Xây dựng nông thôn thành nơi đáng sống, nơi để quay về
Vốn vay ưu đãi góp phần giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới Xây dựng nông thôn mới tại Quảng Nam: Đường về đích còn nhiều trở ngại Tín dụng chính sách giúp Nam Đàn tiến đến nông thôn mới kiểu mẫu |
Cả nước có 6.022/8.177 xã (73,65%) đạt chuẩn nông thôn mới. |
Ngày 17/7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025.
Sau gần 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 2021 – 2025, cả nước đã huy động được hơn 1,7 triệu tỷ đồng đầu tư thực hiện chương trình.
Theo đó, năm 2021, cả nước huy động được khoảng 602.603 tỷ đồng từ các nguồn lực để đầu tư thực hiện Chương trình. Năm 2022, cả nước huy động được khoảng 744.723 tỷ đồng từ các nguồn lực để đầu tư thực hiện Chương trình (tăng 24% so với năm 2021).
Năm 2023, theo số liệu báo cáo của các địa phương, tính đến tháng 6/2023, cả nước huy động được khoảng 404.618 tỷ đồng từ các nguồn lực để đầu tư thực hiện Chương trình.
Theo ông Ngô Trường Sơn - Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới, tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2023 (tính đến thời điểm báo cáo) khoảng 1,752 triệu tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách trung ương đóng vai trò “vốn mồi”, hỗ trực trực tiếp thực hiện Chương trình chiếm khoảng 1,2%, ngân sách địa phương các cấp khoảng 9,9%.
Vốn lồng ghép từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án khác thực hiện trên địa bàn nông thôn khoảng 8,1%, vốn tín dụng khoảng 74,1%, vốn doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức kinh tế khoảng 4%, người dân và cộng đồng đóng góp tự nguyện khoảng 2,8%.
Theo số liệu tổng hợp của Bộ Tài chính, lũy kế đến hết tháng 06/2023, các địa phương dự kiến giải ngân được khoảng 7.907/9.000 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2022 chuyển sang thực hiện năm 2023 (đạt khoảng 88%).
Đến nay, cả nước có 6.022/8.177 xã (73,65%) đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 11,3% so với cuối năm 2020), bình quân cả nước đạt 16,9 tiêu chí/xã. Có 263 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 90 đơn vị so với cuối năm 2020 (chiếm khoảng 40,8% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước).
Hiện có 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 7 địa phương so với cuối năm 2020), trong đó có 5 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Cả nước đã đánh giá, phân hạng được 9.852 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 66,9% sản phẩm 3 sao; 32,2% sản phẩm 4 sao; 0,6% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 42 sản phẩm 5 sao (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận). Đã có 5.069 chủ thể OCOP, trong đó có 38,5% là hợp tác xã, 24,4% là doanh nghiệp, 34,1% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác.
Sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường, được người dân tín nhiệm. Đặc biệt, các sản phẩm OCOP 5 sao đã được lãnh đạo Đảng và Nhà nước tin tưởng, lựa chọn làm quà tặng trong các hội nghị quan trọng và các chuyến công tác nước ngoài; đồng thời, được một số bộ, ngành sử dụng làm quà tặng đại biểu trong các hội nghị của ngành.
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo ông Ngô Trường Sơn, mô hình tổ chức và cơ chế làm việc của Văn phòng Điều phối NTM cấp tỉnh ở các địa phương có sự khác nhau, chưa thống nhất.
Văn phòng Điều phối NTM cấp huyện không có con dấu riêng mà sử dụng con dấu chung của Phòng Nông nghiệp phát triển nông thôn hoặc Phòng Kinh tế, nên hạn chế tính chủ động trong quá trình triển khai công việc. Cán bộ làm công tác xây dựng NTM ở cấp xã chủ yếu là kiêm nhiệm và thường xuyên thay đổi nên cũng ảnh hưởng đến việc tham mưu triển khai thực hiện chương trình ở cơ sở...
Hệ thống văn bản pháp lý, văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình ở cấp Trung ương chậm được ban hành. Một số địa phương còn lúng túng, chậm ban hành các văn bản cụ thể hóa Bộ tiêu chí quốc gia về NTM giai đoạn 2021 - 2025 theo phân cấp, Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới...
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, chương trình xây dựng NTM không chỉ là xây dựng cầu, đường, trường, trạm mà đây là Chương trình bao gồm đa mục tiêu.
Trong đó, có 6 Chương trình chuyên đề: Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM; Khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng NTM; Chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới nông thôn mới thông minh; Tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025; Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Chương trình OCOP. Ngoài ra còn có các vấn đề bình đẳng giới, dinh dưỡng cho cư dân nông thôn, khuyến nông...
"Các địa phương cần tập trung đề xuất giải pháp, sáng kiến, chia sẻ những mô hình phù hợp, trao đổi những gì còn trăn trở, băn khoăn để chương trình xây dựng NTM thật sự thiết thực, có ý nghĩa. Trong đó, phải tạo ra những sản phẩm đặc trưng, bản sắc văn hóa riêng của các làng quê nông thôn, phát triển làng nghề, tạo điểm nhấn thu hút du lịch nông thôn, xây dựng nông thôn thành nơi đáng sống, nơi để quay về", ông Lê Minh Hoan chia sẻ.