WB giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2019 xuống 2,9%
Những yếu tố chính dẫn tới điều chỉnh trên của WB là: thương mại quốc tế và các hoạt động sản xuất đang sụt giảm, trong khi căng thẳng thương mại ngày càng leo thang, đồng thời một số nền kinh tế mới nổi đang chịu sức ép lớn từ thị trường tài chính.
Tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển được dự báo giảm xuống mức 2% trong năm nay. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu giảm dần, chi phí vốn vay tăng lên và chính sách thiếu ổn định sẽ là gánh nặng đối với viễn cảnh của các quốc gia đang phát triển và các quốc gia mới nổi. Tăng trưởng cho nhóm này được kỳ vọng ở mức 4,2% trong năm nay, thấp hơn so với dự báo trước đó.
Đông Á - Thái Bình Dương vẫn tiếp tục là một trong những khu vực có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Theo dự báo này, tăng trưởng khu vực được kỳ vọng duy trì ở mức 6% trong năm 2019, với giả định giá cả hàng hóa giữ ở mức ổn định, thương mại và sức mua toàn cầu tăng trưởng trung bình và các điều kiện tài chính toàn cầu dần thắt chặt.
Tăng trưởng của Trung Quốc dự đoán giảm xuống 6,2% do quốc gia này tiếp tục theo đuổi chiến lược tái cân bằng. Các quốc gia khác trong khu vực được dự đoán tăng trưởng ở mức 5,2% trong năm 2019, do nhu cầu tăng khả năng kháng cự sẽ bù trừ cho tác động tiêu cực của xu hướng sụt giảm xuất khẩu. Tăng trưởng của Indonesia dự báo duy trì ổn định ở mức 5,2%, trong khi đó tăng trưởng của Thái Lan có thể sẽ giảm xuống 3,8%. Dự báo tăng trưởng của Việt Nam sẽ ở mức 6,6%, giữ nguyên so với lần dự báo trước.
“Đầu 2018, kinh tế toàn cầu có dấu hiệu khởi sắc, nhưng sau đó lại giảm tốc và triển vọng trong năm tới còn nhiều khó khăn hơn nữa. Vì các quốc gia đang phát triển và các quốc gia mới nổi đang ngày càng gặp nhiều trở ngại về kinh tế và tài chính, tốc độ giảm nghèo cùng cực trên phạm vi toàn cầu cũng sẽ bị ảnh hưởng. Để giữ vững đà tăng trưởng, các quốc gia cần chú trọng đầu tư nhân lực, tăng trưởng bao trùm và tăng cường khả năng kháng cự cho cộng đồng”, bà Kristalina Georgieva, Tổng giám đốc WB cho biết.
Xu hướng tăng xuất khẩu hàng hóa đang chững lại, trong khi các hoạt động nhập khẩu có dấu hiệu giảm dần. Tăng trưởng bình quân đầu người của 35% các quốc gia đang phát triển và quốc gia mới nổi không đủ để thu hẹp khoảng cách thu nhập với các quốc gia phát triển trong năm 2019. Tỉ lệ này đối với các quốc gia dễ bị tổn thương, xung đột và bạo lực lên đến 60%.
Việc thực hiện nhiều hoạt động phát triển cùng lúc có thể làm chậm tốc độ phát triển. Chi phí vốn vay thắt chặt ảnh hưởng tiêu cực đến dòng vốn chảy vào và tốc độ tăng trưởng ở nhiều quốc gia đang phát triển và quốc gia mới nổi. Nợ công và nợ tư nhân tăng trong thời gian qua có thể làm tăng mức độ dễ bị tổn thương của những thay đổi trong điều kiện tài chính và tâm lý thị trường. Căng thẳng thương mại gia tăng có thể tác động xấu đối với tăng trưởng kinh tế thế giới và làm gián đoạn chuỗi giá trị liên kết toàn cầu.