Vietcombank: Phấn đấu trở thành ngân hàng hàng đầu
Theo ông Phạm Quang Dũng - Tổng giám đốc Vietcombank, năm 2018, ngân hàng hoạt động với 3 trụ cột là bán lẻ, dịch vụ, kinh doanh vốn và đầu tư; tín dụng tăng trưởng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên. Theo đó, Vietcombank luôn thực hiện kiểm soát tăng trưởng tín dụng chặt chẽ, tuân thủ theo định hướng của NHNN, bám sát định hướng “bán lẻ”, tái cấu trúc danh mục tín dụng, phát triển cơ sở khách hàng tín dụng mới.
Tính đến cuối năm 2018, dư nợ tín dụng của Vietcombank đạt 635.452 tỷ đồng, tăng 14,9% so với 2017. Trong đó, tỷ trọng tín dụng bán lẻ tiếp tục mở rộng, tăng từ 39,6% năm 2017 lên 46,2% cuối năm 2018; dư nợ cho vay khách hàng FDI đạt 41.324 tỷ đồng, tăng 6,4%.
Đi đôi với việc mở rộng tín dụng, chất lượng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ để ngăn ngừa nợ xấu mới phát sinh. Đồng thời Vietcombank cũng đẩy mạnh thu hồi nợ xấu và nợ đã xử lý dự phòng rủi ro. Nhờ đó đến cuối năm 2018, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank chỉ dưới 1%, thấp nhất trong toàn hệ thống; Dư quỹ dự phòng rủi ro ở mức 10.490 tỷ đồng.
Bên cạnh hoạt động tín dụng, các mảng kinh doanh dịch vụ cũng được đẩy mạnh. Theo đó, doanh số Thanh toán quốc tế - Tài trợ thương mại... đạt 78,4 tỷ USD, tăng 21,5% so cùng kỳ; chiếm 16,23% thị phần, tăng 1,04 điểm % so với năm trước. Doanh số mua bán ngoại tệ (không bao gồm giao dịch liên ngân hàng) đạt 46,5 tỷ USD, tăng 16,9% so cùng kỳ. Dịch vụ chuyển kiều hối đạt 2,2 tỷ USD, tăng 17,1% so cùng kỳ. Hoạt động thẻ tiếp tục tăng trưởng khá: Doanh số thanh toán thẻ và doanh số sử dụng thẻ lần lượt đạt 118.315 tỷ đồng/38.608 tỷ đồng, tăng trưởng tương ứng 28,1% và 22,2%% so với 2017...
Nhờ các mảng kinh doanh phát triển mạnh mẽ, trong năm qua lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt 18.016 tỷ đồng, tăng 63,5% so với cùng kỳ 2017 và vượt 20,1% so với kế hoạch mà ĐHCĐ đề ra; lợi nhuận hợp nhất đạt 18.356 tỷ đồng, tăng 62% so với năm 2017 và vượt 38% so với kế hoạch. Chỉ số ROA, ROE đạt tương ứng là 1,37% và 25,42%, tăng mạnh so với 2017 và cao hơn mặt bằng chung. Vietcombank tiếp tục có giá trị vốn hóa lớn nhất trong các ngân hàng niêm yết và vươn lên là ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn nhất hệ thống.
Được biết, năm 2019, Vietcombank đặt kế hoạch, tổng tài sản tăng 12%, huy động vốn tăng 13%, dư nợ tín dụng tăng 15%, lợi nhuận trước thuế tăng 12% và tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới mức 1%. Ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT Vietcombank đánh giá hoạt động kinh doanh của ngân hàng đã có sự bứt phá ấn tượng và Vietcombank đã hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ năm 2018. Năm 2019, Vietcombank phấn đấu trở thành một trong 100 ngân hàng lớn nhất khu vực và 300 tập đoàn tài chính lớn nhất trên thế giới.
Biểu dương những kết quả mà Vietcombank đã đạt được trong năm 2018, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng yêu cầu Vietcombank cần đẩy mạnh công tác kiểm soát nâng cao an toàn, hiệu quả trong kinh doanh; xem xét việc thoái vốn ở những đơn vị làm ăn không hiệu quả. Cùng với đó, cần tăng cường hơn nữa về quy mô tài sản; tăng cường hơn nữa đầu tư về công nghệ, công nghệ ngân hàng lõi, đồng thời phát triển các sản phẩm dịch vụ mới, hiện đại trên nền tảng công nghệ mới… để hướng tới mục tiêu là ngân hàng hàng đầu của Việt Nam, nằm trong top 100 ngân hàng hàng đầu trong khu vực, top 300 trên thế giới.
Phó Thống đốc nhấn mạnh, với cuộc CMCN 4.0, việc thanh toán điện tử, thanh toán qua ngân hàng đang có những bước tiến mạnh mẽ, nếu không nhanh chóng thay đổi, chúng ta sẽ tụt hậu và mất thị phần. Trong năm 2019, dự báo thanh toán điện tử sẽ là một trọng tâm lớn mà các ngân hàng cần chú ý để tận dụng cơ hội, chiếm lĩnh thị phần; và tất nhiên, đi cùng với đó sẽ là công tác đảm bảo an toàn trong thanh toán. Điều này càng trở nên cấp thiết đối với định hướng trở thành ngân hàng số của Vietcombank vào năm 2020.
Chia sẻ về định hướng điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2019, Phó Thống đốc cho biết, năm nay NHNN xác định mức tăng trưởng tín dụng khoảng 14%. Đây thực sự là cơ hội để các ngân hàng tái cơ cấu lại các nguồn tín dụng, các nguồn đầu tư, cũng như xử lý các khoản nợ xấu… Với tinh thần đó, Phó Thống đốc đề nghị, các ngân hàng cần tiếp tục cải cách hành chính sâu rộng hơn, như về thủ tục, điều kiện, hồ sơ vay vốn, phí; đưa nhiều sản phẩm, dịch vụ hiện đại ứng dụng công nghệ thông tin để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn của ngân hàng.
Hưởng ứng chủ trương của Chính phủ nêu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 và định hướng của NHNN, ngày 9/1/2019, Vietcombank đã chính thức giảm mạnh lãi suất để hỗ trợ các doanh nghiệp vay vốn VND thuộc các lĩnh vực ưu tiên theo quy định của Chính phủ và NHNN. Theo đó, Vietcombank áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND tối đa là 6%/năm, tương đương giảm 0,5% so với mức trần quy định của NHNN, áp dụng cho tất cả các khoản cho vay đang còn dư nợ và các khoản cho vay mới phát sinh trong năm 2019. Đồng thời giảm đồng loạt 0,5%/năm trong năm 2019 đối với các khoản vay trung, dài hạn VND hiện tại của doanh nghiệp. “Việc này chắc chắn tác động đến lợi nhuận của ngân hàng. Hiện tại, mức dư nợ đối với lĩnh vực ưu tiên tại Vietcombank chiếm 30%, với mức giảm thêm 0,5%/năm lãi suất trên, ngân hàng sẽ bị giảm khoảng 450 tỷ đồng lợi nhuận trong thời gian tới. Đây là chia sẻ đáng kể của ngân hàng đối với DN”, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết. |