Vì sao giới phân tích phố Wall xếp VFS vào danh sách mã cổ phiếu “nên mua”?
Hơn 41 triệu cổ phiếu VFS chính thức giao dịch trên UPCoM |
Cổ phiếu VinFast: Sự lạc quan mới xuất hiện
Sau khi chính thức niêm yết trên sàn NASDAQ hồi tháng 8 thông qua SPAC, cổ phiếu VFS của VinFast Auto là một trong những mã được chú ý nhất trong ngành xe điện toàn cầu. Theo nhà phân tích Andres Sheppard của Cantor Fitzgerald, tổ chức tư vấn tài chính hàng đầu của Mỹ, cổ phiếu VinFast có nhiều điểm tích cực.
“Chúng tôi tin rằng VinFast được hưởng lợi từ những chiếc xe điện có giá phải chăng hơn, được sản xuất tại Việt Nam với tỷ lệ nội địa hóa lớn và có sự hỗ trợ tài chính, thương hiệu của Tập đoàn Vingroup”, ông Sheppard nhận định trong một báo cáo gần đây.
Cổ phiếu VinFast (VFS) chính thức niêm yết trên sàn NASDAQ hồi tháng 8 - Ảnh: VinFast |
Sheppard đã dẫn các số liệu triển vọng để minh chứng cho nhận định của mình. Theo đó, nhà sản xuất xe điện VinFast đang hoạt động tại các thị trường châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ. VinFast hiện có 4 mẫu ô tô điện đã lăn bánh thương mại, bao gồm SUV điện cỡ nhỏ VF 5 Plus có giá bán trung bình là 22.800 USD và mẫu VF e34 có giá khoảng 34.860 USD được bán tại Việt Nam.
Công ty còn sản xuất VF 8, mẫu D-SUV hướng đến khách hàng ở Mỹ, Canada, châu Âu và Việt Nam với giá từ 46.000 USD và mẫu xe đắt nhất, chiếc E-SUV cao cấp VF 9 với 3 hàng ghế và 7 chỗ ngồi, giá bán từ 83.000 USD.
Ngoài ra, 3 mẫu xe khác đang được hãng phát triển với mức giá dự đoán từ 13.500 đến 37.500 USD. Như vậy, vào năm tới, VinFast dự kiến sẽ có 7 mẫu xe khác nhau tại các thị trường châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ.
“Quan trọng hơn, chúng tôi tin rằng ở những mức giá này, xe của VinFast có giá phải chăng hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Điều này sẽ giúp công ty tăng thị phần trên toàn cầu và ở Mỹ”, chuyên gia của Cantor Fitzgerald tin tưởng.
Tất cả xe của VinFast hiện đều được sản xuất tại Việt Nam, nơi có tổ hợp hiện đại công suất 300.000 xe/năm. Sheppard cho rằng đây là một lợi thế lớn của VinFast.
“Với việc làm chủ công nghệ sản xuất, VinFast có ưu thế từ quy mô hoạt động lớn, cơ sở sản xuất tự động hóa cao, chi phí sản xuất thấp hơn, chính sách thuế thuận lợi, chi phí lao động và vận hành rẻ hơn, cũng như các hiệp định thương mại đã được thiết lập”, ông phân tích.
Ngoài nhà máy tại Việt Nam, VinFast cũng đang trong lộ trình mở rộng sản xuất ra quốc tế. Theo kế hoạch, nhà máy sản xuất mới của VinFast ở Bắc Carolina sẽ đi vào hoạt động từ giữa năm 2025. Điều đó sẽ giúp bổ sung thêm 150.000 xe/năm, nâng tổng công suất của hãng lên 450.000 xe/năm.
Từ tất cả những lợi thế này, Sheppard xếp cổ phiếu VinFast vào nhóm “Tăng tỷ trọng” (Overweight), tức là “Nên mua”.
Cantor Fitzgerald là tổ chức dịch vụ tài chính quốc tế hàng đầu với mạng lưới hơn 30 văn phòng trên khắp thế giới. Được thành lập năm 1945 với tiền thân là một công ty môi giới chứng khoán và ngân hàng đầu tư, Cantor Fitzgerald ngày nay nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực kinh doanh, bao gồm thị trường vốn chứng khoán và nợ cố định, ngân hàng đầu tư, dịch vụ bất động sản thương mại, môi giới tài chính, quản lý tài sản, thương mại điện tử và các dự án trực tuyến… Trong tất cả các hoạt động kinh doanh, Cantor Fitzgerald đều được công nhận là công ty dẫn đầu trong việc phát triển các công nghệ tiên tiến để mở rộng khả năng tiếp cận thị trường và giúp khách hàng đạt được các mục tiêu tài chính và chiến lược quan trọng nhất của mình. Daniel Ives, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Wedbush (Mỹ), hiện là nhà phân tích chứng khoán hàng đầu trong lĩnh vực Công nghệ tại phố Wall. Ông đồng thời là diễn giả uy tín tại nhiều sự kiện ở Mỹ, châu Âu và châu Á; thường xuyên xuất hiện trên các kênh truyền hình lớn như CNBC, Bloomberg, BBC, NBC, CBS, ABC, CNN và Fox News... Ives bắt đầu sự nghiệp với tư cách là một nhà phân tích tài chính của kênh truyền hình HBO, sau đó nhận bằng MBA chuyên ngành Tài chính trước khi trở thành một nhà nghiên cứu chứng khoán lĩnh vực Công nghệ nổi tiếng trên toàn cầu. Các nghiên cứu của Ives tập trung vào ô tô điện và công nghệ đột phá trong thập kỷ tiếp theo. Ngoài ra, ông từng có 16 năm đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc Công ty FBR Capital Markets. |
Cổ phiếu VinFast đáng giá hơn Rivian
“Nên mua” cũng là đánh giá của ông Dan Ives, chuyên gia phân tích của công ty tài chính Wedbush Securities, về cổ phiếu VinFast trước phiên giao dịch ngày thứ Ba (21/11).
Theo nhà phân tích từ Wedbush Securities, bên cạnh VFS, cổ phiếu của Rivian Automotive (RIVN) cũng là mã mà nhà đầu tư “Nên mua”, song từ việc mục sở thị cơ ngơi của VinFast tại Việt Nam, chuyên gia Ives nhận thấy hãng xe điện từ châu Á có tiềm năng phát triển hơn hẳn.
“Chúng tôi đã tận mắt chứng kiến hoạt động quy mô của VinFast tại Việt Nam và rất ấn tượng với dấu ấn của họ trên thị trường xe điện”, ông Ives cho biết.
Dan Ives là nhà phân tích chứng khoán hàng đầu trong lĩnh vực Công nghệ tại phố Wall - Ảnh: Zenfs |
Theo thông tin từ VinFast, hãng dự kiến sẽ giao khoảng 45.000 xe trên toàn cầu trong năm 2023. Vị chuyên gia kỳ cựu dự đoán doanh thu của VinFast sẽ tăng từ 1,4 tỷ USD năm 2023 lên 5,5 tỷ USD vào năm 2025. Cùng lúc, khoản lỗ sẽ giảm từ 1,7 tỷ USD năm 2023 xuống còn 1,5 tỷ USD vào năm 2025.
Cổ phiếu VFS gần đây liên tục có diễn biến tích cực. Trước phiên giao dịch ngày thứ Ba (21/11), mã này tăng gần 4%, sau đó tiếp tục tăng 10,8% lên mức 5,99 USD/cổ phiếu tại cuối phiên, trong khi S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt giảm khoảng 0,2% và 0,7%. Ngày 24/11, VFS vẫn duy trì sắc xanh và chốt phiên ở mức 6,56 USD/cổ phiếu, tăng 3,8%.
Hiện, có 3 nhà phân tích đang theo dõi cổ phiếu VinFast, tất cả đều đưa ra đánh giá “Nên mua”. Chuyên gia Ives lạc quan rằng, các nhà đầu tư nên chuẩn bị sẵn sàng cho xu hướng tăng giá của cổ phiếu này sau các đánh giá tích cực mới.
Theo Tipranks, Barrons