Việt Nam tiếp tục “hút” kiều hối
TS. Nguyễn Đức Độ |
Ông có nhận định thế nào về nguồn kiều hối của nước ta trong thời gian qua?
Thực tế, Việt Nam luôn được đánh giá là nước có nguồn kiều hối tương đối ổn định. Với hàng triệu kiều bào đang sinh sống, làm việc ở 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, tiềm lực tài chính của Việt kiều ngày một tăng, lượng kiều hối về Việt Nam đang cho thấy những dấu hiệu tích cực, không chỉ ở số lượng mà cả về chất lượng.
Minh chứng là trong năm 2022, đã có nhiều ý kiến lo ngại về lượng kiều hối sẽ giảm mạnh do tình hình lạm phát tăng cao trên thế giới, giá dầu, giá lương thực tăng cao ảnh hưởng trực tiếp tới túi tiền của kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, khiến họ giảm bớt lượng tiền gửi về gia đình. Tuy nhiên thực tế, số liệu thống kê cho thấy, dòng kiều hối về Việt Nam trong năm vừa qua vẫn khá tốt so với các năm trước. Không chỉ năm 2022, mà trong nhiều năm gần đây, nguồn kiều hối đổ về Việt Nam rất ổn định, dù khó khăn, đồng bào ta ở nước ngoài vẫn gửi tiền về hỗ trợ gia đình.
Nguyên nhân nguồn kiều hối tăng trưởng tích cực trong bối cảnh thế giới nhiều biến động là bởi Việt Nam có môi trường đầu tư ngày càng tốt, nhiều chính sách hấp dẫn dành cho Việt kiều. Người dân ngày càng cảm nhận rõ sự thay đổi tích cực của môi trường kinh doanh trong nước, cộng với sự ổn định của kinh tế vĩ mô là những yếu tố khuyến khích kiều bào chuyển tiền về cho người thân đầu tư trong nước.
Ông đánh giá thế nào về vai trò của chính sách tiền tệ trong việc thu hút kiều hối?
Việc thu hút kiều hối phụ thuộc nhiều vào môi trường kinh doanh ổn định, nhiều chính sách hấp dẫn. Để thu hút kiều hối, điều kiện tiên quyết là giữ ổn định của kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát tốt. Thời gian qua, chính sách tiền tệ đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu này. Ngoài ra, việc duy trì chính sách lãi suất thực dương, tỷ giá ổn định… cũng là những yếu tố quan trọng giúp thu hút kiều hối.
Có thể khẳng định rằng, kiều hối có tác động rất tích cực đối với sự phát triển kinh tế, an sinh xã hội. Bởi kiều hối giúp cải thiện cán cân vãng lai, cán cân thanh toán của Việt Nam. Qua đó có điều kiện để thực hiện các chính sách về ngoại hối, tỷ giá hối đoái và nhất là tăng dự trữ ngoại hối quốc gia sẽ góp phần củng cố tiềm lực tài chính nói chung và tiềm lực tài chính đối ngoại nói riêng của Việt Nam, làm cơ sở hoạch định chính sách ngoại hối. Đồng thời kiều hối cũng hỗ trợ và phát huy hiệu quả chính sách tiền tệ của NHTW. Vì vậy, theo tôi quan sát, NHNN luôn luôn có chính sách thu hút tốt nguồn lực này.
Vậy về phía các NHTM cần làm gì để thu hút nguồn kiều hối thời gian tới?
Ở góc độ các NHTM, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam ngày càng nhiều còn giúp cho các ngân hàng gia tăng lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ. Khi dòng kiều hối được chuyển qua kênh ngân hàng nhiều hơn, các ngân hàng sẽ có cơ hội tăng thu hút tiền gửi từ chuyển đổi ngoại tệ sang VND, thêm nguồn vốn đầu tư cho nền kinh tế. Hơn nữa, kiều hối chuyển qua kênh chính thức còn giúp tổ chức tín dụng tiếp cận các hộ gia đình, cung cấp dịch vụ tài chính, tạo cơ hội cho họ quản lý tài chính cá nhân, hạn chế rủi ro tài chính.
Hiện nay, dù các NHTM vẫn là kênh chuyển kiều hối chính nhưng cũng đã xuất hiện sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ của các công ty kiều hối. Chính vì vậy, bản thân các nhà băng cần có chính sách thu hút kiều hối tốt hơn, thông qua việc nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo sự thuận tiện, đơn giản trong các thủ tục, nhiều ưu đãi hấp dẫn… đồng thời có các sản phẩm đi kèm như dịch vụ đầu tư để tạo trải nghiệm liền mạch cho khách hàng.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần có chính sách phù hợp để thu hút nguồn lực này qua việc tiếp tục xây dựng môi trường đầu tư tốt, duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô, đi kèm với đó là chính sách cởi mởi, hấp dẫn dành cho Việt kiều.
Xin cảm ơn ông!