Xã hội hoá dịch vụ công: Rào cản từ tâm lý và pháp lý
Ảnh minh họa |
Xu hướng tất yếu
Phát biểu tại Hội thảo “Vai trò của tư nhân trong cung cấp dịch vụ sự nghiệp công” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức ngày 15/5, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI khẳng định, việc xóa bỏ độc quyền của Nhà nước trong cung cấp các dịch vụ công là xu hướng của nhiều nền kinh tế thế giới.
Tại Việt Nam, khu vực tư nhân đang dần thay thế Nhà nước để đảm nhận tốt nhiều lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế, nhờ tăng cường tính minh bạch, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn tình trạng các cơ quan Nhà nước vừa làm chính sách vừa thực thi chính sách theo một quy trình gần như khép kín dẫn tới tình trạng không minh bạch. Nhiều dịch vụ chỉ mang tính chất đăng ký, thông báo, nhưng trên thực tế khi vận hành lại biến tướng thành cơ chế “xin - cho”. Thậm chí, việc kiểm tra tuân thủ các dịch vụ công cũng do chính cơ quan Nhà nước thực hiện. Nhà nước “vừa đá bóng vừa thổi còi”, nghĩa là vừa làm sân chơi, vừa làm trọng tài, thậm chí còn là cầu thủ luôn. Điều này không phù hợp với sự vận hành của nền kinh tế thị trường.
Ông Lộc khẳng định việc phá bỏ sự độc quyền, bao cấp của Nhà nước trong cung cấp dịch vụ công, huy động sự tham gia của khu vực tư nhân vào cung cấp các dịch vụ công sẽ mang đến nhiều lợi ích. Lợi ích quan trọng nhất là “thoái sức” nhà nước ra khỏi lĩnh vực dịch vụ công không cần thiết, thu gọn bộ máy quản lý nhà nước theo đúng chức năng cốt lõi. Bộ máy nhà nước tập trung vào công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế. Bởi thể chế là yếu tố quyết định cạnh tranh quốc gia, là việc mà cơ quan nhà nước cần tập trung ưu tiên hàng đầu hiện nay.
Nhiều yếu tố cản trở
Mặc dù vậy, nhìn trên bức tranh tổng thể, còn rất nhiều dịch vụ công đang do các cơ quan nhà nước thực hiện. Ông Đoàn Tiến Giang, chuyên gia nghiên cứu PPP của USAID nêu kinh nghiệm thế giới cho thấy, một số dịch vụ công mà Việt Nam vẫn dành cho cơ quan Nhà nước thực hiện, thực tế đã được các quốc gia thế giới giao cho tư nhân đảm nhận. Chẳng hạn, tại Australia, Bộ Nông nghiệp và nguồn nước thuê công ty tư nhân kiểm tra an toàn sinh học; cơ quan quản lý giao thông New Zealand giao công ty tư nhân thực hiện dịch vụ thi bằng lái xe, kiểm định phương tiện...
“Vai trò của nhà nước là đặt ra các cơ chế, chính sách để đảm bảo quyền bình đẳng trong tham gia cung cấp dịch vụ; cơ chế giám sát chặt chẽ, hợp đồng được cấu trúc tốt và đấu thầu minh bạch. Đây là giải pháp để gỡ bỏ tâm lý lo lắng vốn có của cơ quan nhà nước là khu vực tư nhân chạy theo lợi nhuận, không đảm bảo yêu cầu”, ông Giang khuyến nghị.
Đưa ra một góc nhìn khác về việc tại sao khu vực tư nhân còn sợ tham gia đầu tư thực hiện các dịch vụ công, ông Nguyễn Hữu Dũng - Tổng thư ký Hội các Phòng thử nghiệm Việt Nam (VinaLAB) đánh giá, so với các quốc gia láng giềng như Lào, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam là quốc gia tiến bộ nhất trong việc xã hội hóa dịch vụ khoa học công nghệ. Tuy nhiên, xã hội hóa dịch vụ khoa học công nghệ của Việt Nam thời gian qua vẫn còn một số điểm hạn chế, nếu như không muốn nói là “nửa vời”, gây cản trở rất lớn để thúc đẩy tư nhân đầu tư trong lĩnh vực này.
Trong đó, rào cản lớn nhất là tính bất ổn của pháp luật. Chẳng hạn, trước năm 2017, các cơ sở sản xuất giống thủy sản phải đánh giá chứng nhận hợp quy điều kiện sản xuất theo quy chuẩn QCVN 02-15:2009/BNNPTNT. Nhưng khi Luật Thủy sản 2017 ra đời thì điều kiện sản xuất giống thủy sản lại được thực hiện bởi các cơ quan quản lý nhà nước, có phân cấp đến địa phương.
“Để triển khai dịch vụ trên, các tổ chức chứng nhận đã đầu tư để đào tạo chuyên gia, hệ thống thử nghiệm… nhưng chỉ sau 1 đêm tất cả các đầu tư đó đã trở thành vô nghĩa rồi, đó là nỗi lo sợ nhất của các nhà đầu tư. Mất nghiệp chỉ bởi một quy định hành chính thì không có nhà đầu tư nào dám mạnh dạn đầu tư nữa?”, ông Dũng đặt vấn đề.
Bên cạnh đó, hiện nay vẫn còn tồn tại sự phân biệt đối xử giữa tổ chức tư nhân với tổ chức của Nhà nước. Ngoài ra, quy định pháp luật còn lo, nghĩ hộ cho DN, vì vậy đã vô tình đặt ra điều kiện kinh doanh không cần thiết. Chẳng hạn, quy định mỗi tổ chức chứng nhận phải có 2 chuyên gia làm toàn thời gian với từng lĩnh vực. Trong khi các tổ chức chứng nhận nước ngoài khi cung cấp dịch vụ chứng nhận tại Việt Nam lại có thể sử dụng toàn chuyên gia làm bán thời gian để thực hiện dịch vụ.
Rõ ràng đây là một lợi thế rất lớn của các tổ chức chứng nhận nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Đó là chưa kể các tổ chức chứng nhận nước ngoài áp dụng cơ chế kinh doanh nhượng quyền cho các tổ chức Việt Nam thì gần như các chuyên gia của họ không được kiểm soát. Những quy định này vô tình đã tạo sự phân biệt đối xử và gây khó cho chính các DN cung cấp dịch vụ công trong nước.