Xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam thời 4.0
1 Dân tộc - Khoa học - Đại chúng là ba nội hàm cơ bản của văn hóa Việt Nam được khởi thảo từ Đề cương về văn hóa 1943 khi đất nước còn chưa giành độc lập. Chỉ ít năm sau, trong điều kiện kháng chiến gian khổ, 2 hội nghị văn hóa toàn quốc đã liên tiếp được mở ra vào các năm 1946 và 1948, cho thấy tầm quan trọng của văn hóa cùng với câu nói ngắn gọn mà hàm ý sâu sa của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.
Sau này, trong điều kiện hòa bình, Đảng đã cho ra đời thêm các Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), Nghị Quyết Trung ương 9 (khóa XI) về văn hóa. Mỗi một thời kỳ, cương lĩnh về văn hoá của Đảng lại đáp ứng một yêu cầu khác nhau, phù hợp với thời đại. Đặc biệt, năm 2021, Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra vào ngày 24/11 ở vào một thời kỳ mới, đòi hỏi một quan điểm về văn hóa phù hợp với thời đại mới. Trong đó, đặc biệt quan trọng là việc định danh văn hóa Việt Nam thời kỳ hội nhập, đặt văn hóa ngang hàng với chính trị và kinh tế, có chính sách phù hợp để chấn hưng văn hóa.
Hệ giá trị văn hóa được hiểu là những chuẩn mực về tư tưởng, nhận thức, hành động của cộng đồng, được cộng đồng thừa nhận |
Tại Ðại hội XIII của Ðảng năm 2021, Ðảng ta xác định rõ việc: "Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới" (Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.143). Trong bốn hệ giá trị mà Ðại hội Ðảng lần thứ XIII đề cập, thì hệ giá trị văn hóa, chuẩn mực con người có sự gắn bó chặt chẽ.
Có thể đâu đó vẫn còn những cách lý giải khác nhau về hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn chung, các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa khá thống nhất khi cho rằng, hệ giá trị văn hóa được hiểu là những chuẩn mực về tư tưởng, nhận thức, hành động của cộng đồng, được cộng đồng thừa nhận.
Con người là chủ thể của văn hóa, nên hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người tuy không đồng nhất nhưng có liên quan chặt chẽ đến nhau. Nhiều yếu tố của hệ giá trị văn hóa là sự biểu hiện của chuẩn mực con người; ngược lại, hệ giá trị văn hóa khi đã hình thành và ổn định sẽ tác động trở lại đến những chuẩn mực con người. Cả hai đều nhằm hướng tới xây dựng một xã hội, cộng đồng tốt đẹp hơn. Hệ giá trị văn hóa của mỗi quốc gia chính là nền tảng hình thành nên hệ giá trị quốc gia.
Trong bối cảnh xã hội đương đại với sự gia tăng của toàn cầu hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, hệ giá trị văn hóa ở Việt Nam ngày càng trở nên phức tạp với sự cùng tồn tại của hệ giá trị truyền thống, hệ giá trị mới, hệ giá trị phổ quát, hệ giá trị đặc thủ, hệ giá trị cốt lõi, hệ giá trị phái sinh... Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, xung đột giá trị, thậm chí khủng hoảng giá trị, "sốc" giá trị cũng đã xảy ra càng làm gia tăng thêm tính phức tạp nhưng cũng làm lộ rõ sự cần thiết phải nhìn nhận lại việc xây dựng hệ giá trị văn hóa mới.
2 Thực tế cũng đang cho thấy, trong những năm qua, xã hội đang tồn tại nhiều vấn đề tiêu cực như tham nhũng, suy thoái, đạo đức, lối sống… mà nguyên nhân sâu xa cũng bắt nguồn từ văn hóa. Sự đi xuống của văn hóa được thể hiện rõ nhất trong thời kỳ dịch bệnh khó khăn, bên cạnh tình nghĩa đồng bào, thì nhiều cán bộ đã vướng vào tiêu cực, tham nhũng. Trên mạng xã hội, nhiều hành vi lệch chuẩn cũng đã xuất hiện, đặc biệt là nhiều nghệ sĩ đã có những biểu hiện lệch lạc, bất chấp một số quy định của pháp luật…
Chính vì thế, trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam là cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết.
GS. Từ Thị Loan - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam) cho rằng, trong lĩnh vực văn hóa, nếu có hệ giá trị quốc gia dẫn dắt, định hướng đúng đắn sẽ giúp chúng ta chấn hưng văn hóa, ngăn chặn tình trạng xuống cấp đạo đức, tha hóa nhân cách, các biểu hiện tiêu cực, phản văn hóa, phi giá trị trong xã hội...
Ở khía cạnh giao lưu quốc tế, gần đây, với sự hội nhập sâu rộng, đặc biệt là khi có công nghệ 4.0 hỗ trợ, các hoạt động giao lưu văn hóa ngày càng nhanh chóng và rộng mở. Điều này, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp đã giúp người dân ở mọi vùng miền đều có cơ hội tiếp cận nhanh đến các chương trình văn hóa-giải trí và các lễ hội phương Tây; nhưng mặt khác, lại cho thấy những cọ sát, thậm chí va chạm giữa các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống với văn hóa mới. Đáng quan tâm là, nhiều trường hợp yếu tố truyền thống trở nên yếu thế. Nhất là trong bối cảnh nước ta có cộng đồng 54 dân tộc anh em, trong đó nhiều dân tộc thiểu số với những nền văn hóa riêng biệt, đáng tự hào thì ở thời hội nhập 4.0, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ rất nhanh bị ảnh hưởng, thậm chí mai một những giá trị văn hóa bản địa cần gìn giữ. Hay nói cách khác, điều này khiến nguy cơ đánh mất bản sắc “từ bên trong”, bị “hòa tan” luôn hiện hữu. Lấy ví dụ từ những lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài đang ngày một trở nên phổ biến ở Việt Nam, nếu chúng ta không kịp thời xây dựng những hệ giá trị của Việt Nam, thì khó có thể xoay trở kịp. Trong khi đó, ở thời điểm hiện nay, không thể khăng khăng từ chối các giao lưu quốc tế, bởi chúng ta sẽ nhanh chóng rơi vào tình trạng tụt hậu. Bối cảnh ấy đặt ra yêu cầu cấp thiết về xây dựng hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam nhằm tạo sự thống nhất về định hướng, chuẩn mực của cộng đồng để mỗi cá nhân trong một tổng thể lớn có thể điều chỉnh hành vi bảo đảm chuẩn mực văn hóa dân tộc trong sự phù hợp với quan niệm tiến bộ của quốc tế.
3 Xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam có thể ví như một liều vaccine để mỗi cá nhân tăng sức đề kháng, đồng thời có thể thích ứng nhanh và phòng chống. Nói như PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm, hệ giá trị văn hóa là một phương diện quan trọng của một nền văn hóa và thể hiện rõ nhất bản sắc văn hóa. Hệ giá trị văn hóa đã và đang được thực hành đa dạng sống động trong đời sống xã hội, việc gọi tên, đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa là vô cùng quan trọng, giúp cho chúng ta có những nhìn nhận bao quát hơn, đầy đủ hơn và phát huy được hiệu quả hơn chức năng định hướng, đánh giá, điều chỉnh của hệ giá trị văn hóa. Hơn nữa, việc xây dựng hệ giá trị văn hóa còn thể hiện mong muốn, khát vọng của chúng ta về những hệ giá trị tốt đẹp sẽ được thực hành phổ biến tạo nên sự phát triển phồn vinh và bền vững cho xã hội.
Theo PGS.TS. Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, một trong những giải pháp quan trọng nhất để xây dựng và triển khai hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị quốc gia trong cuộc sống là phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức một cách thực chất, bài bản về hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa. Nếu có thể thì nên biến thành một cuộc vận động sâu rộng, quy mô, mang tầm chiến lược, dài hơi như các cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” hay phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của các thiết chế xã hội quan trọng như: gia đình, nhà trường, cộng đồng trong việc giáo dục, trau dồi các giá trị. Chính vì thế, cần phát huy vai trò của gia đình - chiếc nôi đầu tiên hình thành, nuôi dưỡng các giá trị. Phải kết hợp giữa “xây” và “chống”. Xây dựng, bồi đắp và củng cố những giá trị tốt đẹp, chống lại những thói hư, tật xấu trong xã hội…
Nghệ sĩ vi phạm pháp luật sẽ bị cấm sóng, cấm diễn Trước thực tế thời gian qua có không ít những nghệ sĩ, người nổi tiếng có hành vi vi phạm trong hoạt động biểu diễn, phát ngôn trên mạng xã hội như đưa tin sai sự thật, quảng cáo tiền ảo, mê tín, thổi phồng công dụng của thực phẩm bảo vệ sức khỏe… đã gây ảnh hưởng không tốt tới xã hội, đặc biệt là giới trẻ; Bộ Thông tin và Truyền thông vừa thông qua Quyết định 512 về việc cập nhật Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, từ tháng 10/2023, nghệ sĩ và người có tầm ảnh hưởng (KOLs) vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục, gây ảnh hưởng không tốt đến xã hội sẽ bị hạn chế các hoạt động: phát sóng, biểu diễn, quảng cáo. Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, các biện pháp xử lý như "cấm sóng", "cấm mạng", "cấm diễn" nhằm mục đích từng bước làm lành mạnh không gian mạng, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, nhất là đối với giới trẻ. |