Vốn ngân hàng “nở hoa” trên Tây Nguyên
Luôn đảm bảo cung ứng đủ vốn cho bà con nông dân
Huyện Chư Prông thành lập từ năm 1975 - là một trong những huyện lâu đời của tỉnh Gia Lai - tỉnh miền núi nằm ở phía Bắc khu vực Tây Nguyên. Cũng từng đấy năm, đồng vốn ngân hàng Agribank cũng đồng hành với người dân Chư Prông.
Theo chân cán bộ tín dụng của Agribank, chúng tôi tới thăm ông chủ trang trại Nguyễn Xuân Ri, tại xã Ia Kly, huyện Chư Prông. Cơ duyên giữa Agribank với hai vợ chồng anh đến ngay từ những ngày đầu tiên từ vùng quê Hương Trà lên Gia Lai lập nghiệp là khoản vay gần 30 triệu vào năm 1999 để mua đất, mua cây giống. Thời đó cà phê, hồ tiêu là cây chủ lực của vùng đất này, nhưng anh Ri vẫn trồng xen thêm cây sầu riêng.
Cán bộ Agribank chi nhánh huyện Chư Prông đến thăm vườn sầu riêng của ông Nguyễn Văn Ri. |
Sau khi lứa sầu riêng đầu tiên cho thu hoạch ổn định, may mắn đến với anh trong lần tình cờ tìm hiểu trên phương tiện thông tin, anh biết đến giống sầu riêng Monthong với nhiều ưu điểm vượt trội như sống khỏe, năng suất trái cao; múi cơm dày, ít bị sượng lại hợp với thổ nhưỡng, khí hậu Tây Nguyên.
Thấy tiềm năng loại quả này, anh đã mạnh dạn vay thêm vốn của Agribank để mua giống cây trồng mở rộng sản xuất. Đến nay, số lượng cây sầu riêng của anh Ri đã gấp 3 so với thời điểm anh khởi nghiệp và chiếm chủ yếu trong tổng diện tích 12 ha cây trồng của gia đình.
Số tiền vay của Agribank chi nhánh Chư Prông của anh cũng tăng dần theo quy mô của trang trại cây. Từ 30 triệu đồng đến nay, dư nợ của anh đối với Agribank dao động từ 2-3 tỷ đồng và là một trong những khách hàng lớn của Agribank chi nhánh Chư Prông.
Theo chia sẻ của anh Ri, năm 2022, trang trại anh thu được hơn 120 tấn sầu riêng, thu về 6 tỷ đồng, trừ chi phí còn lời cỡ 3 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 4 lao động thường xuyên và hàng chục lao động thời vụ.
Không chỉ là khách hàng vay lớn, vợ chồng ông Ri còn là khách gửi tiền lớn của ngân hàng. Cứ mỗi đợt thu hoạch xong, trả nợ và tiền dư anh Ri gửi lại tại ngân hàng.
Cũng như gia đình anh Ri, rất nhiều người dân trên địa bàn huyện Chư Prông tin cậy gửi gắm niềm tin với ngân hàng. Có những khách hàng gửi tiết kiệm tới hàng chục tỷ đồng tại ngân hàng mặc dù lãi suất huy động của Agribank luôn thấp nhất hệ thống. Đây là con số trong mơ của các ngân hàng trong hệ thống.
Có thêm nguồn vốn huy động ngân hàng lại tiếp tục chuyển tải đến với bà con nơi vùng miền núi biên giới Tây Nguyên để hiện thực hoá ước mơ đổi đời, làm giàu trên quê hương. Thực tế đã chứng minh nhiều mô hình trồng cây ăn trái trên đất Tây Nguyên đem lại hiệu quả kinh tế rất cao như sầu riêng từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm...
Đó là một trong những lý do khiến những năm gần đây, nhu cầu vốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại nhiều địa phương ở Tây Nguyên ngày càng tăng. Và Agribank luôn cân đối nguồn vốn đảm bảo vùng này không thiếu vốn và lãi suất cho vay ưu đãi.
Đảm bảo nguồn vốn vay vừa hiệu quả, vừa an toàn
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao, bền vững là cần thiết. Song, thực tế từ bài học chuyển đổi cơ cấu cây trồng ồ ạt không theo định hướng, quy hoạch dẫn đến rủi ro cho nông dân và tình trạng này đã xảy ra tại địa phương.
Để bà con nông dân không rơi vào tình cảnh này cũng như nhà đầu tư như ngân hàng rơi vào thế khó, ông Nguyễn Bá Nhàn - Giám đốc Agribank chi nhánh huyện Chư Prông cho biết, trước khi bà con đặt vấn đề vay vốn cán bộ Agribank cũng tư vấn mức độ vay như thế nào cho phù hợp và hướng đầu tư đa dạng hóa cây trồng vật nuôi không nên độc canh, độc quả. Khi rủi ro cây này còn những cây con khác bù đắp lại.
Thực tế minh chứng điều này khi bà con nông dân trồng độc canh cây tiêu khi xảy ra rủi ro hậu quả để lại rất lớn. Không chỉ bà con nông dân mà nhà đầu tư là các ngân hàng cũng đối mặt rủi ro rất lớn.
Cũng bởi luôn sát sao với đồng vốn cho vay đồng thời triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ bà con nông dân gặp khó khăn như miễn giảm lãi, khoanh nợ, gia hạn nợ, đầu tư tiếp giúp người nông dân sớm khôi phục sản xuất, nên, tỷ lệ nợ quá hạn của Agribank Chư Prông năm sau thấp hơn năm trước.
Không chỉ có ở Chư Prông mà trên địa bàn 8 huyện của Agribank chi nhánh Gia Lai, với tổng dư nợ gần 11 nghìn tỷ đồng số lượng khách hàng lên tới 26 nghìn hộ nông dân. Trong khi số cán bộ ngân hàng lại rất khiêm tốn. Mỗi cán bộ tín dụng quản lý 400-500 khách hàng. Thực tế này đòi hỏi các cán bộ Agribank phải bám địa bàn, theo sát khách hàng mới bảo đảm hiệu quả nguồn vốn đầu tư.
Khách hàng luôn tin tưởng gửi gắm đồng vốn tới “người bạn đồng hành” Agribank. |
Mặc dù trong thời gian qua nền kinh tế gặp nhiều khó khăn dưới tác động của đại dịch Covid nhưng nhờ triển khai quyết liệt nghiêm túc các giải pháp, ông Nguyễn Dự, Giám đốc Agribank chi nhánh tỉnh Gia Lai cho biết, hoạt động kinh doanh năm vừa qua đạt hiệu quả khá tốt, hoàn thành 5/6 chỉ tiêu mà trụ sở chính giao về huy động vốn, vượt kế hoạch, dư nợ đạt kế hoạch, nợ xấu dưới mức trụ sở chính giao. Đến nay nợ xấu là 1,1% trong khi đó chỉ tiêu được giao 1,9%; thu dịch vụ đạt kết quả tốt, đạt gần 100% kế hoạch giao.
Có thể thấy, từ đồng vốn của Agribank, nông nghiệp và nông thôn khởi sắc nhờ phá thế độc canh, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tạo điều kiện cho các địa phương hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hóa như vùng cây ăn quả.
Thực tế hiện nay, trên thị trường có rất nhiều tổ chức tín dụng tham gia đầu tư vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Nhưng thực tế, đầu tư vốn vào nông nghiệp rất khó bởi tiềm ẩn nhiều rủi ro về thiên tai, dịch bệnh,… đòi hỏi phải có thời gian, sự gắn kết và cam kết rất lâu dài.
Để đồng hành được lâu dài với bà con nông dân, theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Phượng - Phó Tổng giám đốc Agribank trước hết là ở cán bộ ngân hàng. Các cán bộ ngân hàng phải am hiểu về quy trình đầu tư, quy trình canh tác, đơn cử như cần biết cùng một ha đất đầu tư trên một loại cây trồng nhưng ở các vùng khác nhau thì suất đầu tư sẽ là bao nhiêu. Từ đó, biết thời điểm nào thì nhà đầu tư cần vốn, giai đoạn nào thì cần lượng vốn cho nhu cầu mục đích gì từ đó xác định nhu cầu đầu tư vốn cho kịp thời.
Cũng trên cơ sở đó, Agribank sẽ có các chương trình tín dụng khác nhau. Ngoài ra, để gắn bó với “tam nông” thì với ngân hàng không chỉ dừng lại ở câu chuyện về chi phí vốn, đáp ứng kịp thời vốn cho người dân. Mà do đầu tư cho nông nghiệp còn gánh chịu rủi ro rất nhiều do thiên tai, nên cũng cần phải có những cơ chế chính sách để tháo gỡ kịp thời, như cơ chế hỗ trợ, cơ cấu nợ, khoanh nợ, miễn giảm lãi. Đặc biệt, làm sao để vận động thuyết phục cho bà con nông dân hiểu những sản phẩm mà ngân hàng đã và đang cung cấp.
Với những nỗ lực không ngừng vì “Tam nông” của Agribank được lãnh đạo Chính quyền các địa phương ghi nhận. Cùng với sự lớn mạnh của nền nông nghiệp nói riêng, nền kinh tế nói chung, vai trò bà đỡ trên thị trường tín dụng nông nghiệp, nông thôn của Agribank ngày càng được khẳng định. Như lời của một lãnh đạo xã trên địa bàn tỉnh, không ai có thể thay thế được Agribank với nông nghiệp, nông dân và nông thôn, kể cả trước đây - hiện tại hay tương lai.