Xây dựng cơ chế đặc thù phát triển dược liệu gắn với du lịch sinh thái
Tiếp vốn cho nông dân làm du lịch sinh thái Khi ngân hàng tiếp sức làm du lịch sinh thái Phát triển thị trường dược liệu |
Một số mô hình du lịch nông thôn tại Lai Châu đã được đưa vào khai thác, kết hợp cùng người dân địa phương để tạo ra những giá trị, trải nghiệm mới cho du khách. |
Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, có hơn 5117 các loài thực vật bậc cao có mạch đã phát hiện trong các hệ sinh thái rừng ở Việt Nam được sử dụng làm thuốc chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe. Trong đó, hầu hết loài cây dược liệu quý, hiếm, có giá trị kinh tế cao đều phân bố trong các hệ sinh thái rừng tự nhiên như: Sâm Lai Châu, sâm Vũ Diệp, tam thất hoang, Bách hợp, Thông đỏ, Vàng đắng...
Hầu hết các loài thảo dược quí, có giá trị đều sống dưới tán rừng, nhất là dưới tán rừng nguyên sinh, ở các độ cao khác nhau và các độ tàn che khác nhau. Hơn nữa, hiện nay cả nước có hơn 10,1 triệu ha rừng tự nhiên - một lợi thế tiềm năng rất lớn, có tính khả thi để phát triển các loại dược liệu dưới tán rừng.
Thị trường tiêu thụ dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu ở trong nước cũng rất lớn. Theo thống kê chưa đầy đủ về thị trường tiêu thụ dược liệu trong nước những năm gần đây cho thấy, cả nước có 63 bệnh viện y học cổ truyền công lập, gần 7.000 cơ sở hành nghề y học cổ truyền; 226 cơ sở sản xuất thuốc từ dược liệu, thuốc cổ truyền.
Nhu cầu sử dụng dược liệu của các cơ sở sản xuất trong nước mỗi năm ước tính khoảng 60-80 nghìn tấn, phần lớn được sử dụng cho sản xuất thuốc đông dược, thực phẩm chức năng, hóa mỹ phẩm.
Chỉ riêng năm 2020, nguồn thu của 4 loại dịch vụ trong các hệ sinh thái rừng của nước ta gồm: dịch vụ cung cấp gỗ và lâm sản ngoài gỗ; dịch vụ môi trường rừng; dịch vụ hấp thụ và lưu trữ các-bon; dịch vụ du lịch sinh thái đã mang lại giá trị khoảng 39.039 tỷ đồng. Trong số đó, giá trị thu được từ dịch vụ du lịch sinh thái đạt 2.022 tỷ đồng.
Tuy nhiên, vấn đề phát triển dược liệu dưới tán rừng tự nhiên, kể cả rừng nguyên sinh và rừng thứ sinh, còn nhiều hạn chế bởi cơ chế chính sách quy định cần phải được tháo gỡ.
Hiện nay, chúng ta mới thực hiện thí điểm cho thuê dịch vụ môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh ở Quảng Nam, nhưng vấn đề này cũng còn nhiều ý kiến tranh luận. Có ý kiến cho rằng Nhà nước chỉ cho thuê môi trường rừng để phát triển dịch vụ du lịch sinh thái, không được tác động vào rừng và đất rừng. Một số quan điểm khác thì cho rằng cho thuê môi trường rừng phải được tác động vào đất rừng mới trồng được dược liệu.
Được biết, ngày 30/10/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1976 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển dược liệu Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, dược liệu được phát triển trên cả 8 vùng sinh thái để trồng 54 loài cây dược liệu trên diện tích 28.000 ha, từ đó cung ứng khoảng 110.000 tấn dược liệu các loại nhằm cung ứng đủ nguồn dược liệu cho công nghiệp dược, y học cổ truyền.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 611 về việc phê duyệt Chương trình “Phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo kế hoạch triển khai thực hiện. Khi quyết định được phê duyệt, đây sẽ là cơ hội không những cho việc phát triển sâm mang thương hiệu Việt Nam mà còn là cơ hội để phát triển các loài cây dược liệu khác dưới tán rừng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lai Châu, năm 2022, tỉnh Lai Châu có trên 11.000 ha các loại cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu như sâm Lai Châu, Bảy lá một hoa, lan Kim Tuyến, thảo quả, sa nhân, tam thất, đương quy...
Ông Nguyễn Trọng Lịch, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lai Châu, cho biết tỉnh đã phê duyệt đề án phát triển một số cây dược liệu giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Lai Châu là tỉnh có diện tích lớn, tính đa dạng sinh học cao, trong đó diện tích rừng giàu và rừng trung bình chiếm khoảng 13%, rừng có độ cao tuyệt đối từ 1.400 m đến trên 3.100 m khoảng 32%, phù hợp cho phát triển nhiều loài cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng.
Với lợi thế trên, Lai Châu đã tích cực thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân tham gia phát triển kinh tế dưới tán rừng. Lai Châu được xác định thuộc 1 trong 6 trọng điểm du lịch vùng và quốc gia. Trọng điểm là du lịch Lào Cai - Lai Châu gắn với cửa khẩu Lào Cai, Sa Pa, Phanxipan và vườn quốc gia Hoàng Liên, thuộc tuyến du lịch liên vùng “Qua miền Tây Bắc”.
Một số mô hình du lịch nông thôn tại Lai Châu đã được đưa vào khai thác, kết hợp cùng người dân địa phương để tạo ra những giá trị, trải nghiệm mới cho du khách. Du khách có thể trải nghiệm một ngày cùng người Mông làm thảo quả; người Dao làm rong, chăm sóc vườn dược liệu quý, thưởng thức tiếng hát, điệu khèn, điệu múa bản địa…
Đại diện Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nêu rõ cơ chế, chính sách hỗ trợ và giải pháp phát triển lâm sản ngoài gỗ, dược liệu dưới tán rừng. Trên cơ sở định hướng về quy hoạch tỉnh, các huyện cần rà soát quỹ đất, vùng nguyên liệu, xác định loài cây trồng phù hợp, xây dựng mã số các vùng trồng để quản lý nguồn gốc, xuất xứ, lựa chọn sản phẩm đặc thù, sản phẩm mà tỉnh có thế mạnh.
Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với các bộ, ngành có liên quan xây dựng chính sách, cơ chế đặc thù đối với các mô hình phát triển nông nghiệp dược liệu, đồng thời khai thác tiềm năng, lợi thế của dịch vụ hệ sinh thái rừng của từng địa phương.