VinaCapital: Tăng trưởng GDP năm 2024 có thể đạt 6-6,5%
VinaCapital luôn ưu tiên đầu tư vào các doanh nghiệp mang tính bền vững Thời cơ lớn để Hà Nội thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn Tăng trưởng GDP: động lực chính đến từ chính sách tài khóa |
Các nhà máy bắt đầu tuyển nhân công từ tháng 10, sau khi cắt giảm nhân công gần suốt năm. |
Ông Michael Kokalari - Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường (VinaCapital) dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ cao hơn trong năm 2024, lên mức 6,5% từ mức 5,05% của năm 2023.
Phân tích về vấn đề trên, ông Michael Kokalari cho rằng hoạt động xuất khẩu sẽ tăng trưởng cao hơn từ mức dưới 4% năm 2023 lên mức 8-9% năm 2024, vẫn thấp hơn mức tăng trước COVID-19 do nền kinh tế Mỹ và toàn cầu suy yếu. Hầu hết sản phẩm sản xuất tại Việt Nam đều dành cho xuất khẩu, đặc biệt là đến thị trường Mỹ.
Mặt bằng lãi suất tại Việt Nam sẽ thấp hơn và ít biến động hơn giai đoạn hai năm vừa qua, sẽ hỗ trợ nền kinh tế phát triển theo nhiều cách, bao gồm thúc đẩy tiêu dùng và tăng trưởng tín dụng.
Liên quan đến vấn đề nhu cầu tiêu dùng, tăng trưởng GDP của Việt Nam đã giảm từ mức 8% ở giai đoạn bùng nổ sau COVID-19 năm 2022 xuống còn 5,1% năm 2023, và mức giảm này gần như tương ứng với sự suy giảm của ngành sản xuất/chế tạo công nghiệp và ngành dịch vụ/tiêu dùng trong nước.
Tuy nhiên, VinaCapital kỳ vọng hoạt động sản xuất sẽ phục hồi tốt trong năm nay. Nhu cầu tiêu dùng sẽ không tăng mạnh trong năm 2024 vì làn sóng du khách nước ngoài đến Việt Nam đã thúc đẩy tiêu dùng trong năm ngoái nhưng sẽ khó lặp lại trong năm nay.
Số lượng du khách nước ngoài đến Việt Nam không bao gồm khách Trung Quốc (vốn chiếm 1/3 tổng lượng khách đến Việt Nam) đã trở lại mức trước COVID-19. Có khả năng khách du lịch Trung Quốc sẽ tăng trở lại trong năm 2024 (đã đạt mức 30% giai đoạn trước COVID-19 vào năm ngoái), nhưng nhu cầu tiêu dùng tại Trung Quốc đang thấp giống như giai đoạn cách ly xã hội thời COVID-19, do nước này đang phải xử lý nhiều vấn đề mang tính hệ thống.
Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã hồi phục từ mức 20% so với trước COVID-19 trong năm 2022 lên mức 70% trong năm 2023, đóng góp phần lớn vào mức tăng 7,1% của chỉ số doanh số bán lẻ thực (ngoại trừ yếu tố lạm phát) năm ngoái.
Một lý do giúp tâm lý và chi tiêu cho tiêu dùng hồi phục vào giữa năm ngoái là triển vọng việc làm trở nên sáng sủa hơn. Đầu năm 2023, nhiều thông tin về việc cắt giảm nhân công tại các nhà máy đã tác động mạnh đến chi tiêu và tâm lý tiêu dùng, nhưng xu hướng này giảm dần vào giữa năm do cắt giảm nhân công là bởi xuất khẩu suy giảm, cho đến cuối năm 2023 thì các nhà máy đã bắt đầu tuyển nhân công trở lại.
Cụ thể, các nhà máy bắt đầu tuyển nhân công từ tháng 10, sau khi cắt giảm nhân công gần suốt năm, theo khảo sát PMI Việt Nam của S&P Global. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy tỷ lệ lao động ngành công nghiệp trong tháng 10 đã tăng gần 1% so với tháng trước đó và đến cuối năm thì tỷ lệ này đã hồi phục hoàn toàn (nghĩa là không thay đổi so với cùng kỳ năm trước đó). Tuy nhiên, mức lương chỉ tăng dưới 5% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng thông thường 7-10%, cho thấy thị trường lao động đang gặp khó khăn.
Chi tiêu và tâm lý tiêu dùng được hỗ trợ thêm vào cuối năm 2023 khi thị trường bất động sản bắt đầu nhận được hỗ trợ. Nhiều tin tức tiêu cực về thị trường bất động sản năm ngoái đã khiến tâm lý người tiêu dùng bị ảnh hưởng lớn hơn cả những vấn đề thực tế của thị trường. Thị trường bất động sản được hỗ trợ sẽ giúp tâm lý tiêu dùng được giải tỏa trong năm nay.
Theo ông Michael Kokalari, xuất khẩu linh kiện máy tính và hàng điện tử đã tăng trở lại, nhưng xuất khẩu điện thoại thông minh và hàng may mặc vẫn đang suy giảm. Lưu ý rằng mỗi nhóm trong ba nhóm sản phẩm nêu trên chiếm khoảng 15% tổng xuất khẩu của Việt Nam năm ngoái.
Doanh số sản phẩm máy tính và các sản phẩm dành cho xu hướng “Work from Home” đã giảm sau COVID-19, nhưng người tiêu dùng đang có nhu cầu nâng cấp máy tính để sử dụng các chương trình về trí tuệ nhân tạo (AI), lý giải vì sao công ty nghiên cứu Canalys dự báo doanh số máy tính toàn cầu sẽ hồi phục từ mức giảm 12% năm 2023 lên mức tăng 10% năm 2024.
Ông Michael Kokalari, CFA - Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital - dự báo, năm 2024, lãi suất của Việt Nam sẽ bình ổn và hỗ trợ cho nền kinh tế.
Cụ thể, chuyên gia của VinaCapital phân tích, lãi suất huy động của Việt Nam đã tăng 300 điểm cơ bản và quay lại mức thấp hơn khởi đầu chỉ trong 18 tháng tính từ giữa năm 2022. Biến động này là do áp lực từ tỷ giá, đã tác động lớn đến VN-Index và thị trường bất động sản cũng như ảnh hưởng đến nền kinh tế thực.