Venezuela: Mảnh đất của lạm phát 500%
Ảnh minh họa |
Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), lạm phát tại quốc gia này sẽ ở mức 481% trong năm nay. Sang năm 2017, con số này thậm chí sẽ là 1.642%. IMF cũng dự báo, tỷ lệ thất nghiệp ở quốc gia này sẽ ở mức 17% trong năm nay và 21% trong năm tới.
Kathryn Rooney Vera, Giám đốc nghiên cứu tại BullTick Capital Markets nhận định: “Venezuela đang trên bờ vực của siêu lạm phát”. Trong khi đó theo Francisco Rodriguez, chuyên gia kinh tế thuộc Bank of America Merrill Lynch, Venezuela đang trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế rất nghiêm trọng. Nó không phải là một cuộc suy thoái đơn thuần mà đây là một suy sụp thực sự.
Lạm phát từ lâu đã là một vấn đề lớn tại Venezuela. Vào tháng 1 vừa qua, Chính phủ nước này cho biết lạm phát đã tăng 141% trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 9/2015. Điều đó có nghĩa là giá cho tất cả các loại hàng hóa, chẳng hạn như sữa, đường và bột mì đã đang tăng vọt. Các mặt hàng tối thiểu như giấy vệ sinh và xà phòng đã thiếu hụt nguồn cung trong một số thời điểm. Thậm chí một số khách sạn ở nước này còn yêu cầu khách phải tự mang theo các vật dụng này.
Giá trị đồng nội tệ Bolivar của Venezuela giảm chóng mặt. Trên thị trường chợ đen - nơi mà hầu hết người dân Venezuela sử dụng để trao đổi ngoại tệ - một USD hiện tương đương với 1.125 Bolivar. Trong khi chỉ một năm trước đây, một USD chỉ tương đương 258 Bolivar. Còn trên thị trường ngoại tệ chính thức vốn rất phức tạp và có nhiều tầng, một USD hiện tương đương 306 Bolivar.
Tổng thống Nicolas Maduro hiện vẫn tiếp tục các chương trình chi tiêu công và phúc lợi khổng lồ mà người tiền nhiệm Hugo Chavez đã theo đuổi từ hơn một thập kỷ trước. Tuy nhiên, nền kinh tế ốm yếu hiện nay khiến cho các chương trình này khó đạt được mục đích đề ra. Nền kinh tế gặp khó khăn và giá dầu giảm mạnh càng làm cho tình hình tồi tệ hơn.
Venezuela có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới và đóng góp vào khoảng 95% xuất khẩu của quốc gia này là dầu mỏ. Có thể nói, Venezuela dựa hoàn toàn vào dầu mỏ để phát triển kinh tế của mình. Nhưng với giá dầu vẫn ở mức thấp, nền kinh tế Venezuela tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn.
Nước này thậm chí không thể chi trả cho phần nhập khẩu lương thực và các mặt hàng y tế. Điều này khiến cho nhiều người dân lâm vào cảnh thiếu thuốc và lương thực.