Xanh hóa ngành ngân hàng cho mục tiêu phát triển bền vững
Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà phát biểu khai mạc |
Phát biểu khai mạc Toạ đàm, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu, là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới. Việt Nam là một trong những quốc gia đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường và chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, đời sống của người dân. Trong thời gian qua, Việt Nam đã tích cực tham gia thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững như cam kết thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc; ký Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; cam kết thực hiện mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 đến năm 2050 tại Hội nghị COP26.
Ngành Ngân hàng là kênh cung ứng tài chính quan trọng của nền kinh tế luôn xác định vai trò, trách nhiệm trong việc “xanh hóa” dòng vốn đầu tư cho mục tiêu phát triển bền vững. Cùng với cả nước, ngành Ngân hàng đã tích cực, chủ động và sáng tạo hướng đến các mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 với những kết quả đáng ghi nhận quan trọng như phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam; xây dựng Chương trình hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; xây dựng Thông tư về quản lý rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, tăng dần tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh.
Phó Thống đốc đánh giá, Tọa đàm có sự tham gia của các bên liên quan chính về khí hậu trong nước cùng với các chuyên gia về khí hậu toàn cầu và khu vực của IFC phần nào giúp các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài hiểu rõ hơn về môi trường pháp lý của Việt Nam trong lộ trình tiến tới nền kinh tế phát thải ròng bằng 0 và ngành tài chính hướng tới lộ trình tài chính xanh. Qua đó sẽ khai thác tốt hơn các cơ hội đầu tư về khí hậu thông qua ngành tài chính và thị trường vốn trong nước.
Quang cảnh buổi Tọa đàm |
Tại COP26 vào tháng 11 năm 2021, Việt Nam đã công bố mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, loại bỏ dần điện than vào năm 2040, và đến năm 2030 sẽ giảm 30% lượng khí thải mê-tan so với mức của năm 2020. Việt Nam phải đối mặt với thiếu hụt lớn về tài chính khí hậu để có thể thực hiện thành công những cam kết này. IFC ước tính cơ hội đầu tư về khí hậu của Việt Nam sẽ lên tới 757 tỷ USD vào năm 2030, dành cho các ngành năng lượng tái tạo, công trình xanh, sử dụng năng lượng hiệu quả, và giao thông vận tải. Tuy nhiên, lĩnh vực tài chính khí hậu ở Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong việc bảo đảm sự phù hợp của các cơ hội đầu tư với các mục tiêu quốc gia về môi trường. Tương tự, quy mô, hiệu lực, và hiệu quả của những nỗ lực tài chính công hiện tại là chưa đủ để giải quyết những thách thức chính về khí hậu của Việt Nam, trong bối cảnh tài chính công ngày càng trở nên khan hiếm do đại dịch COVID-19.
Để thực hiện thành công các mục tiêu khí hậu mới, Việt Nam phải tập trung mở rộng cơ sở hạ tầng xanh. Đặc biệt là năng lượng xanh, giao thông xanh, sử dụng năng lượng hiệu quả và công trình xanh, chuyển đổi từ những ngành công nghiệp nặng và “nâu” sang lộ trình phát thải các-bon thấp và bền vững. Do đó đối mặt với hiện trạng thiếu hụt về nguồn vốn dài hạn. Những giải pháp tài chính cho cơ sở hạ tầng xanh và quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp chủ yếu nên xuất phát từ các ngân hàng và thị trường vốn. Các cơ quan quản lý ngành tài chính đã tăng cường nỗ lực thúc đẩy tín dụng xanh, kịp thời hỗ trợ phục hồi kinh tế bền vững hậu COVID. Chính phủ Việt Nam cũng đang trong quá trình giới thiệu hệ thống phân loại tài chính xanh, giúp thúc đẩy và định hướng việc mở rộng các khoản đầu tư bền vững. Mặc dù Chính phủ đã chủ động thực hiện các bước để chống lại biến đổi khí hậu thông qua cải cách, vẫn cần có kế hoạch tổng thể bảo đảm các can thiệp ở cấp chính sách, thị trường, và Tổ chức Tài chính (FI) được phối hợp một cách chiến lược.
Các chuyên gia chia sẻ Hành trình phát triển bền vững và tài chính khí hậu |
Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, với vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng, ngành Ngân hàng đã hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Thời gian qua, NHNN đã triển khai nhiều giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD tăng cường cho vay các dự án xanh, góp phần thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Ngành Ngân hàng cũng thể hiện trách nhiệm của mình trong việc đóng góp nguồn lực trong việc hoàn thành các mục tiêu của Chính phủ.
Chia sẻ về hoạt động tín dụng xanh, ông Nguyễn Hiểu Nhân, Giám đốc khối Khách hàng doanh nghiệp ACB cho biết, các hoạt động tín dụng xanh cũng được ngân hàng tập trung phát triển. Đến nay, ACB đã xây dựng 3 trụ cột chính để thực hiện xanh hoá ngân hàng, đó là: Tài trợ vốn, hỗ trợ cho dự án xanh; tài trợ cho tất cả các hoạt động tiết kiệm năng lượng; phát triển các dự án chống biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, ACB đang hợp tác với một số đối tác quan trọng nhằm thiết kế các sản phẩm dịch vụ tài trợ xanh. Dự kiến trong năm 2024, ACB sẽ công bố các khoản vay xanh.
Các chuyên gia tham gia thảo luận |
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia trong nước và quốc tê đã có những chia sẻ những góc nhìn khác nhau về Hành trình Net Zero của Việt Nam; Hành trình phát triển bền vững và tài chính khí hậu. Đồng thời các chuyên gia về ESG và Khí hậu Toàn cầu của IFC nhằm thảo luận nêu bật tầm quan trọng của việc thay đổi cách thức hoạt động của các tổ chức tài chính thúc đẩy Tài chính khí hậu, quản lý rủi ro môi trường, khí hậu và xã hội, và Công bố Thông tin ESG. Các chuyên gia cũng sẽ chia sẻ kinh nghiệm áp dụng toàn cầu về hỗ trợ chuyển đổi ngân hàng xanh, đặc biệt tập trung vào tầm quan trọng và cơ hội đối với Việt Nam.
Thông qua buổi tọa đàm này, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà bày tỏ hy vọng sẽ tạo ra một sự kiện thường niên của ngành ngân hàng với mục tiêu thúc đẩy vai trò của tín dụng xanh, góp phần quan trọng vào tăng trưởng xanh và phát triển bền vững tại Việt Nam.