Vốn đầu tư nước ngoài trở lại mạnh mẽ
"Mở hàng" nhiều dự án mới
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính từ đầu năm đến 20/1, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài đạt 1,69 tỷ USD. Mặc dù con số này giảm 19,8% so với cùng kỳ năm trước, nhưng chỉ trong vòng 20 ngày đầu năm, Việt Nam đã cấp giấy phép đầu tư cho 153 dự án FDI mới, với tổng vốn đăng ký đạt 1,2 tỷ USD, tăng 48,5% về số dự án và gấp 3,1 lần về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021.
Ngay từ đầu năm, các lĩnh vực có thế mạnh như bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ôtô, môtô, xe máy... đã thu hút khá mạnh các nhà đầu tư nước ngoài. Tổng vốn đăng ký mới cho các lĩnh vực này đã đạt con số 651,9 triệu USD với các dự án lớn của Tập đoàn Yadea (Hồng Kông) và dự án Nhà máy công nghệ chính xác Fulian của các nhà đầu tư Singapore (cùng đầu tư tại Bắc Giang).
Tại phía Nam, các địa phương như TP.HCM, Bình Dương, Long An… trong tháng vừa qua cũng đã bắt đầu ghi nhận nhiều dự án FDI đăng ký mới và tăng vốn cho các dự án đang triển khai dang dở. Chẳng hạn, tại TP.HCM, tổng vốn FDI đầu tư trong tháng 1/2023 ước khoảng 180 triệu USD. Con số này tăng gần 74% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng các dự án đầu tư trực tiếp FDI là 50 dự án với tổng vốn đăng ký gần 87 triệu USD. Tại Bình Dương hiện cũng đã ghi nhận hàng chục dự án FDI được cấp mới và bổ sung vốn trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.
Việt Nam vừa cấp giấy phép đầu tư cho 153 dự án FDI mới với tổng vốn đăng ký đạt 1,2 tỷ USD |
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tuy mới là tháng đầu năm, song dựa trên tiềm năng về thị trường và các dự án đã ký biên bản ghi nhớ (MOU), nhiều khả năng trong năm 2023, Việt Nam có thể thu hút 36-38 tỷ USD vốn đầu tư FDI, tăng khoảng 30-37% so với năm 2022. Hiện các tập đoàn lớn như Goertek và Luxshare (2 nhà cung cấp chính của Apple) đã rót thêm lần lượt 400 triệu USD và 306 triệu USD để mở rộng sản xuất thiết bị điện tử đa phương tiện tại Việt Nam. Trong khi đó, hãng Samsung đã khánh thành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) tại Việt Nam vào cuối năm 2022.
Áp lực cạnh tranh giữa các vùng "đất lành"
Theo các chuyên gia, trong năm 2023 Việt Nam có nhiều cơ hội để thu hút các dòng vốn dịch chuyển từ Trung Quốc cũng như thu hút các tập đoàn công nghệ đa quốc gia. Bởi nền kinh tế Việt Nam phục hồi khá nhanh chóng sau đại dịch Covid-19, song song đó từ cuối năm 2022 đến nay đã có hàng trăm thương vụ mua bán sáp nhập, góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài được thực hiện thành công.
Tuy nhiên, để chọn lọc thu hút được các dự án dài hơi, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, các chuyên gia cho rằng các địa phương có thế mạnh thu hút FDI và các vùng kinh tế trọng điểm cần có các chiến lược tạo lợi thế cạnh tranh mang tầm khu vực. Những số liệu so sánh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy trong năm 2022, Indonesia đã thu hút được 45,6 tỷ USD vốn FDI. Quốc gia này hiện có mức tăng trưởng đầu tư nước ngoài cao nhất thế giới với 44,2% trong năm 2022. Vì thế đây sẽ là “đối thủ đáng gờm” của Việt Nam trong năm nay để đón chân các nhà đầu tư lớn.
Theo ông Đỗ Văn Sử, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, để cạnh tranh được với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam phải nhanh chân hơn trong việc cải cách thủ tục đầu tư, hoàn thiện kết nối hạ tầng và cải cách triệt để các vướng mắc bất cập trong chính sách thuế. Đơn cử như chính sách thuế tối thiểu toàn cầu (dự kiến được thực thi trong năm 2023), sẽ tác động lớn đến hoạt động thu hút FDI của Việt Nam. “Nhiều quốc gia đã có sự chuẩn bị trong việc rà soát quy định luật pháp, thậm chí sửa đổi các biện pháp thu hút FDI khác thay thế cho các ưu đãi thuế. Nếu Việt Nam, chậm thay đổi có thể tác động đến nhiều dự án FDI đang hoạt động”, ông Sử nói.
Từ góc độ pháp lý, Luật sư Lê Trọng Thêm, Hòa giải viên Trung tâm hòa giải thương mại Quốc tế Việt Nam (VICMC) cho rằng, Chính phủ cần nhanh chóng cụ thể hóa việc thực hiện Quyết định 1831/QĐ-TTg (về Danh mục các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 – 2025). Vì hiện nay thông tin về dự án mới chỉ có tên, mục tiêu dự án, địa chỉ thực hiện, thông số kỹ thuật, tổng vốn đầu tư… nhưng chưa được các cơ quan có trách nhiệm triển khai chi tiết thông qua việc kêu gọi công khai bằng các đề án chi tiết và cụ thể. Điều này là trở ngại rất lớn trong việc kêu gọi nguồn vốn đầu tư FDI đối với dự án đủ hấp dẫn.
Ngoài ra, hiện quan điểm về kinh doanh của các nhà đầu tư toàn cầu đã có sự thay đổi, chuyển biến từ lấy sản phẩm, khách hàng làm trung tâm sang hướng lấy xã hội làm trung tâm. Do vậy, các yếu tố như: năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, bảo vệ con người là các yếu tố quan trọng quyết định lựa chọn điểm đến của các nhà đầu tư. Vì vậy, Chính phủ cần có các biện pháp và hành động cụ thể như: ưu đãi đầu tư cao hơn và lâu hơn cho các ngành nghề lĩnh vực đạt yêu cầu trên; kiên quyết và mạnh mẽ xử lý nghiêm các doanh nghiệp xả thải gây hại môi trường, kiến tạo và giúp đỡ phát triển nông nghiệp sạch.