Website - chìa khóa giúp doanh nghiệp vươn xa
Các doanh nghiệp đua nhau đầu tư, mở rộng khu công nghiệp Tận dụng ưu đãi từ các FTA để thúc đẩy xuất khẩu Hơn 181 nghìn tỷ đồng huy động trên thị trường chứng khoán |
Doanh nghiệp Việt đang lạc hậu
Theo ông Thắng, mạng internet và các thiết bị di động đang ngày càng phát triển, khi có nhu cầu mua sắm, khách hàng thường tìm hiểu thông tin doanh nghiệp, sản phẩm - dịch vụ thông qua website trước tiên. Nếu không có trang web, họ sẽ hoài nghi về mức độ uy tín, sự chuyên nghiệp của đơn vị. Điều này tác động rất lớn đến quyết định mua hàng, sử dụng dịch vụ hay hợp tác kinh doanh.
Ông Thắng cho rằng, website được ví như "ngôi nhà" của doanh nghiệp trên internet, là nơi để quảng bá thương hiệu, thu hút khách hàng và thúc đẩy doanh số. Đây là kênh trực tuyến để doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, xây dựng thương hiệu, kết nối với khách hàng và thúc đẩy doanh số bán hàng.
Việc xây dựng website đối với doanh nghiệp là vô cùng cần thiết nhất là ở thời đại công nghệ số như hiện nay |
Thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay, cả nước có khoảng 14 triệu cửa hàng tạp hóa và hơn 9.000 chợ truyền thống, chiếm 75% thị phần bán lẻ và đáp ứng 85% nhu cầu tiêu dùng của người dân. Thế nhưng, hiện thị phần của chợ truyền thống đang ngày càng giảm sút và kênh bán hàng online đang lên ngôi. Khi tiếp cận các cửa hàng online, người dùng thường tìm hiểu thông tin để đánh giá mức độ tin cậy. Tuy nhiên trong xu hướng bán hàng đa kênh, nhiều cửa hàng chỉ đầu tư các kênh mạng xã hội, sàn thương mại điện tử nhưng "quên" website. Điều này khiến người xem có thể đặt câu hỏi về tính hợp pháp của cửa hàng, đồng thời giảm trải nghiệm mua sắm.
Ông Nguyễn Hồng Thắng nhấn mạnh, website là ngôi nhà, trụ sở của cửa hàng bán lẻ trên Interent, có thể tích hợp và dẫn link tới các nền tảng bán hàng khác mà không lệ thuộc vào chính sách và thuật toán của mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Vì vậy, việc thiếu website mang lại nhiều hậu quả tiêu cực cho doanh nghiệp trong kinh doanh. Doanh nghiệp nào không có website sẽ đánh mất cơ hội tiếp cận với những khách hàng tiềm năng. Bên cạnh đó việc thiếu website sẽ hạn chế khả năng cạnh tranh với các đối thủ khác.
Tiến tới phổ cập tên miền “.vn”
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, việc chuyển đổi mô hình từ kinh doanh truyền thống sang kinh doanh trực tuyến là xu hướng tất yếu. Sự hiện diện trên mạng internet với tên miền quốc gia Việt Nam ".vn" là chìa khóa giúp các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong nước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, dịch vụ và phát triển kinh doanh trực tuyến một cách chuyên nghiệp, bền vững, tin cậy, phát triển kinh tế số và xã hội số.
Ông Nguyễn Hồng Thắng thông tin thêm, khảo sát gần đây cho thấy, hơn 85% người được hỏi đánh giá website với tên miền “.vn” có độ tin cậy vượt trội hơn so với các trang web tên miền quốc tế. Tên miền quốc gia “.vn” đã và đang trở thành một chỉ dẫn quan trọng về mức độ uy tín, tin cậy của website và nâng tầm giá trị nhận diện thương hiệu đối với người sử dụng internet tại Việt Nam.
Để khuyến khích người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cửa hàng chuyển đổi số, thúc đẩy thương mại điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng chương trình thúc đẩy, hỗ trợ sự hiện diện trực tuyến với các dịch vụ số sử dụng tên miền quốc gia ".vn". Chương trình có chính sách miễn phí 2 năm tên miền và các dịch vụ số đi kèm gồm email, website đối với tên miền "biz.vn" cho doanh nghiệp mới, và tên miền "id.vn" cho người dân độ tuổi 18-23, đồng thời hỗ trợ tạo website trong vòng một giờ. Đến 2025, Việt Nam đặt mục tiêu có 350.000 tên miền id.vn và 50.000 tên miền biz.vn, vị trí top 20 - 30 thế giới (tăng 10 - 20 bậc so với hiện nay), đạt 9 - 10 tên miền ".vn"/1000 dân.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng khẳng định, sử dụng tên miền quốc gia ".vn" cũng là góp phần xây dựng và bảo vệ chủ quyền số quốc gia trên không gian mạng. Năm 2024 được xác định là năm phát triển kinh tế số và xã hội số. Vì vậy, chương trình phổ cập tên miền quốc gia “.vn” theo Quyết định số 826 mà Bộ Thông tin và Truyền thông vừa kích hoạt được kỳ vọng nhanh chóng phổ cập tới người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là thế hệ trẻ, các hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp nhỏ và vừa để cụ thể hoá khát vọng phát triển một Việt Nam số thịnh vượng, an toàn, nhân văn và rộng khắp.