Vinamilk: Sức mạnh chuyển đổi xanh từ hơn 10.000 lao động
Vinamilk: Nhận thức sẽ quyết định hành động chuyển đổi xanh ở mỗi doanh nghiệp Chuyển đổi xanh để tăng trưởng bền vững Tăng trưởng xanh là hướng đi tất yếu |
Nhân viên Vinamilk tham gia hoạt động khoanh nuôi rừng ngập mặn tại Cà Mau, thuộc dự án Net Zero của Vinamilk. |
Hơn 10.000 người lao động tạo nên sức mạnh Net Zero
Giữa năm 2023, Vinamilk đưa ra một cam kết quan trọng, dài hạn, thách thức: Net Zero 2050 - Phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Nhận định phát triển bền vững không còn là sự lựa chọn mà là điều bắt buộc đối với doanh nghiệp, Vinamilk đã cho thấy sự kiên định đối với các mục tiêu phát triển xanh, bền vững.
Bà Bùi Thị Hương, Giám đốc điều hành Hành chính - Nhân sự - Đối ngoại Vinamilk, chia sẻ: “Doanh nghiệp xác định, cách thức nhanh nhất và tốt nhất để chuyển đổi xanh là nâng cao ý thức của toàn thể đội ngũ nhân sự. Khi tất cả nhân viên đều chủ động thực hành chuyển đổi xanh thì các mục tiêu phát triển bền vững của Vinamilk sẽ nhanh chóng đạt được”.
Là doanh nghiệp chú trọng vào phát biển bền vững và đem lại nhiều giá trị cho cộng đồng, xã hội, Vinamilk kêu gọi mỗi thành viên cùng đồng hành trên hành trình phát triển bền vững.
Từ năm 2020, Vinamilk đã gắn kết người lao động mật thiết hơn vào quá trình hoạch định phát triển bền vững của công ty, ghi dấu thông qua việc khảo sát trực tiếp tổng thể nhân viên các khía cạnh liên quan đến phát triển bền vững. Qua đó, mỗi thành viên sẽ nâng cao nhận thức và góp phần xây dựng định hướng cho các hoạt động của Vinamilk gắn với phát triển bền vững trong tương lai.
Bên cạnh đó, Vinamilk cũng thực hiện các nội dung truyền thông nội bộ về định hướng phát triển bền vững của Công ty, báo cáo phát triển bền vững, các giải thưởng về phát triển bền vững và môi trường của Công ty để khích lệ cán bộ - nhân viên (CB-NV) quan tâm nhiều hơn đến phát triển bền vững.
Các chương trình như Quỹ Sữa vươn cao Việt Nam, các hoạt động trồng cây hướng đến Net Zero… không chỉ gây dấu ấn cho cộng đồng mà còn góp phần xây dựng tình cảm, sự gắn kết doanh nghiệp từ nội bộ CB-NV.
Vinamilk cũng tổ chức định kỳ các khóa đào tạo về phân loại thu gom rác thải, sử dụng tiết kiệm năng lượng, nước, các buổi diễn tập ứng phó sự cố rò rĩ… nhằm giúp đội ngũ nhân sự hiểu rõ tầm quan trọng và luôn chủ động với các tình huống có thể xảy ra. Qua đó, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường và phát triển bền vững cho toàn thể người lao động.
“Chúng tôi làm mọi cách để gắn kết người lao động vào chiến lược phát triển bền vững của công ty. Bởi ban lãnh đạo Công ty tin rằng con người là yếu tố quyết định mọi sự thành công. Vinamilk có đạt được mục tiêu Net Zero 2050 hay không phụ thuộc vào sự quyết tâm, đoàn kết của toàn thể CB-NV Vinamilk”, bà Bùi Thị Hương cho hay.
Có thể thấy, mỗi một nhân sự của Vinamilk đều đã và đang nâng cao ý thức chuyển đổi xanh bởi doanh nghiệp lựa chọn con đường phát triển bền vững từ rất sớm. Nét văn hóa chuyển đổi xanh, phát triển bền vững tại doanh nghiệp đã thúc đẩy người lao động liên tục tư duy, sáng tạo để phát triển các sáng kiến đổi mới liên quan đến phát triển bền vững.
Chủ động sáng kiến phát triển bền vững
Câu nói nổi tiếng của Tổng giám đốc Mai Kiều Liên “Sáng tạo là yếu tố sống còn” đã trở thành kim chỉ nam, dẫn đường cho mỗi CB-NV Vinamilk trong hành trình phát triển, nâng tầm doanh nghiệp ngành sữa.
Tinh thần “quyết tâm, táo bạo, luôn là chính mình” trong văn hóa doanh nghiệp là yếu tố giúp CB-NV Vinamilk chung sức tạo nên chuyển đổi xanh. |
Từ những bước ngoặt lớn của doanh nghiệp như thực hiện cuộc “Cách mạng trắng” - mở rộng vùng nguyên liệu, xuất khẩu - vươn tầm quốc tế, cổ phần hóa… đến việc thực hiện một cam kết có tính toàn cầu như Net Zero 2050, yếu tố sáng tạo vẫn được đề cao.
Hàng năm, các CB-NV Vinamilk liên tục phát triển các sáng kiến mới liên quan đến phát triển bền vững và đổi mới, cập nhật những thực hành, công việc hàng ngày. Có thể kể đến sáng kiến máy sấy cỏ sử dụng năng lượng từ biogas.
Biogas là loại năng lượng sạch với đầu vào là chất thải của đàn bò, qua các hệ thống xử lý hiện đại để cho ra phân bón, khí đốt và nước tưới.
Trước khi có cải tiến này, cỏ khô chủ yếu được xử lý thủ công bằng cách phơi trực tiếp dưới ánh sáng mặt trời. Cải tiến này không chỉ giúp đơn vị gia tăng năng suất mà còn tận dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng xanh, từ đó, hạn chế phát thải khí nhà kính. Nhận thấy giá trị kinh tế đồng hành cùng giá trị môi trường, Vinamilk dự kiến sẽ đầu tư thêm công suất máy sấy, triển khai đồng bộ cho tất cả trang trại trong hệ thống.
Tương tự, đơn vị cũng chế tạo thành công máy sấy quần áo chạy bằng năng lượng biogas, có hiệu suất, chất lượng hoạt động tương đương máy sấy công nghiệp nhưng vẫn có thể tiết kiệm được hơn 140.000 kWh/năm, tương đương 274 triệu đồng/năm.
Ở nhà máy, sáng kiến Thiết kế hệ thống thu hồi nước giải nhiệt và tái sử dụng giúp tiết kiệm tới 91.250 m3 nước trong năm 2022. Cụ thể, hệ thống thanh trùng Past 15.000 lít/giờ, trung bình một ngày thải bỏ khoảng 250 m³ nước giải nhiệt. Để tránh gây hao phí nguồn nước, đơn vị đã nghiên cứu và thiết kế hoàn thiện mô hình tuần hoàn nước để tái sử dụng.
Ông Lê Hoàng Minh, Giám đốc điều hành Sản xuất kiêm Trưởng dự án Net Zero chia sẻ: “Ý tưởng cho chương trình hành động hướng tới Net Zero: Vinamilk Pathways to Dairy Net Zero 2050 xuất phát từ những bản kế hoạch về cải tiến hiệu suất, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên của các CB-NV. Chúng tôi muốn tạo nên một chương trình hành động bài bản, chuyên nghiệp để không chỉ ứng dụng các công nghệ tiên tiến thế giới, mà còn nhân rộng những mô hình sáng tạo của các CB-NV, từ đó cổ vũ tinh thần đổi mới và tình yêu thiên nhiên trong nội bộ Vinamilk”.
“Hành trình tiến đến Net Zero 2050 còn nhiều khó khăn, thách thức tuy nhiên Vinamik tự tin đạt được mục tiêu đề ra nhờ tinh thần đồng lòng, ý chí và tinh thần sáng tạo của toàn thể CB-NV. Qua những sáng kiến, giải pháp giúp tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải hay tham gia các dự án trồng cây… nhân viên sẽ gắn kết và tự hào hơn khi là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của Vinamilk”, bà Bùi Thị Hương đúc kết.