Viễn cảnh nào cho các 'ông lớn' ngành sữa
Vinamilk chỉ tăng trưởng khiêm tốn 1,7% trong khi lợi nhuận giảm 8,3%. |
Vinasoy đang gặp khó khăn nhất định. Doanh thu sữa đậu nành Vinasoy 6 tháng đầu năm 2018 giảm 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 1.753 tỷ đồng.
Trong khi đó, Mộc Châu Milk, 6 tháng đầu năm nay mức doanh thu từ sữa của doanh nghiệp này đã giảm 1% dù riêng quý II năm nay phục hồi 2%. Chi phí bán hàng gia tăng nhưng bù lại, giá thu mua sữa giảm khiến lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm nay của Mộc Châu Milk chỉ giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiệu quả kinh doanh không có nhiều thắng lợi như những năm trước đây đã tác động lên giá cổ phiếu của các doanh nghiệp ngành sữa. Giá cổ phiếu QNS của Công ty mẹ Vinasoy cũng giảm đáng kể từ mức 54.000 đồng xuống còn 40.000 đồng…
Việc lợi nhuận của nhiều hãng sữa suy giảm đáng kể trùng hợp với sự suy yếu đột ngột của thị trường tiêu dùng nhanh (FMCG), trong khi giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh. Theo ghi nhận của Hãng nghiên cứu thị trường Kantar Worlpanel Vietnam, tổng doanh số ngành hàng tiêu dùng nhanh chỉ tăng nhẹ 3,6% trong nửa đầu năm nay và thấp hơn mức dự phòng 7-8% của nhiều tổ chức thế giới.
Trong đó, hai mặt hàng mì gói và sữa là các mặt hàng có lượng sụt giảm về tiêu thụ mạnh nhất, lần lượt là -4,3% và -4%. “Tổng mức tăng trưởng toàn thị trường FMCG cả năm 2018 khó vượt quá mức 5-6% khi xét đến kết quả nửa đầu năm đáng thất vọng”, Kantar Worldpanel Vietnam nhận định.
Trong phần còn lại của năm 2018, các hãng thực phẩm chắc chắn sẽ đối mặt với nhiều thách thức để giữ được tốc độ tăng trưởng, nhất là trong bối cảnh lạm phát có nguy cơ tăng mạnh trở lại. Bên cạnh đó, áp lực gia tăng chi phí nguyên liệu nhập khẩu khi tỷ giá đồng VND/USD chưa hết nóng sẽ là thách thức mới cho các doanh nghiệp trong ngành vượt qua.
Một rủi ro khác cho các thương hiệu sữa nội địa là áp lực cạnh tranh đang ngày một lớn khi dự kiến sẽ ngày càng nhiều hơn các thương hiệu sữa ngoại mở rộng xâm nhập vào Việt Nam, nhờ các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, hay EVFTA có hiệu lực.
Bên cạnh đó, hành vi mua sắm của người dùng, nhất là giới trẻ bắt đầu có những thay đổi đáng kể. “Với xu thế chú trọng đến trải nghiệm hơn là tiêu dùng hàng hóa của cơ cấu dân số vàng, chúng tôi tin rằng xu hướng giảm tốc của các mặt hàng thực phẩm và đồ uống sẽ còn tiếp diễn trong tương lai gần”, ông Hoàng Huy - Trưởng phòng Phân tích Công ty chứng khoán KIS Việt Nam nhận định.
Nhiều “ông lớn” ngành sữa vừa qua đã có những điều chỉnh về chiến lược kinh doanh. Vinamilk mới đây đã ký hợp tác chiến lược với hãng hàng không Vietnam Airlines nhằm đưa nhiều hơn các dòng sản phẩm đến với lượng lớn khách trong nước và ngoài nước di chuyển bằng đường hàng không.
Hợp tác này được biết có giá trị trong khoảng 5 năm và dự kiến, tổng giá trị sản phẩm của Vinamilk cung cấp lên các chuyến bay của VietnamAirlines sẽ tăng trưởng ở mức 10%/năm.
Trong chiều ngược lại, VietnamAirlines sẽ có cơ hội phục vụ cho 10.000 khách hàng là cán bộ công nhân viên của Vinamilk di chuyển bằng các phương tiện hàng không.
Hơn nữa, về chiến lược chủ động nguồn nguyên liệu có giá ổn định, Vinamilk cũng thâu tóm 51% cổ phần trong dự án tổ hợp trang trại bò sữa - bò thịt công nghệ cao Lao-Jargo Development XiengKhouang. Bước đi này cũng nằm trong chiến lược hạ giá thành sản phẩm, để cạnh tranh được với thương hiệu ngoại trong các năm tới.
Tất nhiên, Vinamilk còn có một lợi thế tiềm ẩn về năng lực mua bán sáp nhập (M&A) khi họ đang sở hữu hơn 10.000 tỷ đồng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng.
“Vinamilk vẫn còn nhiều động lực tăng trưởng từ M&A cũng như khả năng F&N và Jardines (hai công ty Jardine Matheson của Hồng Kông và Fraser & Neave của Singapore hiện là cổ đông lớn tại Vinamilk) sẽ cạnh tranh với nhau trong việc giành quyền kiểm soát Vinamilk trong trường hợp Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước thoái vốn các lô lớn”, Công ty Chứng khoán Bảo Việt nhận định.