Vốn FDI: Lạc trong quan ngại
Giải ngân vốn FDI đạt 10,02 tỷ USD trong 6 tháng, tăng 0,5% so với cùng kỳ Nâng cao hiệu quả thu hút dòng vốn FDI |
Chưa thể khẳng định xu thế
Sau khi giảm liên tục nửa đầu năm (6 tháng chỉ đạt 13,43 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước), tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam 7 tháng lần đầu tiên đã tăng trở lại (đạt gần 16,24 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ và tăng 8,8% so với 6 tháng đầu năm). Dữ liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, sự cải thiện này có được nhờ số liệu bứt phá khá ngoạn mục trong tháng 7. Cụ thể, tháng 7 ghi nhận tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 2,8 tỷ USD, lần lượt tăng: 8,9%, 41,9% và 85,7% so với tháng 6, tháng 5/2023 và so với cùng kỳ tháng 7/2022.
Đóng góp vào tổng vốn tăng này chủ yếu là sự tăng mạnh của vốn đầu tư mới (7 tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư mới tăng 38,6% so với cùng kỳ, cao hơn so với mức tăng 31,3% trong 6 tháng, mức 27,8% trong 5 tháng đầu năm). Bên cạnh đó, số dự án đầu tư mới cũng tăng mạnh (7 tháng năm 2023, số dự án đầu tư mới tăng 75,5% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 71,9% trong 6 tháng). Điều đó cho thấy các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài quy mô vừa và nhỏ tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam nên đưa ra các quyết định đầu tư mới. Cùng với đó, tốc độ giảm thấp hơn trong vốn đầu tư điều chỉnh (7 tháng chỉ còn giảm 42,5% so với cùng kỳ; trong khi mức giảm của 6 tháng là 57,1% và 5 tháng lên tới 70,3%...) cũng góp phần giúp bức tranh vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam cải thiện. “Đón đầu nhu cầu phục hồi ở các thị trường phát triển trong bối cảnh lạm phát hạ nhiệt và hàng tồn kho giảm, nhiều doanh nghiệp FDI đang lên kế hoạch cho các dự án mới và mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Đó là nguyên nhân chính khiến dòng vốn đăng ký cải thiện đáng kể trong tháng vừa qua”, báo cáo cập nhật vĩ mô của Khối Phân tích - Công ty cổ phần Chứng khoán VnDirect nhận định.
Trong khi đó, vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng nhẹ và chủ yếu ở công nghiệp chế biến, chế tạo cũng là tín hiệu tích cực (6 tháng đầu năm 2023 đạt 10,02 tỷ USD, tăng 0,5%; 7 tháng ước đạt 11,58 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước), phần nào cho thấy các giải pháp quyết liệt của Chính phủ trong những tháng đầu năm đã mang lại hiệu quả trong việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp triển khai thực hiện giải ngân vốn đầu tư.
Tuy nhiên cũng còn đó nhiều dấu hiệu quan ngại về dòng vốn FDI. Đơn cử, tốc độ tăng số dự án mới lớn gần gấp 2 lần tốc độ tăng tổng vốn đầu tư mới (75,5% so với 38,6%) và các dự án có quy mô vốn đầu tư dưới 1 triệu USD chiếm tới 69,4% số dự án mới - phản ánh các tập đoàn lớn hiện vẫn đang thận trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn hoặc mở rộng đầu tư vào/tại Việt Nam. Điều này phần nào cho thấy bối cảnh tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu có thể là một trong những yếu tố có tác động đến quyết định đầu tư hoặc mở rộng đầu tư của các tập đoàn lớn.
Cần sẵn sàng cho chặng đường dài
Đặt ra quan ngại này với TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, chuyên gia này chỉ phần nào đồng quan điểm. “Thuế tối thiểu toàn cầu chỉ là một yếu tố”, TS. Lê Duy Bình nói và cho rằng: Chắc chắn có nhiều tập đoàn lớn lo lắng về vấn đề này nhưng đây chỉ là một trong những lý do khiến họ chưa quyết định mở rộng đầu tư. Tôi nghĩ nguyên nhân chủ yếu hơn là do sức cầu của toàn cầu đang chậm và yếu hiện nay. Chính vì chậm và yếu như vậy nên nhiều NĐT sẽ trì hoãn, chậm lại trong các quyết định đầu tư mà có thể trước đó đã có trong kế hoạch của họ. Để mở rộng hoạt động sản xuất, họ phải có đơn đặt hàng hoặc nhìn thấy chắc chắn hơn về triển vọng thị trường đầu ra, đồng thời phải có các nguồn tài chính. Trong bối cảnh hiện nay thì các NĐT có thể không chỉ với tư cách là một doanh nghiệp, tập đoàn mà còn có các cổ đông của họ. Các cổ đông có thể tạo ra các sức ép dẫn đến doanh nghiệp chưa quyết định đầu tư ngay lập tức mà đợi thời điểm tốt hơn.
Nhưng chuyên gia này cũng lưu ý, tính “thời điểm” ấy cũng có thể thay đổi rất nhanh, kéo theo số liệu FDI cũng có thể thay đổi rất nhanh. TS. Bình cho biết, qua chuyến làm việc tại một số khu công nghệ cao, khu công nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh gần đây, được biết có những dự án đã và đang trong quá trình phôi thai, thậm chí chỉ trong một vài tháng tới có thể sẽ công bố chính thức những dự án lớn, mà chỉ cần vài dự án lớn công bố sẽ làm thay đổi rất nhanh bức tranh về FDI trong năm nay, cả về quốc gia, lĩnh vực và quy mô đầu tư. “Cho nên ý tôi muốn nói ở đây là bức tranh 7 tháng qua, hay việc chỉ nhìn vào số liệu thay đổi 1-2 tháng, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, để miêu tả về xu thế hay kết luận về xu hướng FDI cho cả năm nay và dài hơn là chưa nên. Tuy nhiên, nhìn chung thì xu thế nhiều khả năng đang tích cực lên”, TS. Bình nói.
Nhìn về trung và dài hạn, các chuyên gia cho rằng Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI. Tuy nhiên trong bối cảnh nhiều quốc gia khác cũng đang cạnh tranh rất mạnh trong thu hút đầu tư, và bản thân Việt Nam muốn thu hút được các nguồn đầu tư chất lượng, thì cần tập trung mạnh mẽ hơn nữa trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hóa giải được những quan ngại lâu nay của các NĐT về các quy định không rõ ràng, thủ tục hành chính rườm rà, cơ sở hạ tầng còn yếu kém… hay những yếu tố phát sinh gần đây như các quy định liên quan đến phòng cháy chữa cháy, thiếu điện… Đơn cử, theo tính toán của WB, tình trạng thiếu điện liên tục trong tháng 5 và 6 vừa qua làm gián đoạn các hoạt động kinh tế với tổn thất ước tính ở mức 0,3% GDP. Khảo sát BCI quý II cũng cho thấy góc nhìn của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu về sự phát triển cơ sở hạ tầng của Việt Nam, với 53% cho rằng cơ sở hạ tầng hiện tại "không tương xứng" hoặc "tụt hậu". Trong khi đó theo báo cáo “Điểm lại” công bố tháng 8 của WB, có nhiều thách thức khiến chất lượng các công trình hạ tầng của Việt Nam còn thấp hơn so với nhiều quốc gia châu Á khác. “Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng thu hút nguồn vốn FDI cũng như tăng trưởng kinh tế tiềm năng trong dài hạn”, báo cáo này cảnh báo.
Dẫn một vài đánh giá, dẫn chứng cụ thể như vậy để thấy rằng, ngay kể cả năm 2023 có được sự phục hồi mạnh mẽ hay không của dòng vốn FDI thì chúng ta cũng không nên quá vui mừng hay thất vọng. Điều quan trọng hơn phía sau bức tranh FDI dù có tươi sáng hơn mang tính thời điểm đó, vẫn còn rất nhiều thách thức, rào cản mà phần lớn là do nguyên nhân chủ quan (do chính chúng ta tạo ra, đặc biệt trong quá trình thực thi). Bởi vậy, để thực sự hiện thực hóa được triển vọng Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của đầu tư, việc cải thiện chính chúng ta, trước khi nghĩ tới những con số lạc quan trong thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài ngày càng chất lượng hơn là bài toán “nói đi đôi với làm” mà các nhà hoạch định và thực thi chính sách nhất định cần hóa giải.