Vốn ngân hàng vẫn chảy vào bất động sản
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng: Để thị trường BĐS phát triển bền vững, phải có các giải pháp từ phía cung Quyết liệt gỡ khó cho thị trường bất động sản |
Theo đó, 4 ngân hàng gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank đang cho vay ưu đãi với lãi suất từ 7,5-8%/năm trong 24 tháng đầu đối với các khoản vay mới. Ở nhóm NHTMCP như GPBank, MB, SHB, OCB, Sacombank… lãi suất cho vay cũng rất cạnh tranh, dao động từ 6,25-7,5%/năm. Mặc dù, thời gian ưu đãi lãi suất của nhóm này không dài như khối ngân hàng nhà nước, nhưng thời gian cho vay kéo dài. Đơn cử, MSB có sản phẩm cho vay mua nhà ở lên đến 35 năm, trong khi các ngân hàng hiện nay áp dụng thời hạn khoản vay phổ biến 10-15 năm. Thậm chí, ngân hàng này còn có chính sách cho vay lên đến 90% giá trị căn nhà khi người mua tại những dự án do ngân hàng liên kết đầu tư, bảo lãnh.
Một số ngân hàng nước ngoài còn có lãi suất cho vay mua nhà thấp hơn mặt bằng lãi suất tiết kiệm, như UOB có sản phẩm vay lãi suất 3,1%/năm dành cho khách hàng kết hợp vay mua nhà với tài khoản thanh toán. Phân khúc này chủ yếu dành cho người có nhiều tiền và tham gia các dịch vụ khác của ngân hàng. Ngoài ra còn có lãi suất 4,8%/năm tại Ngân hàng Chính sách xã hội dành cho người mua nhà ở xã hội.
Nhờ đó dự nợ tín dụng bất động sản tăng trưởng khá cao, thậm chí có phân khúc còn cao hơn mức tăng trưởng chung. Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong 9 tháng đầu năm nay, tín dụng kinh doanh bất động sản có sự tăng trưởng cao hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung và cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy các giải pháp, nỗ lực của Chính phủ, ngành Ngân hàng và các bộ, ngành, địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản đang dần phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, các TCTD cũng tích cực triển khai cho vay theo các chương trình của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nhà ở.
Theo số liệu thống kê, tính đến 30/9/2023, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản cả nước của các TCTD đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với 31/12/2022, chiếm tỷ trọng 21,46% tổng dư nợ đối với nền kinh tế. Trong đó, tín dụng bất động sản tập trung vào mục đích tiêu dùng và tự sử dụng chiếm 64% và dư nợ đối với hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng 36% dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản.
Theo ông Lệnh, đối với lĩnh vực bất động sản, NHNN khuyến khích các TCTD tập trung nguồn vốn cho các phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; đồng thời, kiểm soát rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Trên thực tế, thị trường bất động sản cũng đang xuất hiện các dấu hiệu khởi sắc. Chẳng hạn tại TP. Hồ Chí Minh - đô thị có thị trường sôi động và nhu cầu nhà ở lớn, trong 9 tháng đầu năm, có 15 dự án nhà ở thương mại được xác nhận đủ điều kiện bán, cho thuê mua sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai với 15.020 căn được đưa ra thị trường; trong đó 13.767 căn hộ chung cư và 1.253 căn nhà thấp tầng, phân khúc cao cấp có 9.969 căn và phân khúc trung cấp 5.051 căn, theo số liệu của Sở Xây dựng thành phố. Theo đó, nguồn cung nhà ở được đưa ra thị trường trong 9 tháng đầu năm 2023 tăng 17,6% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động kinh doanh bất động sản của thành phố cũng đang có sự cải thiện qua từng quý, với 9 tháng giảm 8,71% so với cùng kỳ, thấp hơn mức giảm 11,58% của 6 tháng và giảm 16,2% trong quý I/2023. Doanh thu từ hoạt động kinh doanh bất động sản qua các quý cũng cải thiện, với 9 tháng đầu năm giảm 4,7% so với cùng kỳ trong khi 6 tháng giảm 8,3% và 4 tháng giảm 14,6%. Theo đánh giá của giới chuyên gia, sự khởi sắc này có đóng góp không nhỏ của dòng vốn ngân hàng.