Xe buýt trợ giá vẫn gặp khó
Nâng cao chất lượng dịch vụ
Trung tuần tháng 12/2016, TP. Đà Nẵng chính thức đưa vào hoạt động các tuyến xe buýt có trợ giá. Cụ thể, xe buýt có trợ giá bao gồm các tuyến số 5: Nguyễn Tất Thành - Xuân Diệu; tuyến số 7: Xuân Diệu - Phạm Hùng; tuyến số 8: Thọ Quang - Phạm Hùng; tuyến số 11: Xuân Diệu - Siêu thị Lotte Mart và tuyến số 12: Thọ Quang - Trường Sa.
Thời gian hoạt động của các xe từ 5h đến 21h hàng ngày, với tần suất 10 phút/chuyến vào giờ cao điểm và 20 phút/chuyến vào khung giờ bình thường. CTCP Công nghiệp Quảng An 1, là DN trúng thầu vận hành các tuyến xe buýt này.
Xe buýt hiện đại nhưng lượng khách vẫn rất ít |
Với 61 xe buýt tiêu chuẩn B40 đã được DN đầu tư mới hiện đại, trang bị hệ thống điều hòa, hệ thống kiểm soát vé... Nhiều người kỳ vọng với 5 tuyến xe buýt có trợ giá này cùng với các tuyến xe buýt không trợ giá đã vận hành trước đó, sẽ góp phần tạo nên mạng lưới giao thông công cộng hiện đại hơn cho TP. Đà Nẵng, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân cũng như du khách.
Đặc biệt, để khuyến khích người dân làm quen, sử dụng các tuyến xe buýt mới, UBND TP. Đà Nẵng đã quyết định miễn phí cho hành khách trong vòng 1 tháng kể từ ngày khai trương.
Những tháng tiếp theo, mức giá cũng được trợ giá với mức thấp nhất 5 nghìn đồng/lượt/tuyến; vé tháng áp dụng cho đối tượng ưu tiên, 45 nghìn đồng/tháng và 90 nghìn đồng/tháng với đối tượng không ưu tiên. Những hành khách là cán bộ lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, thương bệnh binh có tỷ lệ thương tật trên 81%, người khuyết tật nặng, nạn nhân chất độc màu da cam... được miễn vé đi lại.
Những đối tượng khác như, người cao tuổi, hộ nghèo, công nhân làm việc trong khu công nghiệp, học sinh, sinh viên... được giảm một nửa tiền vé. Khoản kinh phí trợ giá được trích từ nguồn ngân sách, nguồn thu từ hoạt động quảng cáo trên phương tiện, nhà chờ xe buýt.
Theo ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP. Đà Nẵng, việc đưa vào hoạt động 5 tuyến xe buýt có trợ giá của địa phương, góp phần tạo mạng lưới giao thông công cộng có chất lượng dịch vụ tốt hơn, hạn chế phương tiện cá nhân gây ùn tắc giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông.
Trong tương lai, trên cơ sở những tuyến xe buýt có trợ giá đầu tiên của Đà Nẵng, ngành giao thông vận tải thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất mở mới những tuyến xe buýt và các loại hình vận tải công cộng khác trong giai đoạn từ nay đến 2020, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng của người dân.
Theo quy hoạch, đến năm 2020 TP. Đà Nẵng sẽ có hai tuyến xe buýt nhanh (BRT), ba tuyến tiêu chuẩn dịch vụ BRT và 15 tuyến xe buýt thường. Đến năm 2030, sẽ có 28 tuyến xe buýt gồm cả BRT và xe buýt thường.
“Thượng đế” vẫn ngó lơ
Có thể khẳng định, việc đưa hệ thống xe buýt vào hoạt động là một trong những giải pháp nhằm giải quyết bài toán giao thông trên địa bàn TP. Đà Nẵng. Đặc biệt, góp phần khắc phục tình trạng quá tải đối với các tuyến đường khu vực trung tâm, trong bối cảnh phương tiện cá nhân đang ngày càng tăng cao ở thành phố. Thực tế, thời gian gần đây trên địa bàn TP. Đà Nẵng cũng đã xuất hiện hiện tượng kẹt xe, trên một số tuyến đường.
Để các tuyến xe buýt có trợ giá... có khách, Ban An toàn giao thông TP. Đà Nẵng đã có văn bản gửi các sở, ban, ngành vận động cán bộ, công chức và người lao động đi làm bằng xe buýt, góp phần xây dựng chủ trương thực hiện văn hóa, văn minh đô thị, giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, trong thực tế sau gần một tháng triển khai, dù miễn phí hoàn toàn nhưng hiệu quả từ các tuyến xe mang lại vẫn chưa khả quan.
Ghi nhận của phóng viên, trong gần một tháng đầu tiên đưa vào hoạt động, các chuyến xe rất ít khách. Nhiều chuyến chỉ có một vài hành khách, thậm chí có xe chạy qua nhiều chặng mà không có hành khách nào. Thời gian sau đó có tăng lên, nhưng chủ yếu vào những ngày cuối tuần. Theo đó, lượng khách cũng chỉ đạt xấp xỉ mức 2,3 lượt nghìn khách/ngày, thấp hơn nhiều lần so với năng lực vận chuyển thực tế.
Nguyên nhân, khiến các “thượng đế” vẫn ngó lơ với các xe buýt có trợ giá, theo nhiều người do thói quen người dân địa phương chưa thích ứng với loại hình vận chuyển này. Người dân Đà Nẵng vẫn thường sử dụng xe máy, đặc biệt trong khu vực nội thị.
Chị Trần Thị Hiền, trú phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà cho rằng, tại TP. Đà Nẵng người dân vẫn quen dùng xe máy, phương tiện cá nhân để đi lại. Bên cạnh, tình trạng tắc đường, kẹt xe của thành phố chưa quá nghiêm trọng, quãng đường di chuyển không quá xa so với các đô thị lớn như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh. Vì vậy, nhiều người vẫn chưa lựa chọn phương tiện đi lại là xe buýt.
Về yếu tố chủ quan, điểm xuất phát của một số tuyến xe buýt có trợ giá đều bắt đầu tại các khu vực thưa dân cư, cự ly giữa các điểm đỗ xe buýt chưa thuận lợi cho hành khách. Ngoài ra, do thời gian đưa vào hoạt động các tuyến xe buýt còn ngắn, công tác tuyên truyền chưa sâu rộng... dẫn đến tình trạng xe buýt còn vắng khách.
Để khắc phục tình trạng xe buýt vắng khách, mới đây Sở Giao thông - Vận tải TP. Đà Nẵng đã đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền. Theo đó, ngoài việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, cần tập trung vận động học sinh, sinh viên, cán bộ công chức... đi xe buýt trên các trang mạng xã hội.
Ngoài ra, ngành giao thông vận tải thành phố cũng sẽ tích cực phối hợp với các mạng, tổng đài di động để chuyển tải nội dung tin nhắn qua điện thoại đến các thuê bao di động khi đến tham quan, du lịch tại Đà Nẵng để mọi người biết thành phố có những tuyến xe buýt trợ giá, qua đó giúp du khách có thêm sự lựa chọn phương tiện đi lại.
Bên cạnh, những nỗ lực của cơ quan chức năng, theo nhiều người DN trực tiếp vận hành các tuyến xe buýt có trợ giá là CTCP Công nghiệp Quảng An 1, tiếp tục có kế hoạch đào tạo đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ trên xe với tinh thần chuyên nghiệp, thái độ lịch sự để hài lòng các “thượng đế”, đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất những vụ va chạm... có như vậy xe buýt được trợ giá ở Đà Nẵng mới hết gặp khó.