Xác thực sinh trắc học: Ngăn chặn rủi ro lừa đảo, bảo vệ khách hàng khi giao dịch
Triển khai Quyết định 2345/QĐ-NHNN: Đảm bảo an toàn cho khách hàng Xác thực sinh trắc học là giải pháp bảo đảm an toàn cao nhất cho các giao dịch thanh toán |
Điều này đồng nghĩa với việc giao dịch của khách hàng - nhất là các giao dịch lớn (từ 10 triệu đồng/lần và 20 triệu đồng/ngày) đều được bảo vệ nghiêm ngặt hơn bởi đều phải do “chính chủ” tài khoản thực hiện.
Quyết định 2345 được ban hành trong bối cảnh tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi, quy mô tổ chức xuyên biên giới (có dấu hiệu kết nối giữa các đối tượng trong nước và nước ngoài). Đặc biệt, tội phạm tấn công vào hệ thống công nghệ thông tin và lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng đang là mối nguy cơ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho an ninh tài chính, tiền tệ; gây thiệt hại lớn về tài sản và bức xúc trong quần chúng nhân dân.
Thời gian vừa qua, các ngân hàng đẩy mạnh việc thu thập sinh trắc học cho khách hàng |
Là ngân hàng đầu tiên tuân thủ áp dụng 100% Quyết định 2345 trong các giao dịch giá trị cao với tất cả khách hàng, sớm trước 10 ngày so với quy định, Tổng giám đốc TPBank Nguyễn Hưng cho biết, trong thời gian vừa qua, nhiều người bị lừa dưới các hình thức như click vào đường dẫn lạ, lừa để hoàn thiện thủ tục CCCD, khi ấn vào đường link lạ sẽ bị chiếm quyền sử dụng điện thoại. Ngoài ra, các đối tượng còn giả mạo cơ quan chức năng để lừa đảo… Chính vì thế, với việc xác thực sinh trắc học sẽ đảm bảo an toàn tốt hơn, hạn chế việc luân chuyển dòng tiền. Bởi phần lớn những vụ phạm tội thì dòng tiền luân chuyển rất nhanh và qua hàng chục tài khoản ngân hàng và việc truy vết dòng tiền rất khó.
Sau hơn 1 năm, hầu hết các TCTD đã áp dụng công nghệ tiên tiến, làm sạch dữ liệu thông qua trung tâm dữ liệu quốc gia. Qua đó xác minh và làm sạch lại toàn bộ dữ liệu từ các TCTD, trung gian thanh toán…, đọc các dữ liệu căn cước công dân qua cơ quan công an, nhằm xác thực được các dữ liệu của khách hàng cung cấp là thông tin thực.
Thời gian vừa qua, các ngân hàng đẩy mạnh việc thu thập sinh trắc học cho khách hàng. Thậm chí, nhiều ngân hàng đã thông báo làm việc xuyên Thứ 7, Chủ Nhật để thu thập sinh trắc học tại quầy giao dịch.
Cũng có lo ngại quy định trên ảnh hưởng đến trải nghiệm khách hàng khi thực hiện Quyết định 2345, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng khẳng định việc yêu cầu xác thực đối với giao dịch từ 10 triệu đồng trở lên sẽ không làm gián đoạn trải nghiệm của khách hàng khi giao dịch. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, giao dịch 10 triệu đồng trở lên chỉ chiếm 11% giao dịch và nhiều trường hợp một người thực hiện nhiều giao dịch nên tổng số người giao dịch hạn mức này không đến 10%. Tổng số người có giao dịch trên 20 triệu trong 1 ngày chỉ 0,56%.
Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng chỉ rõ, khi thực hiện giao dịch đến mức 20 triệu đồng đã xác thực sinh trắc học, thì các giao dịch từ 100.000 đồng tiếp theo sẽ không phải thực hiện bước này nữa, cho đến khi số tiền giao dịch lên đến 20 triệu đồng tiếp theo.
Vụ trưởng Vụ Thanh Toán NHNN Phạm Anh Tuấn cũng lưu ý thêm, khách hàng cũng cần phân biệt là yêu cầu xác thực sinh trắc học áp dụng với giao dịch chuyển tiền từ 10 triệu đồng trở lên để kiểm soát rủi ro. Còn đối với thanh toán, NHNN vẫn cho phép thanh toán đến 100 triệu đồng/ngày mà không cần phải xác thực sinh trắc học.
Theo thống kê của NHNN, khoảng 70% số lượng giao dịch thanh toán của khách hàng cá nhân tại Việt Nam có giá trị dưới 1 triệu đồng, các giao dịch trên 10 triệu đồng chỉ chiếm khoảng 11% tổng số giao dịch, số người có giao dịch trên 20 triệu đồng/ngày cũng chưa đến 1%. Vì vậy, việc xác thực sinh trắc học không ảnh hưởng quá lớn đến các giao dịch thanh toán của người dùng.
Bên cạnh đó theo thống kê đến hết năm 2023, Bộ Công an đã cấp hơn 84,7 triệu CCCD gắn chip và 70,2 triệu tài khoản VNeID, bảo đảm dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”. Đây là nguồn dữ liệu đầu vào quan trọng, giúp ngành Ngân hàng triển khai định danh, xác minh chính xác khách hàng.
Chia sẻ thêm lý do việc cần thiết phải sinh trắc học ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc TPBank cho biết, hiện tại nhiều người đã sử dụng nhận dạng khuôn mặc (Face ID) khi thực hiện thanh toán. Nhưng cần phải hiểu rõ sự khác nhau giữa Face ID và dùng sinh trắc học bằng khuôn mặt (Face Bio hay Face Biometric). Face Bio là việc xác thực khuôn mặt đó được so khớp với dữ liệu ở Căn cước công dân (CCCD) hoặc dữ liệu công dân quốc gia của Bộ Công an. Như vậy giao dịch đúng với chủ tài khoản sẽ an toàn hơn rất nhiều. Còn dùng Face ID thì chỉ xác minh đó là chủ điện thoại chứ chưa xác thực được là chủ tài khoản ngân hàng.
Dữ liệu sinh trắc học cập nhật lần này khác với dữ liệu sinh trắc học đã lưu trên điện thoại thông minh của người dùng. Dữ liệu sinh trắc học bao gồm khuôn mặt, mống mắt, vân tay… đã lưu trên điện thoại giúp chủ sở hữu điện thoại và những người được chủ sở hữu đồng thuận cùng sử dụng điện thoại đó. Dữ liệu này vì thế không được sử dụng để xác nhận sở hữu tài khoản ngân hàng mà phải sử dụng dữ liệu khuôn mặt đã được lưu trữ tại cơ sở dữ liệu của Bộ Công an.
Việc cập nhật dữ liệu khuôn mặt mà các ngân hàng đang yêu cầu người dùng cung cấp nhằm khớp đúng với dữ liệu của Bộ Công an. Sau khi cập nhật, tài khoản ngân hàng của người dùng sẽ được định danh với chủ sở hữu đã đăng ký, do đó giảm thiểu nguy cơ bị truy cập trái phép.
Ông Nguyễn Hưng - Tổng giám đốc TPBank cũng cho biết, việc xác thực sinh trắc học trên các thiết bị điện thoại di động thông minh (smartphone) cũng dễ dàng bởi hiện nay hầu hết các smartphone đều có chíp quét NFC. Tuy nhiên, cũng có dòng điện thoại đời thấp sẽ không có chip này, hoặc CCCD bị trầy xước... sẽ khó đọc dữ liệu xác thực sinh trắc học. Nhưng bất kỳ trường hợp nào khó khăn thì khách hàng có thể đến ngân hàng để được hỗ trợ.
Việc thực hiện thu thập thông tin sinh trắc học tại ngân hàng chỉ diễn ra một lần. Nếu thông tin cá nhân và thông tin sinh trắc học có thay đổi, khách hàng cần cập nhật bổ sung và không hạn chế số lần cập nhật.
NHNN lưu ý, với những khách hàng không có căn cước công dân gắn chip hoặc không thể cập nhật thành công sinh trắc học trên ứng dụng điện thoại do điện thoại không hỗ trợ NFC hay do lỗi hệ thống, các khách hàng đều cần phải ra quầy để thực hiện thu thập sinh trắc học.
Đối với khách hàng là người nước ngoài, do không có CCCD gắn chip và chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, khách hàng cần đến trực tiếp điểm giao dịch của ngân hàng với hộ chiếu và giấy tờ chứng minh thời hạn cư trú còn hiệu lực để xác thực hình ảnh chân dung khuôn mặt.
Đối với trường hợp khách hàng có thay đổi trong nhận diện khuôn mặt do phẫu thuật thẩm mỹ hay tai nạn, dữ liệu sinh trắc học không trùng khớp khi xác thực giao dịch chuyển tiền với giá trị lớn thì có thể ra quầy. Trừ trường hợp khách hàng không thể tới được quầy giao dịch, ngân hàng có cơ chế đặc thù riêng.
Các ngân hàng cũng lưu ý khách hàng, chỉ thực hiện cập nhật thông tin sinh trắc học qua ứng dụng hoặc trực tiếp tại các điểm giao dịch của ngân hàng, tuyệt đối không cập nhật qua bất kỳ trang web hay ứng dụng nàokhác để tránh rủi ro giả mạo, lừa đảo.