Ví điện tử sẽ không thể tồn tại một mình
Ví điện tử khuyến mãi lớn cho người chuyển tiền bằng mã QR Người dùng thanh toán điện tử quan tâm nhiều nhất đến bảo mật |
Ví điện tử được NHNN cấp phép hoạt động bắt đầu từ năm 2008, chủ yếu hình thành dưới dạng các startup và nhà đầu tư nước ngoài góp vốn. Tính đến cuối năm 2023, NHNN đã cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho 53 tổ chức không phải ngân hàng, thu hồi giấy phép hoạt động 2 tổ chức. Trong số 51 tổ chức đang hoạt động có đến 49 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử, theo NHNN tổng số có khoảng 36,23 triệu tài khoản ví hoạt động (chiếm 63,23% trong tổng số gần 57,31 triệu ví điện tử đã được kích hoạt) với tổng số tiền trên các ví điện tử này là khoảng 3,82 nghìn tỷ đồng. Hiện các ví điện tử chủ yếu liên kết với các cửa hàng phân phối hàng hóa để chia sẻ lợi nhuận với người dùng bằng các hình thức khuyến mãi, qua đó để phát triển tệp khách hàng. Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh phát triển người dùng giữa các ví với nhau bằng khuyến mãi là “cuộc cạnh tranh xuống đáy”, thay vì cạnh tranh chất lượng dịch vụ tiện ích và an toàn cho người dùng.
Ví điện tử từ chỗ cạnh tranh với nhau, đến khi Napas tạo ra mã VietQR, một mã thanh toán ngân hàng dùng chung miễn phí cho tất cả các giao dịch chuyển tiền, ví đã có thêm đối thủ lớn là ngân hàng. Để cùng tồn tại và phát triển, các ví điện tử và trung gian thanh toán bắt tay với ngân hàng, trở thành “cánh tay nối dài của ngân hàng”. Việc các ví điện tử liên kết với ngân hàng đã cung ứng cho người dùng thêm nhiều dịch vụ tiện ích hơn như, liên kết mở tài khoản ngân hàng, mở thẻ tín dụng, trung gian cấp tín dụng tiêu dùng qua tên gọi ví trả sau, thu chi - hộ… Cùng với đó, tốc độ phát triển ứng dụng (App) ngân hàng số nhanh chóng như vũ bão đã giúp giảm chi phí đồng thời mang lại tiện ích cho cả bên phân phối hàng hóa dịch vụ và người tiêu dùng khi thanh toán không dùng tiền mặt. Việc liên kết với ngân hàng cũng đặt ra yêu cầu cao hơn về bảo mật cho người dùng mà không phải đơn vị trung gian thanh toán nào cũng sẵn sàng đầu tư.
Thực tế, ví điện tử hiện nay vẫn thực hiện theo quy định tài khoản đối ứng 1:1, tức người dùng ví phải có tài khoản ngân hàng để liên kết với tài khoản ví để chuyển tiền qua lại. Ông Lù Duy Nguyên, một chuyên gia tài chính công nghệ tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, việc xử lý thanh toán qua ví khá nhanh, tuy nhiên ngân hàng có quy mô lớn hơn so với ví nên mức độ đầu tư của ngân hàng cho công nghệ, độ an toàn bảo mật cũng nhiều hơn đáng kể.
Theo ông Nguyên, trên thị trường hiện nay có MoMo hướng tới phát triển siêu ứng dụng với nhiều dịch vụ, ZaloPay chú trọng trải nghiệm người dùng, Payoo phát triển nhiều giải pháp trong một (merchant, Stores, Paybill, PayCode). SmartPay đi theo hướng SmartPOS cho ngân hàng và đang có nhiều tiềm năng, VNPAY cộng sinh với các ứng dụng ngân hàng số do VNPAY thực hiện... Tuy nhiên tất cả những hình thức này đều thiếu một dịch vụ khác biệt để tạo ra bản sắc riêng cho mình.
Theo ông Nguyên, thị trường ví điện tử ngày càng cạnh tranh gay gắt, các ngân hàng liên tục đầu tư nghiên cứu và nâng cấp tính năng cho App ngân hàng số, các ví điện tử để các dịch vụ có thể tự động hóa cao hơn, tích hợp hệ sinh thái lên ứng dụng ngân hàng, phát triển phần cứng và API với Open API ngân hàng SmartPOS, mPOS... Nhờ ứng dụng mạnh công nghệ ngân hàng đang tối ưu chi phí, giảm vận hành phần cứng nên với những năng lực mới này các bên thứ ba có thể hỗ trợ ngân hàng; xử lý các hạ tầng thanh toán kiểu như VETC, EPASS cho các nhu cầu mới phát sinh như Metro... Mô hình ngân hàng thuần số với sự kết hợp của ví và một ngân hàng để khai thác đầy đủ các dịch vụ tiền gửi không kỳ hạn, thanh toán, cho vay ngang hàng… sẽ có thể tạo nên khác biệt.