Việt Nam và Nhật Bản còn nhiều tiềm năng hợp tác trong tăng trưởng xanh
Quang cảnh hội thảo "Việt Nam - Nhật Bản hợp tác hướng tới tăng trưởng xanh" |
Ngày 12/9, tại Hà Nội, báo Việt Nam News (Thông tấn xã Việt Nam) phối hợp với Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo "Việt Nam - Nhật Bản hợp tác hướng tới tăng trưởng xanh", nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ quan điểm về tăng trưởng xanh, cơ hội và thách thức trong việc thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; ý nghĩa của sự hỗ trợ từ phía Nhật Bản cho chiến lược phát triển xanh tại Việt Nam; cũng như đề xuất, khuyến nghị các giải pháp giúp thực hiện chiến lược này.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Vũ Việt Trang - Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, cho biết hiện quan hệ thương mại song phương Việt Nam - Nhật Bản được xây dựng trên nền tảng là các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà hai nước đã ký kết, cũng như thông qua các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Nhật Bản tại Việt Nam. Trong nhiều năm qua, Nhật Bản liên tục là đối tác đầu tư và viện trợ ODA hàng đầu tại Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương năm 2022 đạt gần 50 tỷ USD.
Tại cuộc hội thảo cấp cao về kinh tế Việt - Nhật gần đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh đến định hướng mới trong quan hệ hợp tác giữa hai nước, đó là hợp tác hướng tới phát triển bền vững và tăng trưởng xanh. Đây cũng là con đường phát triển tất yếu của không chỉ Việt Nam mà còn của nhiều nước trên thế giới trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn biến rất phức tạp, trở thành vấn đề quan tâm chung của toàn cầu.
Đối với Việt Nam, thực hiện tăng trưởng xanh còn nhằm mục tiêu thực hiện cam kết tại Hội nghị COP26, thực hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế.
Theo bà Vũ Việt Trang, Việt Nam và Nhật Bản đã có nhiều chương trình hợp tác trong lĩnh vực tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, hai nước vẫn còn nhiều dư địa để thúc đẩy hợp tác mang tính chất bổ sung cho nhau.
Thông qua toạ đàm này, bà Vũ Việt Trang cho rằng các tổ chức và doanh nghiệp Nhật Bản sẽ có nhiều thông tin đầy đủ hơn về ưu tiên chính sách, chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam nói chung cũng như của các địa phương nói riêng, mở ra các cơ hội hợp tác mới trong các lĩnh vực mà hai bên có tiềm năng, thế mạnh.
Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu cho biết mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất trong lịch sử hai nước, xứng tầm quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng dựa trên sự chân thành, tin tưởng và hỗ trợ lẫn nhau.
“Trong trung và dài hạn hướng tới mục tiêu 2030-2050, hai nước còn rất nhiều tiềm năng hợp tác hơn nữa trong công nghệ xanh, chuyển đổi năng lượng, hợp tác nghiên cứu song phương ứng dụng công nghệ Nhật Bản phù hợp với trình độ và lộ trình chuyển đổi của Việt Nam”, Đại sứ Phạm Quang Hiếu chia sẻ.
Đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Việt Nam nhấn mạnh, việc tập trung vào phát triển xanh là rất quan trọng để giải quyết các vấn đề cấp bách tại Việt Nam, bao gồm chất lượng nước, ô nhiễm không khí, quản lý chất thải, tái chế, hiệu suất năng lượng và khí thải carbon. JETRO khuyến nghị Chính phủ Việt Nam thực hiện quy định về môi trường nghiêm ngặt hơn, mở rộng trách nhiệm môi trường của các nhà sản xuất và đẩy nhanh sự chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo.
Trong khi đó, đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường để nâng cao khả năng của Việt Nam trong việc giảm khí thải carbon, tập trung vào quản lý tài nguyên nước; hợp tác với các công ty nông nghiệp trong việc cải thiện điều kiện sống và triển khai công nghệ hiện đại để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai tự nhiên.
Tính cho đến tháng 8/2023, Nhật Bản đang đầu tư vào 5168 dự án tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư đăng ký hơn 71 tỷ USD. Nhật Bản hiện đứng thứ ba trong số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.