Vững bước tới tương lai
Đoàn thanh niên CIC 25 năm xây dựng và trưởng thành CIC - 25 năm trên một hành trình vạn dặm |
Nhìn lại quá trình phát triển của CIC trong thời gian vừa qua, ông đánh giá như thế nào về những đóng góp của CIC trong việc thúc đẩy sự minh bạch và hiệu quả của hệ thống thông tin tín dụng (TTTD) tại Việt Nam?
Có thể nói, trong quá trình hoạt động của CIC, các thế hệ Ban lãnh đạo CIC đã luôn bám sát chỉ đạo của Ban lãnh đạo NHNN, kiên định trong thực hiện các mục tiêu phát triển của CIC trong từng thời kỳ. Theo đó, CIC đã và đang từng bước kiện toàn mô hình tổ chức, tích cực nâng cao chất lượng thông tin và mở rộng nguồn thông tin thu thập, đồng thời không ngừng nghiên cứu, phát triển hệ thống sản phẩm, dịch vụ TTTD và các sản phẩm giá trị gia tăng khác. Từ đó kịp thời đáp ứng nhu cầu khai thác dữ liệu của các đối tác trong và ngoài Ngành, góp phần vào sự phát triển an toàn, lành mạnh hệ thống ngân hàng, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng.
Bên cạnh đó, CIC luôn chủ động phối hợp với các đơn vị của NHNN xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động TTTD của NHNN; từng bước chuẩn hóa các quy trình nghiệp vụ liên quan đến việc kết nối và khai thác thông tin của các tổ chức tự nguyện tham gia hệ thống TTTD.
Thưa ông, tại Quyết định số 348/QĐ-NHNN ban hành ngày 10/3/2022, Thống đốc NHNN Việt Nam đã phê duyệt Đề án phát triển CIC đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Đề án này có vai trò như thế nào trong định hướng phát triển của CIC trong thời gian tới?
Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ của toàn ngành Ngân hàng, CIC với vai trò là một trong những trụ cột của cơ sở hạ tầng tài chính quốc gia cũng sẽ cần kịp thời đổi mới hoạt động nhằm từng bước nâng cao chất lượng và số hóa hoạt động TTTD. Qua đó góp phần hỗ trợ việc phát triển các dịch vụ tín dụng sang môi trường số, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.
Đề án phát triển CIC đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thống đốc NHNN phê duyệt là tiền đề quan trọng, là kim chỉ nam cho hoạt động của CIC trong thời gian tới đây.
Theo đó, mục tiêu phát triển chung của CIC bao gồm: Đổi mới toàn diện hoạt động để khẳng định vai trò và vị thế trong hệ thống cơ sở hạ tầng tài chính quốc gia, đáp ứng đầy đủ, kịp thời yêu cầu của các TCTD trong hoạt động kinh doanh tín dụng và quản trị rủi ro; Là đầu mối dữ liệu tín dụng của ngành Ngân hàng, là kênh thông tin quan trọng, hiệu quả cho hoạt động chỉ đạo, điều hành, thanh tra, giám sát và ra quyết định của NHNN; Phát triển các dịch vụ thông tin trực tiếp cho khách hàng vay, góp phần nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của khách hàng vay và đảm bảo tính minh bạch của TTTD.
Từ các mục tiêu tổng quát nêu trên, Ban lãnh đạo CIC đã xác định được các mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn, từ đó xây dựng kế hoạch triển khai Đề án, xác định các giải pháp phù hợp, tương ứng với lộ trình và chương trình hoạt động cụ thể, từ đó, giúp CIC chuẩn bị kỹ càng hơn cho hoạt động triển khai Đề án trong thời gian tới, đảm bảo thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra.
CIC đã đưa ra những giải pháp trọng tâm nào nhằm phát triển CIC trong thời gian tới để thực hiện tốt những mục tiêu được đặt ra tại Đề án, thưa ông?
Sau khi Đề án được ban hành, Ban lãnh đạo CIC đã thống nhất xác định có 03 giải pháp sau cần được chú trọng đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới:
Thứ nhất, xây dựng CIC trở thành cơ quan trung tâm TTTD hàng đầu khu vực trên nền tảng nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghệ mới, hiện đại, hướng tới trở thành trung tâm dữ liệu của NHNN. Cụ thể, trong thời gian tới, CIC định hướng ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nhân lực công nghệ thông tin trên cơ sở xây dựng chính sách ưu đãi, thu hút nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, có kiến thức chuyên sâu về xử lý và phân tích dữ liệu, bảo mật thông tin, an toàn an ninh mạng, xếp hạng, chấm điểm tín dụng.
Thứ hai, xây dựng Cơ sở dữ liệu TTTD Quốc gia đầy đủ, toàn diện được tích hợp, kết nối với cơ sở dữ liệu của các ngành nghề khác. CIC đã và đang triển khai kế hoạch mở rộng thu thập thông tin từ các tổ chức tự nguyện trên nguyên tắc có đi, có lại; nghiên cứu, đề xuất cơ chế trao đổi, kết nối thông tin với các công ty công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng; đồng thời có kế hoạch kết nối với các cơ quan Bộ, Ngành khác có chức năng quản lý dữ liệu về khách hàng, doanh nghiệp và dân cư để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến việc chia sẻ, kết nối dữ liệu, bao gồm cơ chế kết nối, tiêu chuẩn an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân...
Thứ ba, xây dựng hệ thống công nghệ thông tin trên nền tảng hiện đại, công nghệ mới. Thời gian tới, CIC sẽ ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa các thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 vào mọi mặt hoạt động nghiệp vụ của CIC như áp dụng các công nghệ số như xử lý dữ liệu lớn (Big data), hồ dữ liệu (Data lake), trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối (Blockchain)... trong việc thu thập, xử lý dữ liệu và cung cấp sản phẩm, dịch vụ TTTD.
Trên tinh thần Trách nhiệm – Trung thực – Khách quan, tôi tin rằng CIC sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua, tạo ra nhiều đột phá trên các phương diện trong hoạt động TTTD, hướng tới đáp ứng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế hiện đại, xây dựng CIC thành một cơ quan TTTD hàng đầu khu vực, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ đặt ra trong Đề án phát triển CIC đến năm 2025, định hướng đến 2030.
Xin cảm ơn ông!