Xử lý nhanh thách thức về môi trường để nền kinh tế phát triển bền vững
Đây là nhận định của các chuyên gia tại buổi công bố báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam "Điểm lại" của Ngân hàng Thế giới (WB) diễn ra chiều 21/12 tại Hà Nội.
Sử dụng các chính sách tài khóa và tiền tệ để tháo gỡ khó khănBáo cáo này nhận định, Việt Nam dự kiến tăng trưởng gần 3% năm 2020 trong khi kinh tế thế giới dự kiến giảm tối đa 4%, dù phải đối mặt với cú sốc lớn nhất toàn cầu trong nhiều thập kỷ qua.
Để nền kinh tế Việt Nam có được dự báo khả quan này, các các chuyên gia của WB cho rằng đều nhờ vào khả năng chịu đựng của cả khu vực kinh tế trong nước và kinh tế đối ngoại. Không những kiềm chế được đại dịch bằng những biện pháp sớm, quyết định và sáng tạo, Chính phủ còn sử dụng các chính sách tài khóa và tiền tệ để tháo gỡ khó khăn cho các khu vực tư nhân và thúc đẩy phục hồi.
Chẳng hạn, chi tiêu công bắt đầu tăng trở lại sau ba năm thắt chặt tài khóa. Trong 9 tháng của năm 2020, giải ngân đầu tư công đã nâng cao đến 40% so với cùng kỳ năm trước; Việt Nam dự kiến sẽ đạt mức xuất khẩu hàng hóa lớn nhất từ trước đến nay đồng thời dự trữ ngoại hối tăng. Dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vào Việt Nam kết hợp với xuất khẩu hàng hóa tăng cường đã bù đắp cho thất thu về ngoại tệ do hoạt động du lịch suy giảm và nguồn kiều hối bị thu hồi; các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đầu tư, dịch chuyển các hoạt động sản xuất sang Việt Nam do quốc gia này đã quản lý tốt đại dịch.
Bên cạnh đó, ông Jacques Morisset, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã chỉ ra ba yếu tố giúp Việt Nam ứng phó tốt với Covid-19 đó là tầm nhìn, năng lực và nền tảng đổi mới, sáng tạo.
Theo đó, tầm nhìn rõ ràng là yếu tố đầu tiên khi mà ngay từ đầu Việt Nam đã biết mình phải làm gì và lập các ban chỉ đạo từ đầu tháng 2. Năng lực khi Việt Nam sẵn sàng phân bổ nguồn lực tài chính phục vụ quản lý cuộc khủng hoảng. Và cuối cùng là sẵn sàng cho phép thử nghiệm và áp dụng các cách làm mới.
Đặc biệt, ông Morisset nhận định, “Việt Nam đã tạo điều kiện cho các nền tảng đổi mới, sáng tạo để báo cáo các ca nhiễm theo thời gian thực, truy vết, khai báo điện tử...; kết hợp với các phương tiện truyền thông truyền thống, điều này giúp Việt Nam truyền thông và liên lạc nhanh chóng trong cuộc chiến chống Covid-19. Sự kết hợp của yếu tố động lực và chế tài đã góp phần quan trọng trong việc điều chỉnh hành vi của người dân trong thời kỳ bình thường mới.
Đánh giá nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua, ông Đôn Tấn Phong, Ủy viên thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng, "Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, năng lực cạnh tranh được nhìn nhận cũng khác trong bối cảnh bình thường. Ứng phó với đại dịch của Việt Nam khiến sự cạnh tranh được nâng lên tương đối so với các nền kinh tế khác. Có thể thấy năng lực ứng phó, hiệu quả ứng phó, tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đại dịch… nên Việt Nam có thể đã là điểm đến của đầu tư nước ngoài khá lớn".
Toàn cảnh buổi công bố |
Trước thành công này, triển vọng của kinh tế Việt Nam trong thời gian tới được các chuyên gia WB đánh giá là tích cực khi nền kinh tế được dự báo tăng trưởng ở mức khoảng 6,8% trong năm 2021 và sẽ ổn định mức 6,5% các năm tiếp theo. Dự báo này của WB được đưa ra dựa trên giả định rằng khủng hoảng Covid-19 sẽ dần được kiểm soát, khi vắc xin Covid-19 chứng minh được tính hiệu quả.
Mặc dù vậy, quy mô và thời gian kéo dài của đại dịch cũng như những tác động kinh tế khó có thể dự báo, và do đó không thể bỏ qua một kịch bản trưởng thấp hơn.
Cần xử lý những thách thức về khí hậu và môi trường
Bên cạnh phân tích về những xu hướng gần đây của nền kinh tế Việt Nam, báo cáo lần này đã đặt ra vấn đề, vì sao Việt Nam lại chưa xử lý những thách thức về khí hậu và môi trường hiệu quả như với khủng hoảng Covid-19, tuy được cho là có khác biệt nhưng thực ra lại có nhiều điểm tương đồng.
Các chuyên gia đã chỉ ra rằng, cũng giống như đại dịch, những thảm họa về khí hậu và môi trường cũng gây thiệt hại rất lớn về người và của, đều khiến cho cuộc sống của con người rất mong manh.
Theo bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt để phục hồi sau Covid-19. Việt Nam đang có cơ hội để lựa chọn con đường phát triển xanh hơn, thông minh hơn và bao trùm, nhờ đó trở thành vững vàng hơn trước những cú sốc trong tương lai do cả đại dịch và hay thảm họa thiên nhiên.
Vì vậy, “Việt Nam cần xử lý những thách thức về khí hậu và môi trường với tinh thần khẩn trương như đã làm với Covid-19 vì cái giá phải trả từ việc không hành động ngày càng tăng và khó có thể đảo ngược. Đợt bão lụt lịch sử tại miền Trung vừa qua và ô nhiễm không khí tăng lên ở các thành phố lớn trong nước là minh chứng rõ ràng về sự mong manh dễ tổn thương”, bà Carolyn Turk khẳng định.
Báo cáo của WB đã chỉ ra một số bài học từ công tác ứng phó với đại dịch Covid-19 mà Việt Nam có thể áp dụng để chống biến đổi khí hậu.
Theo đó, Việt Nam phải sẵn sàng và có hành động nhanh trong việc chăm lo cho môi trường và có cơ hội trở thành nước tiên phong trong phục hồi xanh. Thứ hai, sự kết hợp giữa tầm nhìn và năng lực, việc tạo điều kiện thử nghiệm cách làm mới sáng tạo cũng góp phần thay đổi hành vi của cá nhân và tập thể, đây là nền tảng cho các chiến lược ứng phó với những nguy cơ về y tế và khí hậu.
Ngoài ra, các nhà hoạch định chính sách phải làm sao có được lòng tin của họ, giống như trong cuộc chiến chống Covid-19 để người dân đi đúng hướng và quan tâm tới vấn đề môi trường. Đồng thời, nâng cao vai trò của cung cấp và chia sẻ thông tin để người dân, doanh nghiệp có thể điều chỉnh hành vi, tương tự như khi ứng phó với đại dịch Covid-19.