Xã hội hóa đầu tư xây sân bay
Có nên ồ ạt xây dựng sân bay?
Bộ Giao thông - Vận tải đang lập dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Thủ tướng phê duyệt, thay thế cho quy hoạch năm 2018.
Theo dự thảo, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất lựa chọn phương án đến năm 2030, cả nước sẽ có 26 cảng hàng không, bao gồm 14 cảng hàng không quốc tế và 12 cảng hàng không nội địa. Định hướng đến năm 2050, số lượng cảng hàng không của cả nước dừng ở con số 30, gồm 15 cảng hàng không quốc tế, 15 cảng hàng không nội địa.
Đáng chú ý, so với quy hoạch hiện hành, giai đoạn này chỉ xây dựng 4 trong 6 sân bay đã được quy hoạch trước đó, tạm thời lùi thực hiện sân bay Nà Sản và Lai Châu cho giai đoạn sau năm 2030.
Hiện trên cả nước có 22 sân bay đang vận hành |
Với 22 sân bay đang vận hành và 4 sân bay sẽ được xây mới trên cả nước, đơn vị lập quy hoạch khẳng định, mật độ sân bay tại Việt Nam sẽ đủ để 95,94% dân số được tiếp cận sân bay trong bán kính 100 km, cao hơn mức bình quân thế giới là 75%.
Tuy nhiên, vẫn có 9 địa phương đề xuất bổ sung quy hoạch sân bay dân dụng là Hà Nội, Cao Bằng, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Đắk Nông, Hà Giang, Bắc Giang và Bình Phước.
Trong số đó, chỉ có nguyện vọng của 2 địa phương được đáp ứng. Dự thảo quy hoạch mới nhất được công bố, Cục Hàng không đã bổ sung thêm sân bay Cao Bằng và sân bay thứ 2 của Hà Nội (chưa xác định vị trí) vào lộ trình đầu tư sau năm 2050.
Ông Nguyễn Bách Tùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông - Vận tải) cho biết, có nhiều lý do khác nhau dẫn tới việc chưa đưa 7 địa phương vào quy hoạch mạng cảng hàng không sân bay toàn quốc.
Cụ thể, như vị trí của tỉnh Hà Tĩnh, hiện nay rất gần cảng hàng không quốc tế Vinh và phía Nam là cảng hàng không Đồng Hới. Không chỉ vậy, địa hình Hà Tĩnh có bề ngang hẹp; trong khi đó các sân bay ở vùng ven biển thường có hướng Đông Tây, tức là từ biển bay vào và phía trong bay ra, diện tích đất hẹp sẽ không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật để xây dựng sân bay.
Đối với Ninh Bình, hiện đang gần sân bay Thọ Xuân, Nội Bài. Địa hình cũng có rất nhiều núi, lại là vùng nằm trên đường bay từ phía Nam hạ cánh xuống Nội Bài. Với Ninh Thuận, địa phương này dự kiến xây sân bay quân sự, vì thế vấn đề này cần trao đổi rất kỹ với Bộ Quốc phòng; còn ở khu vực Bình Phước, Đắk Nông, đó là khu vực hoạt động của quân sự…
Xã hội hóa hạ tầng sân bay
Chuyên gia quy hoạch giao thông Phan Lê Bình cho rằng, việc các địa phương đề xuất xây dựng sân bay là có cơ sở, nhưng phải cân nhắc rất kỹ các yếu tố tương quan, không chỉ với ngành hàng không mà còn với đường sắt, đường bộ tại địa phương cũng như tính hiệu quả.
Thực tế cho thấy nhiều cảng hàng không hiện tại đang ở trong tình trạng kinh doanh thua lỗ. Khi thống kê cho thấy, một cảng hàng không phải phục vụ 2 triệu khách mỗi năm mới có thể kinh doanh có lãi. Cụ thể hơn là phải có 18 chuyến bay, mỗi chuyến 300 khách mỗi ngày mới cân đối được thu chi.
Nhìn sang kinh nghiệm của Nhật Bản, đã có giai đoạn phát triển sân bay ồ ạt, mỗi tỉnh thành có gần 2 sân bay, dẫn tới việc các sân bay thua lỗ và trở thành gánh nặng cho ngân sách quốc gia. Bởi lẽ chi phí duy tu, bảo trì còn lớn hơn chi phí xây mới.
Cũng chung quan điểm, ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, không gian xây dựng sân bay là rất lớn, nếu không xác định đúng sẽ lãng phí nguồn lực đất đai. Chính vì vậy, cần hết sức cẩn trọng trong việc lựa chọn quy hoạch.
Ông cho rằng, nên mở rộng công khai, xã hội hóa, kêu gọi đầu tư đối với việc xây dựng hạ tầng sân bay chứ không phụ thuộc vào ngân sách quốc gia. Nhà nước chỉ tham gia một vài công đoạn nào đó còn lại phải xã hội hóa. Có thể phân chia cụ thể như: Nếu là sân bay mang tính chất chiến lược về quốc phòng, an ninh mà không đặt lợi ích kinh tế thì nhà nước phải đầu tư; còn nếu là sân bay thương mại thì có thể xã hội hóa để kêu gọi nguồn vốn từ tư nhân.
Đồng tình với quan điểm trên, theo ông Phan Lê Bình, nếu các địa phương đề xuất đưa vào quy hoạch sân bay thì trong dài hạn, có thể nghĩ tới việc địa phương cũng tham gia vào việc xây dựng hạ tầng. Bên cạnh đó, còn có thể kêu gọi nhà đầu tư tư nhân, từ đó đa dạng hóa nguồn đầu tư và bớt gánh nặng ngân sách cho quốc gia.
Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Bách Tùng, trong quy hoạch cũng đề xuất chính sách cụ thể, trong đó một số sân bay mới sẽ được xã hội hóa, do tư nhân đầu tư, giống như cảng hàng không Vân Đồn; hoặc như hướng đầu tư cảng hàng không Phan Thiết tới đây, khu bay thì do nhà nước đầu tư, còn khu hàng không dân dụng tức là sân đỗ, nhà bay, đường ra đường vào là tư nhân đầu tư. Tuy nhiên để xu hướng xã hội hóa hạ tầng hàng không phát triển một cách rõ ràng, cần có những Nghị định, Thông tư hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.