Xây dựng nông thôn mới tại Quảng Nam: Đường về đích còn nhiều trở ngại
Những kết quả đáng ghi nhận
Tính đến cuối năm 2022, trong tổng số 194 xã tham gia xây dựng mô hình nông thôn mới (NTM) trên phạm vi toàn tỉnh Quảng Nam đã có 123 xã được công nhận đạt chuẩn. Hiện giờ, cả tỉnh có 10 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, trong đó có 1 xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu. Cấp huyện có 2 đơn vị đạt chuẩn huyện NTM là Phú Ninh và Duy Xuyên, 2 đơn vị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM là Tam Kỳ và Điện Bàn.
Theo mục tiêu đặt ra, Quảng Nam phấn đấu đến cuối năm 2025 có ít nhất 155 xã/194 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 80%; bình quân số tiêu chí đạt chuẩn NTM của 1 xã là hơn 17,5 tiêu chí; không còn huyện không có xã đạt chuẩn NTM, không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí. Ngoài ra, tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2025 có ít nhất 64 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, chiếm tỷ lệ 40%; có ít nhất 16 xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu, chiếm tỷ lệ 10%; có thêm 3 - 4 huyện đạt chuẩn NTM...
Mô hình phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới ở huyện Hoà Vang |
Thế nhưng để hoàn thành mục tiêu trên là chuyện không đơn giản. Bởi, thực tế cho thấy, 123 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM giai đoạn 2011 - 2022 hầu hết có điều kiện kinh tế - xã hội khá thuận lợi. Trong khi đó, các xã nằm trong lộ trình về đích NTM từ nay đến năm 2025 chủ yếu ở các địa phương thuộc khu vực trung du - miền núi còn rất nhiều khó khăn, nhất là eo hẹp về nguồn lực tài chính thực hiện chương trình.
Đến thời điểm hiện nay, toàn huyện Hòa Vang - huyện nông thôn duy nhất của thành phố Đà Nẵng có 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, gồm: Hòa Châu, Hòa Tiến, Hòa Khương, Hòa Phước, Hòa Phong. Ngoài ra, có 21 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu; gần 60 vườn mẫu; 50 tuyến đường kiểu mẫu; tỷ lệ điện chiếu sáng đạt 100% ở đường trục thôn, gần 80% ở đường kiệt, hẻm… Hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung xây dựng, sửa chữa với nhiều công trình giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ… góp phần thay đổi diện mạo huyện Hòa Vang.
Khi bắt tay vào thực hiện xây dựng NTM nâng cao, huyện áp dụng phương châm “Dễ làm trước, khó làm sau” và chọn những tiêu chí cơ bản làm đòn bẩy để tạo đà thúc đẩy thực hiện các tiêu chí khác. Đối với những địa phương chưa đạt chuẩn NTM nâng cao, huyện tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng hỗ trợ, giúp đỡ để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, về đích đúng hẹn. Các xã tích cực vận động nhân dân hưởng ứng đóng góp tiền, hiến đất, ngày công lao động để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Đồng thời, khuyến khích nhân dân thi đua phát triển kinh tế hộ, xây dựng các mô hình kinh tế trang trại, phát triển du lịch sinh thái. Đến nay, huyện có 12 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP - Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.
Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Phan Văn Tôn cho biết: Các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao trong giai đoạn 2021 - 2025 là rất cao. Trong khi đó, các xã còn lại phần lớn còn nhiều khó khăn, số tiêu chí bình quân đạt thấp. Do vậy, đòi hỏi phải nỗ lực, quyết tâm, thống nhất trong nhận thức và hành động để thực hiện đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra. Trên cơ sở kế hoạch chung của thành phố và huyện, mỗi xã cần xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình cụ thể, phù hợp thực tế của địa phương; xây dựng kế hoạch huy động nguồn lực phù hợp để hoàn thành tiêu chí NTM; tăng cường đầu tư, thúc đẩy phát triển sản xuất, gắn xây dựng NTM với việc thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tăng thu nhập cho người dân nông thôn... Huyện đặt mục tiêu phấn đấu về đích hoàn thành xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu trong năm 2025.
Khó khăn khi thực hiện bộ tiêu chí mới
Ông Trần Công Lân thuộc Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Quảng Nam cho biết, Bộ tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 có nhiều tiêu chí và chỉ tiêu tăng thêm so với giai đoạn 2016 - 2020. Cụ thể, đối với bộ tiêu chí xã NTM, trước đây có 19 tiêu chí với 49 chỉ tiêu, nhưng nay tăng lên 57 chỉ tiêu. Trong khi đó, đối với bộ tiêu chí xã NTM nâng cao, giai đoạn trước chỉ có 12 tiêu chí với 23 chỉ tiêu, nay tăng lên 19 tiêu chí với 75 chỉ tiêu. Không chỉ vậy, mức độ đạt chuẩn của các tiêu chí cũng đều tăng cao. Đáng chú ý, có nhiều chỉ tiêu ban hành chưa phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, vùng miền.
Đơn cử như chỉ tiêu trong bộ tiêu chí mới quy định tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung đạt 20 - 25% là rất khó thực hiện đối với các huyện miền núi, trong khi một số công trình cấp nước sạch nông thôn đầu tư trước đây không còn phù hợp, hiệu quả. Bên cạnh đó, việc quy định đất cây xanh công cộng tại điểm dân cư nông thôn lớn hơn hoặc bằng 2m2/người là không sát thực tế vì việc quy hoạch đất phục vụ công cộng hiện nay còn chưa đạt tiêu chuẩn quy định thì không thể đạt với việc trồng cây xanh. Quy định hình thức hỏa táng ở nông thôn đối với tiêu chí xã NTM nâng cao cũng không dễ thực hiện vì ở khu vực miền Trung lâu nay mai táng người chết chủ yếu là chôn theo phong tục nên việc hỏa táng sẽ khó khăn.
Bộ tiêu chí mới quy định ít nhất 40% người dân tham gia khám bệnh từ xa là không khả quan trong điều kiện bình thường mà chỉ phù hợp ở những thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp. Trong khi đó, quy định trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đạt kiểm định chất lượng giáo dục cũng không sát tình hình vì nhiều địa phương ở miền Trung đã nhập, giải thể các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên nên thực tế ở cấp huyện các trung tâm này không còn hoạt động. Về tiêu chí nghèo đa chiều, mặc dù tỷ lệ quy định như giai đoạn trước nhưng nay đánh giá thêm tỷ lệ cận nghèo đa chiều nên sẽ rất khó khăn đối với các địa phương miền núi.
Vấn đề đáng quan tâm nữa là đối với các xã miền núi, giai đoạn trước đây khi công nhận đạt chuẩn xã NTM thì chỉ tiêu đạt chuẩn áp dụng theo các xã thuộc khu vực miền núi phía Bắc, nhưng hiện nay áp dụng theo khu vực duyên hải Nam Trung Bộ (yêu cầu của các tiêu chí và chỉ tiêu cao hơn) nên khi rà soát theo bộ tiêu chí mới thì gần 50% số tiêu chí bị rớt chuẩn. Đặc biệt, theo quy định, các xã miền núi sau khi đạt chuẩn NTM sẽ không còn thuộc đối tượng xã khó khăn (khu vực 1), trong khi các tiêu chí về hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học... theo bộ tiêu chí mới không đạt chuẩn, nhưng không có nguồn lực bố trí thực hiện.
Qua tìm hiểu ở một số địa phương, các tiêu chí NTM nâng cao có nhiều chỉ tiêu mới, cần có thời gian và nguồn lực mới có thể đạt được. Chẳng hạn như chỉ tiêu “tối thiểu 50% hồ sơ giải quyết trực tuyến tại các xã”; “phải có 50% dân số trong độ tuổi lao động ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo và tối thiểu 80% dân số trong độ tuổi lao động đối với các xã còn lại sử dụng điện thoại thông minh”; “100% hộ gia đình, cơ quan, tổ chức, khu di tích được thông báo, gắn biển địa chỉ số đến từng điểm địa chỉ”…
Trong khi đó, theo chia sẻ của ông Nguyễn Anh Tài, Phó Trưởng phòng Kế hoạch & Nghiệp vụ thuộc Văn phòng điều phối NTM tỉnh Quảng Nam: Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Quảng Nam có khoảng 40% số xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu và khoảng 20% đạt chuẩn huyện NTM nâng cao, huyện NTM kiểu mẫu. Tuy nhiên, vẫn chưa cân đối nguồn lực từ ngân sách để thực hiện các mục tiêu này. Riêng 6 chương trình chuyên đề trọng tâm trong xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, gồm: chuyển đổi số, môi trường, du lịch nông thôn, OCOP, an ninh trật tự, khoa học công nghệ. Thế nhưng, đến nay trung ương vẫn chưa giao vốn 6 chương trình chuyên đề nêu trên nên rất khó cho tỉnh trong việc xây dựng kế hoạch để thực hiện?