Ví điện tử được cung ứng tiền điện tử
Ví điện tử khuyến mãi lớn cho người chuyển tiền bằng mã QR Ví điện tử sẽ không thể tồn tại một mình |
Theo Nghị định số 52/2024/NĐ-CP, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phát hành, cung ứng ví điện tử, thẻ trả trước. Việc cung ứng, phát hành và sử dụng ví điện tử, thẻ trả trước thực hiện theo quy định của NHNN. Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung ứng dịch vụ ví điện tử phải đảm bảo duy trì tổng số dư trên tất cả các tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ ví điện tử mở tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không thấp hơn tổng số dư tất cả các ví điện tử đã phát hành cho khách hàng; chỉ cho phép sử dụng dịch vụ đối với các ví điện tử có liên kết với tài khoản thanh toán, thẻ ghi nợ của chính khách hàng...
Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, giá trị tiền Việt Nam được lưu giữ dưới dạng điện tử gọi là tiền điện tử. Theo đó, Nghị định số 52/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, trong đó quy định rõ đối tượng cung ứng tiền điện tử bao gồm ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước và các tổ chức trung gian thanh toán. “Với nội dung này tương ứng với việc cho phép ví điện tử trở thành một phương tiện thanh toán và đây là một điểm rất mới đối với các trung gian thanh toán”, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Phạm Anh Tuấn cho biết.
Hiện ví điện tử chỉ được thực hiện thanh toán thông qua liên kết tài khoản thanh toán tại ngân hàng; nhận tiền trong nội bộ giữa các ví của chính các tổ chức trung gian thanh toán. Thời gian tới, NHNN sẽ ban hành các thông tư, hướng dẫn mới phù hợp với Nghị định 52/2024/NĐ-CP theo hướng ví điện tử hoạt động như một tài khoản, chỉ khác tài khoản ngân hàng là phải có liên kết với tài khoản thanh toán tại ngân hàng.
Ông Phạm Anh Tuấn cho biết, muốn kích hoạt ví điện tử phải có tài khoản kết nối và trong các thông tư mới về trung gian thanh toán tới đây NHNN sẽ hướng dẫn rất rõ là khi ví điện tử hoạt động bắt buộc phải có liên kết trong mọi trường hợp. Những quy định này trước đây đã có nhưng qua quá trình thanh tra, kiểm tra NHNN phát hiện có những ví điện tử khi kích hoạt thì liên kết nhưng khi hoạt động lại ngắt liên kết. Đặc biệt là các tổ chức trung gian thanh toán chưa quan tâm đến hoạt động thanh toán của các ví điện tử. Khi thực thi những quy định tại Nghị định 52 cơ quan quản lý sẽ có cơ chế quản lý chặt chẽ nếu trung gian thanh toán vi phạm quy định về ví điện sẽ bị xử phạt theo các quy định pháp luật có liên quan.
Các nhà cung ứng phải có trách nhiệm báo cáo những giao dịch đáng ngờ trong lĩnh vực trung gian thanh toán liên quan đến rửa tiền theo Luật Phòng, chống rửa tiền, với các dấu hiệu như: nạp tiền, rút tiền nhanh khỏi ví điện tử, giao dịch lớn trong ngày trong khi số dư tài khoản rất nhỏ hoặc bằng không; Hoặc chủ ví thường xuyên nạp tiền nhiều lần với giá trị nhỏ vào một ví điện tử, sau đó chuyển tiền giá trị lớn sang ví khác; hoặc rút tiền giá trị lớn về tài khoản thanh toán, thẻ ghi nợ tại ngân hàng hoặc ngược lại. Các giao dịch chuyển tiền thường xuyên có giá trị nhỏ từ nhiều ví điện tử khác nhau về một ví điện tử hoặc ngược lại trong một thời gian ngắn; tiền được chuyển qua nhiều ví điện tử. Ví điện tử của khách hàng đột nhiên nhận được một khoản tiền nạp vào có giá trị lớn bất thường.
Gần đây nhiều giao dịch nạp tiền, rút tiền, chuyển tiền giữa các tài khoản ví điện tử, được thực hiện bởi tổ chức hoặc cá nhân có liên quan đến tội phạm, liên quan đến các đường dây cờ bạc, cá độ đã bị Bộ Công an phanh phui. Việc có thêm những quy định kiểm soát chặt chẽ tiền điện tử sẽ góp phần phòng, chống rửa tiền và ngăn ngừa tội phạm trên không gian mạng.