Ví điện tử ngày càng cạnh tranh
Kinh tế số Việt Nam là điểm mạnh, thu hút nhà đầu tư nước ngoài Ngân hàng, ví điện tử quyên góp, hỗ trợ gia đình nạn nhân vụ cháy chung cư mini |
Nếu như năm 2015, cả thị trường Việt Nam chỉ có 5 doanh nghiệp ví điện tử được cấp phép. Thì đến thời điểm này, tại Việt Nam đã có hơn 40 nhà cung cấp ví điện tử tham gia vào thị trường thanh toán cùng với các ngân hàng.
Bên cạnh các “ông lớn” như MoMo, VNPAY, Moca, ShopeePay, ZaloPay, Payoo, thị trường ví điện tử đang ngày một sôi động khi có sự gia nhập của hàng loạt các tân binh như VinID, SenPay, 9Pay, MobiFone Pay, eM, SmartPay... Theo các chuyên gia, trong xu thế cạnh tranh khốc liệt của thị trường, thương hiệu ví điện tử nào có hệ sinh thái tốt sẽ chiếm lĩnh thị phần, trong khi các ví còn lại không có hệ sinh thái sẽ phải cạnh tranh trên mọi phương diện.
MoMo hướng tới hệ sinh thái số toàn diện |
MoMo hiện là ứng dụng ví điện tử nắm giữ thị phần cao nhất Việt Nam với 31 triệu người dùng. Theo số liệu đến quý III/2023 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, hiện nay tại MoMo là kênh thanh toán đứng top 1 chiếm 47% tổng số giao dịch. Ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập MoMo cho biết, sự tăng trưởng về thị phần là minh chứng cho nỗ lực và thành công của MoMo từ việc không ngừng cải tiến giao diện thiết kế đến mở rộng và phát triển các tính năng trên nền tảng Siêu ứng dụng của mình. Từ đầu năm đến nay, MoMo liên tục nâng cấp công nghệ; triển khai nhiều chương trình kết nối khách hàng; tiên phong cung cấp các dịch vụ, tiện ích thông qua hợp tác với những đối tác quốc tế; hợp tác với nhiều với các ngân hàng, tổ chức tài chính tại Việt Nam.
Theo báo cáo “Người tiêu dùng số - The Connected Consumer” mới công bố cho thấy, các ứng dụng ví điện tử và trung gian thanh toán của doanh nghiệp Việt đang chiếm ưu thế tuyệt đối trước các đối thủ ngoại tại thị trường trong nước. Trong đó, ví điện tử Momo được sử dụng cao nhất với 68% số người được hỏi. Ví điện tử ZaloPay đứng thứ hai với 53%. Các ứng dụng nhu ViettelPay với 27%. ShopeePay (25%), VNPay (16%) và Moca (7%)...
Hiện nay, hầu hết ví điện tử đều đang đẩy mạnh mở rộng hệ sinh thái của mình. Bên cạnh việc cung cấp đầy đủ các tiện ích cơ bản như thanh toán tiền điện thoại, điện, nước, Internet, phí bảo hiểm, dịch vụ công, học phí, mua vé (tàu xe, máy bay)... các ví điện tử liên kết với các sàn thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, Zalora... để gia tăng trải nghiệm, tiện ích cho khách hàng.
Có thể thấy, thúc đẩy số hóa đang là lợi thế để các ví điện tử nhanh chóng tiếp cận được người tiêu dùng. Các ứng dụng ví điện tử đang ngày càng đa dạng về tiện ích và dịch vụ trong việc thanh toán không dùng tiền mặt. Ví điện tử nào có nhiều tiện ích, phù hợp với khách hàng của mình sẽ có được lợi thế trong cuộc đua thu hút khách hàng.
Ông Nguyễn Tuấn Lương – Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị VNPAY cho biết, hiện tại VNPAY đã và đang xây dựng hệ sinh thái số đa dạng. VNPAY đã hợp tác với hơn 40 ngân hàng tại Việt Nam như Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank... hỗ trợ phát triển hệ sinh thái toàn diện trên ứng dụng ngân hàng. Để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường VNPAY liên tục phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới phù hợp với nhu cầu của người dùng như giải pháp thanh toán toàn diện VNPAY-POS, giải pháp VNPAY SoftPOS. Hay mới đây nhất VNPAY đã chính thức kết nối với Apple Pay, từ đó cho phép khách hàng của các đơn vị kết nối thanh toán với VNPAY thanh toán trực tuyến trên website, trong ứng dụng và trực tiếp tại cửa hàng với VNPAY SmartPOS.
Đại diện ZaloPay chia sẻ, hiện nay nhu cầu của người tiêu dùng trong thanh toán không dùng tiền mặt tăng cao. Chính vì vậy, ZaloPay liên tục phát triển các ứng dụng mới. Cuối tháng 7/2023, ZaloPay chính thức ra mắt giải pháp QR đa năng, cho phép người dùng sử dụng ứng dụng ngân hàng bất kỳ hoặc Ví điện tử ZaloPay để quét mã và thanh toán chỉ trong vài giây.
Theo đánh giá của các chuyên gia, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục có xu hướng tăng nhanh. Để tiếp tục duy trì thị phần các ví điện tử đang tìm cách phát triển hệ sinh thái thông qua hợp tác với các ứng dụng khác để tăng sức cạnh tranh. Chẳng hạn, MoMo đã sớm hợp tác với các ứng dụng như Baemin, Be hay Ahamove và gần đây là Gojek để thanh toán cho các dịch vụ trên nền tảng này. ZaloPay cũng hợp tác với các sàn thương mại điện tử Sendo, Tiki, Lazada, hay TikTok… Và xu hướng hợp tác thậm chí có thể là mua bán sáp nhập (M&A) sẽ diễn ra khiến thị trường ví điện tử thay đổi cục diện trong thời gian tới.