Xác thực sinh trắc học là giải pháp bảo đảm an toàn cao nhất cho các giao dịch thanh toán
Đảm bảo an toàn cao nhất cho khách hàng
Để ngăn chặn lừa đảo, giảm thiểu rủi ro cho khách hàng, NHNN đã triển khai nhiều giải pháp, có nhiều văn bản chỉ đạo TCTD tăng cường các biện pháp bảo mật, đảm bảo an toàn cho các giao dịch thanh toán, điển hình là Quyết định 2345 về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2024.
Theo đại diện NHNN, quyết định này nhằm mục tiêu đảm bảo an toàn cao nhất cho khách hàng. Đồng thời là đòn bẩy, thúc đẩy các ngân hàng nhanh chóng triển khai những giải pháp ứng dụng công nghệ AI liên quan đến nhận diện sinh trắc học, nhằm tuân thủ và đơn giản hoá quy trình định danh khách hàng, cũng là cơ hội để ngân hàng làm sạch dữ liệu khách hàng, cập nhật giấy tờ tuỳ thân của khách hàng.
Người dân cần nhanh chóng cập nhật dữ liệu sinh trắc học trên ứng dụng ngân hàng để không bị gián đoạn giao dịch, ảnh: ST |
Về bản chất của các giải pháp quy định tại Quyết định số 2345 là kiểm tra thông tin người mở tài khoản khớp với thông tin trên căn cước công dân (CCCD) do Bộ Công an cấp hoặc thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, loại bỏ tài khoản giả, không chính chủ, không hợp pháp. Qua đó, tổ chức tín dụng sẽ nhận biết, xác minh chính xác khách hàng trong quá trình thực hiện giao dịch thanh toán.
Ông Trần Văn Tần, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng cho biết, nhằm đáp ứng yêu cầu của Quyết định 2345, các tổ chức ngân hàng - tài chính và trung gian thanh toán cần thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu sinh trắc học được kiểm tra chéo với dữ liệu trong chip thẻ CCCD của khách hàng do cơ quan Công an cấp. Đối với khách hàng mới, các tổ chức tài chính, ngân hàng cần thu thập thông tin sinh trắc học đủ 2 bước là xác thực khuôn mặt và so khớp với dữ liệu của Bộ Công an. Đối với khách hàng hiện hữu, phải gấp rút kiểm tra tính đầy đủ của dữ liệu, nhanh chóng cập nhật và làm sạch dữ liệu của khách hàng nhằm ngăn chặn rủi ro gian lận.
Nhiều ngân hàng hoàn thành hướng dẫn
Thời gian qua, các ngân hàng đã gửi thông báo cho khách hàng qua email, tin nhắn SMS và thông báo trên ứng dụng di động, đề nghị khách hàng cập nhật hình ảnh khuôn mặt và căn cước công dân gắn chip trước ngày 1/7 để tránh gián đoạn giao dịch. Đến nay, hầu hết các ngân hàng đã và đang tích cực tiến hành thu thập dữ liệu sinh trắc học của khách hàng thông qua CCCD có gắn chip bằng nhiều hình thức khác nhau, từ thu thập tại quầy, trên nền tảng ứng dụng mobile của ngân hàng.
Các ngân hàng đang tích cực triển khai Quyết định 2345 |
Nhờ công nghệ đi trước, quy trình nhanh chóng được chuẩn hóa cùng hệ thống thu thập khuôn mặt của khách hàng tại mọi kênh giao dịch, TPBank là ngân hàng đầu tiên đã áp dụng 100% Quyết định 2345/QĐ-NHNN cho tất cả khách hàng từ ngày 20/6, trước ngày Quyết định có hiệu lực tới hơn 10 ngày.
Không thể tự cập nhật khuôn mặt qua app ngân hàng, ngại ra chi nhánh/phòng giao dịch, khách hàng vẫn có thể lựa chọn thời gian cập nhật khuôn mặt mình muốn với giao dịch viên hướng dẫn từ xa tại LiveBank 24/7 của TPBank.
Ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc TPBank chia sẻ: “Bảo vệ khách hàng sớm nhất, tối đa nhất luôn là mục tiêu được chúng tôi đặt lên hàng đầu song song với việc phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, sáng tạo đáp ứng nhu cầu và thị hiếu khách hàng ngày càng cao. Nhận thức được tầm quan trọng của Quyết định 2345 mang lại những giá trị tích cực cho cả ngân hàng và khách hàng, với hệ thống sẵn có, TPBank đã nhanh chóng dồn lực thực hiện theo chuẩn của Quyết định để đảm bảo tính an toàn của tài khoản khách hàng ở mức cao hơn nhanh nhất có thể”.
Cũng là ngân hàng tiên phong triển khai Quyết Định 2345/QĐ-NHNN và 718/QĐ-NHNN của NHNN, tháng 06/2024, Eximbank đã bắt đầu áp dụng công nghệ đọc Căn cước công dân (CCCD) gắn chip kết hợp với xác thực sinh trắc học trong thanh toán trực tuyến và thẻ ngân hàng. Với cam kết không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo an toàn tối đa cho khách hàng, nhà băng này đã không ngừng cải tiến và đầu tư công nghệ hiện đại nhất, ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI để xác thực sinh trắc học, phục vụ nhu cầu khách hàng.
Đại diện Eximbank cho biết, việc tiên phong triển khai các giải pháp công nghệ trên không chỉ giúp đa dạng hóa kênh xác thực, tiết kiệm thời gian mà còn bảo vệ thông tin và tài sản của khách hàng khỏi các nguy cơ gian lận, tấn công mạng một cách tốt nhất.
Đồng hành cùng khách hàng tuân thủ Quyết định 2345, MSB cũng thông tin đã đã hoàn thành việc triển khai bước hướng dẫn thu thập sinh trắc học ngay trên ứng dụng MSB mBank. Theo đó, từ ngày 1/7/2024, MSB cũng sẽ triển khai 100% các giao dịch trên 10 triệu đồng/lần hoặc tổng số tiền các giao dịch trong ngày từ 20 triệu đồng trở lên, giao dịch thanh toán trên 100 triệu đồng... sẽ thực hiện so khớp khuôn mặt của khách hàng với dữ liệu khuôn mặt tại CCCD lưu tại Bộ Công an đảm bảo người giao dịch là chính chủ tài khoản ngân hàng với công nghệ so khớp khuôn mặt hiện đại.
“Việc sớm thu thập thông tin sinh trắc học của khách hàng nhằm mục tiêu đảm bảo trải nghiệm thuận tiện, liền mạch và liên tục trên các nền tảng số cũng như tăng cường bảo mật, bảo vệ khách hàng trong các giao dịch chuyển tiền, đáp ứng Quyết định 2345 của NHNN. Chúng tôi kỳ vọng và tin tưởng Quyết định mới sẽ là một trong những biện pháp xác thực quan trọng góp phần bảo vệ an toàn tiền gửi của khách hàng trong hệ thống tín dụng”, vị đại diện nhấn mạnh.
Là một trong 4 ngân hàng tư nhân lớn nhất Việt Nam với trên 92% số lượng giao dịch toàn hàng thực hiện trên kênh số, SHB cũng sớm nhận thấy sự cấp thiết của việc thực thi Quyết định 2345 để bảo vệ khách hàng khi giao dịch trực tuyến. Trong 3 năm gần đây, ngân hàng đã tăng cường hoàn thiện các hạ tầng công nghệ thông tin, chuẩn hóa các hệ thống cơ sở dữ liệu, tăng cường bảo mật dữ liệu để tạo nền tảng quan trọng cho các kế hoạch chuyển đổi tiếp theo.
Đại diện SHB cho biết, từ nay, khách hàng SHB có thể đăng ký dữ liệu sinh trắc học tại điểm giao dịch của ngân hàng trên toàn quốc hoặc ứng dụng ngân hàng điện tử, chuẩn bị sẵn sàng khi Quyết định 2345/QĐ- NHNN của NHNN có hiệu lực.
Người dân cần nâng cao nhận thức về an toàn thông tin mạng
Bên cạnh việc các ngân hàng triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin theo Quyết định 2345, NHNN cũng khuyến cáo người dân cần nâng cao nhận thức về an toàn thông tin mạng, tuân thủ đúng các hướng dẫn về sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử an toàn.
Thứ nhất, tuân thủ các quy định, hướng dẫn của các ngân hàng cung cấp dịch vụ giao dịch trực tuyến, đăng ký nhận tin thông báo thay đổi số dư giao dịch.
Thứ hai, đối với mật khẩu truy cập dịch vụ giao dịch trực tuyến cần đặt mật khẩu khó đoán, đảm bảo quy tắc an toàn, thay đổi mật khẩu thường xuyên và không sử dụng các tính năng lưu mật khẩu để đăng nhập tự động.
Thứ ba, không cung cấp tên, mật khẩu đăng nhập ngân hàng trực tuyến, mã xác thực (mã OTP) qua điện thoại, email, mạng xã hội, web… cho bất cứ ai, kể cả nhân viên ngân hàng,
Thứ tư, trong trường hợp bị lộ hoặc nghi ngờ bị lộ Tên đăng nhập/ Mật khẩu khách hàng cần nhanh chóng thông báo tới ngân hàng để được hỗ trợ kịp thời; Trường hợp mất thẻ cần khóa thẻ trên ứng dụng ngân hàng điện tử hoặc thông báo tới ngân hàng càng sớm càng tốt, tránh nguy cơ mất tiền trong thẻ.
Thứ năm, hạn chế dùng máy tính công cộng, mạng không dây công cộng khi truy cập vào hệ thống ngân hàng điện tử.
Thứ sáu, gõ trực tiếp địa chỉ các trang web ngân hàng điện tử thay vì chọn đường link có sẵn, chỉ đăng nhập tại website chính thức của ngân hàng.
Thứ bảy, chỉ cài đặt các ứng dụng từ các cửa hàng chính thức như Google Play và App Store. Khi cài đặt ứng dụng vào thiết bị cần kiểm tra thông tin nhà phát triển ứng dụng, xem xét kỹ quyền hạn của các ứng dụng. Thường xuyên cập nhật hệ điều hành của thiết bị để thiết bị nhận được các bản vá bảo mật mới nhất của hãng sản xuất.
Thứ tám, tiến hành mua sắm, thanh toán trực tuyến tại các trang mạng uy tín, được cấp phép hoạt động, có thông tin liên lạc rõ ràng.
Thứ chín, chủ động giữ gìn, bảo mật các thông tin cá nhân, thông tin tài khoản.
Thứ mười, thường xuyên theo dõi, cập nhật các cảnh báo về an toàn bảo mật trong thanh toán trực tuyến từ các ngân hàng cung cấp dịch vụ, từ các phương tiện truyền thông đại chúng.