Việt Nam ghi nhận thêm 9 ca mắc mới COVID-19 tại 4 địa phương
Nhân viên CDC Hà Nội làm xét nghiệm COVID-19. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Bản tin 6h ngày 3/2 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết tính từ 18 giờ ngày 2/2 đến 6 giờ ngày 3/2, Việt Nam có thêm 9 ca mắc mới COVID-19 ở cộng đồng, ghi nhận tại Hải Dương (2 ca), Hà Nội (1 ca), Gia Lai (4 ca) và Bình Dương (2 ca).
Tính đến 6h ngày 3/2, Việt Nam có tổng cộng 1.003 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 310 ca.
9 ca mắc mới (BN1883-1891) là các ca cộng đồng tại Gia Lai (4 ca), Hải Dương (2 ca), Bình Dương (2 ca) và Hà Nội (1 ca).
Cụ thể:
Thành phố Hà Nội ghi nhận 1 bệnh nhân (BN1883) là F1 của BN1814 liên quan ổ dịch thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
Tỉnh Hải Dương ghi nhận 2 bệnh nhân (BN1884-1885) là công nhân thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, đã được cách ly, không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng, lấy mẫu xét nghiệm lần đầu âm tính ngày 28/1.
Tỉnh Bình Dương ghi nhận 2 bệnh nhân (BN1886-BN1887) - 2 F1 của BN1843, BN1801 liên quan ổ dịch thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
Tỉnh Gia Lai ghi nhận 4 bệnh nhân (BN1888-1891) trong đó 3 người là F1 liên quan ổ dịch Công ty POYUN, tỉnh Hải Dương; 1 ca bệnh đang được điều tra dịch tễ.
Hiện tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 27.714 người, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện: 227 người; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 20.917 người; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 6.570 người.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này, Việt Nam đã chữa khỏi 1.461 bệnh nhân COVID-19.
Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2: 3 ca; số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 7 ca, số ca âm tính lần 3 là 2 ca.
Trong số các bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước, hiện BN1536 đang điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nặng là bệnh nhân nặng nhất. BN1536 tuổi cao, có tiền sử tăng huyết áp và đái tháo đường nhiều năm nay.
Từ ngày bệnh nhân nhập viện (15/1) đến nay, Tiểu ban điều trị và Hội đồng chuyên môn đã 4 lần tổ chức hội chẩn quốc gia tình hình sức khoẻ của bệnh nhân và yêu cầu Bệnh viện Phổi Đà Nẵng theo dõi sát sao trường hợp này.
Các bác sỹ và điều dưỡng có kinh nghiệm về hồi sức tích cực của Bệnh viện Đà Nẵng cũng đã được điều động sang Bệnh viện Phổi để hỗ trợ điều trị cho BN1536.
Số ca tử vong liên quan đến COVID-19 ở Việt Nam đến nay là 35 ca. Đây là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (3 trường hợp) và Quảng Trị (1 trường hợp).
Liên quan đến công tác sàng lọc bệnh nhân tại các cơ sở y tế, thông tin tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương chống dịch COVID-19 chiều 2/2, Phó giáo sư-tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết qua phân tích 240 bệnh nhân COVID-19 mới đợt này, kết quả cho thấy có đến 80% bệnh nhân không có triệu chứng. Đây là thách thức lớn với các bệnh viện trong quá trình sàng lọc bệnh nhân.
Trong số các bệnh nhân trong đợt dịch mới này chỉ có 1 bệnh nhân nặng, 3 bệnh nhân phải thở ôxy, 20 bệnh nhân có diễn biến bệnh cảnh lâm sàng. Vì vậy, Cục trưởng Lương Ngọc Khuê đề nghị tất cả các bệnh viện quay lại khai thác kỹ tiền sử dịch tễ tất cả người đến khám.
“Nếu cứ đợi bệnh nhân ho, sốt, khó thở thì sẽ dễ bỏ sót ca bệnh, bệnh nhân sẽ vào giữa bệnh viện," Cục trưởng Lương Ngọc Khuê cảnh báo và lưu ý trong điều trị phải luôn chú ý mở cửa thông thoáng các phòng khám, khu điều trị và đặc biệt lưu ý vấn đề kiểm soát nhiễm khuẩn./.