Xây dựng nhãn hiệu nông sản Đà Lạt gắn với mã số vùng trồng
Xây dựng Đà Lạt trở thành đô thị hiện đại, đẳng cấp quốc tế Công bố cơ chế đặc thù cho Đà Lạt Phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản |
Nhiều loại nông sản bị giả mạo xuất xứ, hàng nhập khẩu nhưng “đội lốt” hàng Đà Lạt. |
Lâm Đồng là địa phương nhiều năm qua tham gia tích cực trong việc xây dựng thương hiệu nông sản. Hiện nông sản Đà Lạt đã trở thành một thương hiệu mạnh, được đầu tư lớn.
Khó nhận biết hàng Đà Lạt và hàng giả
Tại Toạ đàm“Giải pháp bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt” diễn ra ngày 26/9/2024, bà Nguyễn Thùy Quý Tú - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Lâm Đồng cho biết, tỉnh có điều kiện sinh thái, khí hậu, thổ nhưỡng đa dạng với sự phân hóa địa hình tạo nên các tiểu vùng sinh thái có điều kiện thuận lợi để phát triển nhiều loại cây trồng khác nhau. Trong đó có nhiều loại cây mẫu mã, chất lượng cao, từ lâu đã xây dựng được uy tín, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Hiện nay toàn tỉnh có 37 nhãn hiệu đã được cấp giấy chứng nhận độc quyền và 2 nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ ở nước ngoài. Toàn tỉnh có 407 sản phẩm OCOP đã được chứng nhận với 221 chủ thể tham gia chương trình. Đối với thương hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” đến nay đã có 768 nhãn hiệu được cấp giấy chứng nhận.
"Đạt được các kết quả trên và khẳng định vị thế thương hiệu nông sản Đà Lạt – Lâm Đồng trong lòng người tiêu dùng là quá trình lâu dài, nỗ lực của người sản xuất, các doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ quan ban ngành trên địa bàn tỉnh", bà Nguyễn Thùy Quý Tú chia sẻ.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thùy Quý Tú, bên cạnh các kết quả đạt được vẫn còn bộ phận nhỏ vì lợi nhuận mà bất chấp các hành vi vi phạm, giả mạo thương hiệu nông sản Đà Lạt, Lâm Đồng. Việc này ảnh hưởng tiêu cực đến thương hiệu nông sản Đà Lạt, Lâm Đồng.
Người nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất chân chính có nguy cơ bị giảm sản lượng tiêu thụ, đối mặt với tình trạng giảm doanh thu do sự cạnh tranh không công bằng từ sản phẩm giả mạo hoặc kém chất lượng.
Bà Lương Thị Yến Vân - Giám đốc Hợp tác xã Vườn Nhà Đà Lạt bức xúc khi nông sản Đà Lạt bị giả mạo. Không những khoai tây mà các loại dâu tây và rau cũng bị giả mạo thương hiệu. Thậm chí khi nhắc đến trồng khoai hầu hết các nông dân đều rất ái ngại.
Theo bà Vân, lý do là vì giá nông sản giả mạo khoai Đà Lạt so với thị trường rất thấp. Người tiêu dùng nếu không phải người trồng thì rất khó nhận biết hàng Đà Lạt và hàng giả nên hàng thật bị lấn át.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Trần Huy Đường - Chủ nông trại Langbiang Farm cũng bức xúc vì khoai tây, cà rốt, nho, táo, lê… rất nhiều loại nông sản bị giả mạo xuất xứ, hàng nhập khẩu nhưng “đội lốt” hàng Đà Lạt.
Đẩy mạnh quảng bá hình ảnh nhãn hiệu nông sản Đà Lạt
Trước thực trạng trên, ông Đường cho rằng, trước tiên nông dân tự bảo vệ mình mà quan trọng nhất là phải có thương hiệu. “Tôi ấn tượng khi người nông dân Nhật Bản tự in hình mình cùng thương hiệu nông sản của trang trại mình lên bao bì. Nông dân phải có mã QR Code, phải có mã số vùng trồng. Mã số phải làm chi tiết đến từng lô sản xuất, phải được cơ quan quản lý chứng nhận. Hiện nay mới chỉ làm được với một số nông sản như sầu riêng”, ông Đường cho hay.
Ngoài ra, theo ông Đường phải có nhãn phụ thông tin nơi sản xuất để tránh tình trạng hàng không rõ nguồn gốc “đánh lận con đen” vào siêu thị. Cơ quan chức năng phải thành lập những đội quản lý kiểm tra đột xuất các cơ sở để phát hiện vi phạm.
Ông Nguyễn Đình Thiện - Phó Trưởng Phòng Kinh tế TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) cho biết, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và uy tín cho nông sản của Đà Lạt, UBND thành phố yêu cầu hàng hóa nhập khẩu phải hợp pháp, hợp lệ, có xuất xứ rõ ràng, đảm bảo các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, không gây ra hiểu lầm, nhầm lẫn cho người tiêu dùng và gây ảnh hưởng đến uy tín nông sản Đà Lạt.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng cần gắn phát triển xây dựng nhãn hiệu chung sản phẩm nông sản với quản lý xây dựng mã số vùng trồng, mã số doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản. Liên kết giữa người nông dân, doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản.
Theo ông Hòa, doanh nghiệp cần nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm nông sản; Xây dựng, phát triển và bảo vệ nhãn hiệu. Từ đó có chiến lược, kế hoạch cụ thể cho phát triển nhãn hiệu sản phẩm trong chiến lược phát triển doanh nghiệp.
Song song với đó, doanh nghiệp cần đẩy mạnh quảng bá hình ảnh nhãn hiệu nông sản Đà Lạt thông qua các trang thương mại điện tử để người tiêu dùng có thể nhận diện hàng đúng chất lượng, tránh giả mạo.
“Để xây dựng thương hiệu nông sản của mình, bản thân trang trại đã có bộ tiêu chuẩn sản phẩm, tiêu chuẩn Global GAP, mã QR code rõ ràng. Đặc biệt, sản phẩm nông sản phải có câu chuyện, kể chuyện sản phẩm đó trên bao bì sản phẩm để thu hút người tiêu dùng”, ông Đường góp ý.
Theo Trung tá Mai Văn Toàn - Phòng cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Lâm Đồng, nhiều loại nông sản như khoai tây, hành tây, dâu tây, cà rốt, tỏi… được các thương nhân nhập về giá rẻ rồi “đội lốt”, dán nhãn xuất xứ hàng Đà Lạt để thu lợi nhiều hơn.
"Hành vi dán mác xuất xứ Đà Lạt lên nông sản nhập khẩu là hành vị gian lận thương mại, có quy định xử phạt rất rõ ràng. Hiện công an tỉnh Lâm Đồng đã kiểm tra xử phạt được một số tiểu thương vi phạm", Trung tá Mai Văn Toàn cho hay.
Luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai cảnh báo hành vi gian lận trộn đất khoai tây Trung Quốc và dán nhãn hàng Đà Lạt không chỉ vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng xấu đến uy tín nông sản trong nước. Đây là hành vi vi phạm pháp luật trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quảng cáo.
Luật sư Quân đánh giá hình thức chế tài hiện tại là phạt hành chính chưa đủ sức răn đe. Chính vì chế tài chưa đủ mạnh nên vấn nạn này vẫn tái đi tái lại. Ông Quân đề xuất tăng cường chế tài bằng cách nâng mức phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Đồng thời áp dụng các biện pháp bổ sung như đóng cửa cơ sở kinh doanh vi phạm và công bố công khai thông tin về doanh nghiệp, cá nhân vi phạm để nâng cao nhận thức xã hội và tăng tính răn đe.