Vốn ngân hàng tiếp sức sản phẩm OCOP vươn xa
Sắp diễn ra Tọa đàm "Tiếp sức sản phẩm OCOP vươn xa" Nâng tầm sản phẩm OCOP theo chiều sâu |
Người bạn tâm giao của doanh nghiệp
Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 5/2024, cả nước có 12.758 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên và 6.957 chủ thể OCOP. Tại nhiều địa phương, Chương trình OCOP đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế nông thôn, khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh. Đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng, miền để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp “đa giá trị”, gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch; trở thành tiêu chí bắt buộc đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Xác định nông nghiệp là trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế, thời gian qua NHNN đã có nhiều cơ chế, chính sách để đồng hành cùng nông nghiệp, nông thôn; trong đó có các sản phẩm OCOP. Các NHTM đã tích cực đưa ra nhiều gói tín dụng ưu đãi dành cho các sản phẩm OCOP, đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân phát triển sản phẩm lợi thế của địa phương, trở thành “bà đỡ” của nhiều sản phẩm OCOP vươn tầm trong nước và quốc tế.
Đến vùng đất Thanh Ba, Phú Thọ, chúng tôi được trải tầm mắt trên những đồi chè xanh bát ngát. Hơn 20 năm gắn bó với nghề và là một trong những người góp phần phát triển cây chè Thanh Ba, doanh nhân Bùi Thị Mão - Giám đốc Công ty TNHH chè Hoài Trung chia sẻ, từ một cơ sở sản xuất chè cá nhân mang tên Mão Hợi tại một nơi xa trung tâm huyện, đơn vị đã trở thành công ty có dây chuyền sản xuất khép kín với công suất lớn, tạo công ăn việc làm cũng như nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Đến năm 2023, sản phẩm chè Đinh cao cấp Hoài Trung đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao cấp quốc gia. Đây cũng là sản phẩm đạt danh hiệu này.
Đoàn khách từ Nga xem mẫu sản phẩm tại Công ty TNHH chè Hoài Trung |
Không chỉ là niềm vui của doanh nhân Bùi Thị Mão, sản phẩm chè Đinh của Hoài Trung còn là niềm tự hào của những người nông dân đang liên kết với đơn vị nói riêng và các hộ trồng chè trên địa bàn tỉnh nói chung. Có được thành quả này, bà Mão không thể quên “người bạn đồng hành” của doanh nghiệp, đó là Agribank chi nhánh huyện Thanh Ba, Phú Thọ.
Bà Mão kể, ngay từ những ngày đầu tiên thành lập doanh nghiệp, bà đã vay vốn từ Agribank Thanh Ba với số tiền chỉ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng. Cho tới nay, dư nợ của doanh nghiệp tại Agribank Thanh Ba đã lên tới 10 tỷ đồng và được duy trì trong suốt chục năm qua. Chính nguồn vốn từ ngân hàng đã giúp chè Hoài Trung từng ngày phát triển, đưa thương hiệu chè Đinh - “ngọc xanh” của Thanh Ba có mặt trên kệ siêu thị của các thị trường khó tính như châu Âu. Doanh thu của doanh nghiệp trong 6 tháng năm 2024 đã đạt 20 tỷ đồng ngang bằng với cả năm 2023 và dự kiến năm 2024 sẽ gấp 3 lần doanh thu 2023. “Không chỉ cung cấp nguồn vốn ưu đãi, ngân hàng còn đồng hành trong việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ khác, tư vấn doanh nghiệp sử dụng đồng vốn an toàn, hiệu quả. Agribank là người bạn tâm giao suốt đời của tôi”, bà Mão chia sẻ.
Không riêng chè Hoài Trung, rất nhiều sản phẩm OCOP khác trên địa bàn huyện Thanh Ba cũng nhận được sự đồng hành của các ngân hàng. Ông Nguyễn Chí Thành - Chủ tịch UBND huyện Thanh Ba cho biết, bám sát định hướng, mục tiêu phát triển sản phẩm OCOP, các ngân hàng trên địa bàn đã tăng cường giới thiệu, quảng bá các chương trình hỗ trợ về mặt lãi suất đến các cấp chính quyền địa phương, các chủ thể OCOP trên địa bàn huyện. Qua đó các chủ thể OCOP có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn và các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng. Nhờ có chương trình hỗ trợ, ưu đãi của các NHTM, các chủ thể đã phát huy tốt hiệu quả nguồn vốn. Từ nguồn vốn vay, các hộ đã đầu tư thêm trang thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất, duy trì và phát triển các sản phẩm OCOP, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống; góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Không chỉ hỗ trợ vốn cho khâu sản xuất mà các ngân hàng còng tích cực đầu tư cho các chuỗi giá trị Ocop chẳng hạn như HDBank, với thế mạnh về các sản phẩm tài trợ chuỗi, ngân hàng này đang cho các chủ thể vay đến 85% dòng tiền thanh toán và công nợ tại các siêu thị; hỗ trợ nguồn lực, tư vấn tài chính và tận dụng mạng lưới đối tác để giúp chủ thể đưa đặc sản nông nghiệp vào chuỗi siêu thị thuận lợi hơn. Như với eZy Loans - cấp tín dụng cho nhà cung cấp chuỗi siêu thị của HDBank, việc cấp tín dụng được thực hiện online 100%, tiện lợi và nhanh chóng.
Đặc biệt, HDBank phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Agritrade) thuộc Bộ NN&PTNT và các đơn vị liên quan kết nối với các chủ thể uy tín ở từng địa phương, sàng lọc kỹ lưỡng các sản phẩm chất lượng, nguồn gốc rõ ràng để đưa vào Chợ phiên OCOP, thuận lợi cho người mua sắm trong từng phiên livestream.
Doanh nghiệp gặp khó vì sản phẩm bí đầu ra
Có thể khẳng định OCOP là một chương trình có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn. Các sản phẩm địa phương đạt chứng nhận OCOP ngày càng tăng nhưng việc phát triển sản phẩm OCOP còn nhiều điểm hạn chế, chưa thực sự đảm bảo tính bền vững. Đặc biệt, khâu tiêu thụ các sản phẩm OCOP hiện đang gặp khó khăn ngay tại thị trường trong nước và xuất khẩu thì đầy gian nan.
Không thể phủ nhận việc đưa sản phẩm OCOP vào các hệ thống phân phối hiện đại giúp khẳng định thương hiệu cho sản phẩm, tuy nhiên, theo các chuyên gia, lượng tiêu thụ sản phẩm OCOP ở các kênh phân phối này chưa lớn. Thậm chí có sản phẩm còn chưa thể tiếp cận được các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi... Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã làm ăn nhỏ lẻ vẫn lúng túng tìm đường vào siêu thị; trong khi nhà phân phối luôn hướng đến yếu tố bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng nên yêu cầu chi tiết các tiêu chí về chất lượng sản phẩm, sản lượng phải đủ lớn, được khách hàng tin dùng để không nằm quá lâu trên kệ hàng…
PGS. TS Mai Quang Vinh, Viện trưởng Viện Công nghệ xanh cho rằng về cơ bản, những sản phẩm OCOP 4 sao trở lên đều có nhiều cơ hội vào các hệ thống siêu thị. Điều quan trọng là các chủ thể có duy trì và tiếp tục nâng được chất lượng sản phẩm, dịch vụ lên hay không. Có thể, nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực trong nâng cao chất lượng dịch vụ nhưng không ít doanh nghiệp quy mô sản xuất nhỏ, nguồn lực hạn chế nên khó duy trì trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn của các nhà phân phối cũng như chưa thích ứng kịp với xu hướng mới của thị trường.
Bên cạnh đó, một số địa phương vào cuộc còn chậm, thậm chí cá biệt vẫn có nơi chỉ triển khai chương trình mang tính hình thức hoặc theo đuổi thành tích mà không đi vào thực chất. Việc lựa chọn và phát triển sản phẩm OCOP không dựa trên những đặc trưng, lợi thế của địa phương. Nhiều sản phẩm mới chú ý đến mẫu mã, bao bì, chưa đầu tư về chất lượng. Đối với đầu ra, công tác xúc tiến thương mại còn manh mún, thiếu đồng bộ, chưa phản ánh rõ nét những ưu điểm nổi trội và nét độc đáo, đặc sắc của sản phẩm OCOP để tạo hình ảnh, thương hiệu mới, gây ấn tượng đối với người mua.
Chính vì vậy, để chương trình đạt hiệu quả, phát triển bền vững, cần phải hoàn thiện cơ chế chính sách, đẩy mạnh khâu tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chương trình OCOP, nhất là sự vào cuộc đồng bộ từ chính quyền địa phương, doanh nghiệp, sự chung tay của cả người nông dân.
Bà Nậm Trà - Chủ tịch – Tổng giám đốc Tập đoàn Phát triển Thịnh vượng Việt Nam: Cần nâng tầm thương hiệu OCOP của các địa phương ản phẩm OCOP của các địa phương dựa trên định hướng phát triển bền vững, tôn trọng các giá trị văn hoá lịch sử, thân thiện với môi trường và có tác động với xã hội nên rất cần sự đồng hành trong việc nâng tầm thương hiệu. Từ những đặc sản địa phương, những hương vị truyền thống trở thành một biểu tượng của văn hóa bản địa là một chặng đường dài, đong đầy nỗ lực, lo âu và cả hạnh phúc của những người thực hiện. Điều mà doanh nghiệp chúng tôi hướng đến là xây dựng một hệ sinh thái nông sản thương mại công bằng cho người nông dân, các hợp tác xã, các doanh nghiệp khởi nghiệp và các DNNVV. Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP hiện đang gặp một số khó khăn như văn hóa tiêu dùng đồ nhập ngoại lớn mạnh và quá phổ biến đẩy những mặt hàng quà tặng văn hóa dân tộc vào bức tranh thiếu nhu cầu. Các làng nghề, nghệ nhân, doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã tại địa phương chưa thực sự chú trọng vào phát triển thương hiệu sản phẩm, thiết kế bao bì đẹp mắt, cũng như thiếu công nghệ bảo quản, an toàn sử dụng so với tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ, chưa bắt kịp với thương mại số cũng như thiếu các đơn vị xúc tiến thương mại: B2B, B2C, B2B2C tập trung vào loại mặt hàng này. Chưa kể tới việc thiếu cởi mở nhiều chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ ban ngành, địa phương và thiếu mạng lưới các đối tác trong nước lẫn ngoài nước. Chính vì vậy, cần xây dựng mạng lưới cộng đồng mạnh mẽ; tạo cơ hội liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp và cơ quan Chính phủ để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và cơ hội hợp tác trong lĩnh vực phát triển các sản phẩm OCOP; tăng cường tổ chức triển lãm, hội nghị, tọa đàm để quảng bá sản phẩm và dịch vụ, bao gồm cả việc thúc đẩy du lịch nông nghiệp, nông thôn để tạo cơ hội gặp gỡ khách hàng và kết nối với các đối tác tiềm năng… |