên án các thế lực nước ngoài và những người chủ nhà máy mở cuộc chiến tranh kinh tế chống phá ông. Ông Maduro cho biết chính quyền sẽ tịch biên các nhà máy bị đóng cửa do các chủ sở hữu nói rằng không có đủ nguyên liệu thô và ngoại tệ để thanh toán cho các nhà cung cấp.
Phát biểu trước những người ủng hộ tại Caracas, ông nói: “Chúng ta cần phải thực hiện mọi biện pháp để khôi phục khả năng sản xuất, các hoạt động đang bị giới tư bản âm mưu phá hoại… Tất cả những kẻ muốn trì hoãn (hoạt động sản xuất) để phá hoại đất nước hãy ngừng lại”. Tuyên bố của Tổng thống Maduro chắc chắn sẽ ảnh hưởng đáng kể tới Polar, tập đoàn thực phẩm lớn nhất Venezuela, đã ngừng sản xuất từ ngày 30/4.
Kể từ khi ông Maduro, người kế nhiệm cố Tổng thống Hugo Chavez, lên nắm quyền vào năm 2013, nền kinh tế Venezuela đã bắt đầu suy yếu. Giá dầu trên thị trường thế giới tụt dốc, GDP năm 2015 giảm tới 6%, lạm phát trong năm nay dự kiến tăng lên mức 700%, thiếu lương thực và hạn hán khiến tình trạng thiếu điện càng thêm trầm trọng đang là những nguyên nhân khiến dư luận ngày càng bất bình đối với vị Tổng thống 53 tuổi này.
Phe đối lập gần đây cũng đã cảnh báo về nguy cơ bùng phát một cuộc khủng hoảng xã hội tại Venezuela. Họ cho rằng sắc lệnh của Tổng thống có thể dẫn tới làn sóng phản đối mạnh mẽ, gây bất ổn trầm trọng và ngăn cản một cuộc trưng cầu dân ý về sự tín nhiệm đối với tổng thống.
Liên minh Bàn Đoàn kết dân chủ (MUD) đối lập tại Venezuela đã trình Ủy ban Bầu cử quốc gia (CNE) 1,85 triệu chữ ký cho mục tiêu cần phải có 4 triệu chữ ký để tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý về sự tín nhiệm Tổng thống Maduro và đang ngày càng lớn tiếng kêu gọi ông Maduro từ chức trong năm nay. Hàng nghìn người biểu tình trên các đường phố ở Caracas ngày 14/5, ủng hộ một cuộc trưng cầu dân ý phế truất ông Maduro.
Tuy nhiên, ngày 15/5, Phó Tổng thống Venezuela Aristobulo Isturiz khẳng định nước này sẽ không tiến hành trưng cầu dân ý về vấn đề bãi nhiệm giữa nhiệm kỳ đối với Tổng thống Maduro do có hành vi gian lận trong thủ tục liên quan tới cuộc bỏ phiếu này.
Ông Isturiz cáo buộc phe đối lập có hành vi gian lận trong quá trình thu thập chữ ký khởi động tiến trình bỏ phiếu, thủ tục đầu tiên để tiến hành bỏ phiếu bãi nhiệm Tổng thống Maduro.
Nói “không” với chương trình giải cứu
Tin tức cho hay tại một cuộc họp báo với sự tham dự của các nhà báo quốc tế ngày 17/5, Tổng thống Venezuela đã cảnh báo về một sự sụp đổ “nhãn tiền” của Quốc hội do phe đối lập kiểm soát. Tổng thống Maduro nhấn mạnh “Quốc hội đã đánh mất giá trị chính trị và việc cơ quan này tan rã chỉ còn là vấn đề thời gian”.
Ông cũng cáo buộc một số phương tiện truyền thông phương Tây đưa thông tin sai lệch về tình hình tại Venezuela, cho rằng đây là một âm mưu nhằm gây bất ổn và “kích động xung đột giữa người dân”, đồng thời nhấn mạnh quốc gia Nam Mỹ này đang đối mặt với mối đe dọa tồi tệ nhất trong những năm gần đây.
Ông khẳng định Chính phủ và nhân dân Venezuela có quyền bảo vệ chủ quyền, không cho phép các nước khác can thiệp công việc nội bộ, đồng thời kêu gọi sự ủng hộ và đoàn kết của quốc tế đối với chính quyền Venezuela.
Cuộc họp báo trên diễn ra sau khi Quốc hội Venezuela do phe đối lập kiểm soát bác bỏ Sắc lệnh Tình trạng khẩn cấp kinh tế do Tổng thống Maduro vừa ban bố nhằm mở rộng quyền lực của binh sĩ và cảnh sát. Các nghị sĩ cho rằng sắc lệnh của Tổng thống Maduro "phá vỡ trật tự hiến pháp". Tuy nhiên, nhiều khả năng Tòa án tối cao Venezuela sẽ bác bỏ quyết định này của Quốc hội.
Chính phủ hiện nay ở Venezuela đã ra tín hiệu mạnh mẽ rằng họ không hứng thú làm việc với một chương trình giải cứu từ bên ngoài. Các chuyên gia cho rằng để xin cứu trợ từ bên ngoài Venezuela sẽ cần phải có một sự thay đổi trong chính phủ và sự “bật đèn xanh” từ phía Chính phủ Mỹ, trước khi các quan chức thuộc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đáp máy bay xuống Caracas để bắt đầu các cuộc đàm phán về một chương trình giải cứu.
Sự xem xét toàn diện gần đây nhất của IMF đối với nền kinh tế Venezuela là vào năm 2004, và chuyến thăm mới đây nhất của quỹ này là vào năm 2007. Tuy nhiên, không khó để mường tượng các yếu tố kinh tế của một chương trình giải cứu mà các nhà hoạch định chính sách quốc tế sẽ ủng hộ, với việc yêu cầu thả nổi tỷ giá hối đoái, một chính sách tài chính chặt chẽ hơn phù hợp với các nguồn lực sẵn có; tái cơ cấu toàn diện hệ thống ngân hàng và các biện pháp rõ ràng để giải quyết tình trạng tham nhũng và pháp trị. Đây là một chương trình kinh tế thông thường, tương đồng theo nhiều khía cạnh với nỗ lực cải cách của Ukraine vào năm 2014.
Theo IMF, với dự báo tỷ lệ lạm phát cao, đồng nội tệ tiếp tục mất giá và khả năng không thanh toán được các khoản nợ cũng như thiếu tiền, Venezuela đang đứng trên bờ vực của sự phá sản. Nếu điều đó xảy ra, IMF có thể gấp rút hành động để tập hợp một gói cứu trợ toàn diện.