Việt Nam gọi vốn được 71 triệu USD trong năm 2022 qua IPO
Đông Nam Á vượt qua thời kỳ khó khăn tốt hơn
Báo cáo “Thị trường IPO Đông Nam Á năm 2022” (tổng hợp các hoạt động IPO tại 6 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á) do Deloitte công bố ngày 27/2 cho thấy, năm 2022, khu vực Đông Nam Á tiếp tục trở thành một trong các khu vực có sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực IPO, thể hiện thông qua việc gia tăng số lượng các thương vụ IPO so với năm trước.
Năm 2022 là một năm đầy bất ổn của nền kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu, thể hiện qua các đợt tăng lãi suất liên tiếp nhằm chống lại áp lực tăng lên của lạm phát trên toàn cầu và xung đột Nga - Ukraine cũng đã góp phần gây ra khủng hoảng trong chuỗi cung ứng toàn cầu cùng với áp lực tăng giá.
Các dữ liệu cho thấy, năm 2022 đã chứng kiến 163 thương vụ IPO thành công ở Đông Nam Á, tăng 7% so với 152 đợt IPO vào năm 2021. Trong khi số lượng công ty IPO tăng lên, tổng số vốn gọi được qua IPO năm 2022 chỉ là 7,6 tỷ USD, giảm 43% so với năm 2021 (với tổng số vốn huy động được là 13,3 tỷ USD). Điều này phản ánh số lượng các đợt IPO nhỏ diễn ra nhiều hơn trong năm qua.
Thị trường IPO Đông Nam Á kết thúc năm 2022 với mức vốn hóa thị trường là 56,1 tỷ USD, tăng 10,3% so với năm trước dù vốn huy động đã giảm 43%.
Bên cạnh đó, dù đà tăng trưởng năm 2022 đã chậm lại (sau năm 2021 bùng nổ IPO trên toàn cầu), nhưng khu vực Đông Nam Á cũng cho thấy đã vượt qua thời kỳ khó khăn tốt hơn, với số vốn huy động IPO giảm 43% nhưng mức giảm vẫn thấp hơn so với các thị trường khác như Mỹ giảm tới 95%; Anh giảm 89%; Hồng Kông giảm 68%.
Trong khi Thái Lan và Indonesia dẫn đầu Đông Nam Á trong năm 2022 (riêng 2 thị trường này huy động được gần 6 tỷ USD, chiếm tổng cộng 78% tổng số tiền huy động được qua IPO của cả khu vực Đông Nam Á) thì Malaysia ghi nhận mức tăng trưởng vốn gọi qua IPO ấn tượng nhất, lên tới 138% trong năm 2022.
Nhận định về về thị trường vốn tại Đông Nam Á, bà Tay Hwee Ling - Lãnh đạo phụ trách dịch vụ IPO thị trường Đông Nam Á và Singapore của Deloitte chia sẻ, khi thế giới đang chiến thắng trong cuộc chiến chống lại đại dịch, việc mở cửa trở lại các nền kinh tế và biên giới quốc gia đã dẫn đến lạm phát toàn cầu tăng từ 4,7% vào năm 2021 lên 8,8% vào năm 2022, dẫn đến việc lãi suất của Cục dự trữ Liên bang Mỹ tăng gần 4% trong vòng một năm, nhằm kiềm chế lạm phát gia tăng. Trước những yếu tố kinh tế vĩ mô này, thị trường IPO Đông Nam Á đã duy trì khá tốt, trong khi tiềm năng tăng trưởng của kinh tế khu vực tiếp tục được ghi nhận.
“Đông Nam Á vẫn còn tiềm năng tăng trưởng cao, khi khu vực này vươn lên khỏi khủng hoảng Covid-19. Chúng tôi kỳ vọng hoạt động IPO sẽ trải qua các chu kỳ lên và xuống, vì thị trường đang điều chỉnh lại từ tư duy thời đại dịch sang “trạng thái bình thường”. Mặc dù định giá hiện tại có thể thấp hơn đối với các công ty công nghệ, nhưng những công ty có nền tảng kinh doanh vững chắc và có thể chứng minh khả năng sinh lời sẽ vẫn có thể đạt được định giá thị trường tối ưu và khai thác những lợi ích của thị trường vốn”, bà Tay Hwee Ling nhấn mạnh về triển vọng thị trường khu vực trong năm 2023.
Vốn huy động qua IPO tại Việt Nam tăng gấp 4 lần
Tại Việt Nam, đã có 8 thương vụ IPO thành công vào năm 2022. Mặc dù con số này thấp hơn so với 13 đợt chào bán được ghi nhận cho năm 2021, nhưng số tiền huy động được đã tăng hơn gấp 4 lần, từ 15,6 triệu USD lên 71,4 triệu USD.
Nửa đầu năm, thị trường vốn khởi động với 6 đợt IPO thành công, huy động được 65 triệu USD, tiếp nối những diễn biến sôi động của thị trường trong nửa cuối năm 2021. Trong giai đoạn này, thị trường Việt Nam chứng kiến 2 thương vụ IPO thành công huy động được hơn 20 triệu USD mỗi công ty, từ Tôn Đông Á và Nova Consumer.
Thị trường có dấu hiệu chậm lại trong nửa cuối năm, do những bất ổn toàn cầu về lạm phát và khả năng suy thoái ngày càng tăng. Tại Việt Nam, xu hướng này bị chi phối bởi giá nhiên liệu leo thang, lãi suất tăng, thị trường vốn thắt chặt… gần đây.
Ông Bùi Văn Trịnh, Phó Tổng Giám đốc dịch vụ Tư vấn Sự kiện đột phá (Deloitte Việt Nam) cho biết, trọng tâm của thị trường IPO tại Việt Nam đã chuyển từ bất động sản vào năm 2021 sang sản phẩm công nghiệp và hàng tiêu dùng vào năm 2022. Ngành hàng tiêu dùng được kỳ vọng sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng, với những thương vụ IPO sắp tới. Với những bất ổn hiện tại, các nhà đầu tư cũng như các công ty đang khá thận trọng trong việc xác định thời điểm gia nhập thị trường.
Theo Deloitte, nền kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng 6,5% vào năm 2023. Tăng trưởng chậm lại bắt nguồn từ những bất ổn ở thị trường kinh tế toàn cầu và sự phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài trong các hoạt động sản xuất. Có nhiều công ty chuẩn bị chào bán nhưng đang chờ đến khi diễn biến thị trường có dấu hiệu tích cực hơn. Những thay đổi về quy định trên thị trường vốn được kỳ vọng sẽ thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư và ổn định nền kinh tế trong dài hạn, hướng đến một thị trường chứng khoán sôi động hơn.
“Các cơ quan quản lý của Việt Nam đã thi hành nhiều chủ trương tích cực nhằm nâng cao tính minh bạch của thông tin tài chính, ví dụ như áp dụng các quy định khuyến khích tính minh bạch, hiệu quả và uy tín trong quy trình chào bán; đồng thời đề xuất thúc đẩy việc áp dụng Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS). Chúng tôi hy vọng rằng điều này sẽ củng cố niềm tin của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, đồng thời nâng cao sức hấp dẫn và sự sôi động của thị trường vốn Việt Nam”, ông Thịnh nhận định.