Xử lý nợ xấu: Tạo động lực để phát triển nền kinh tế
Nhiều ý kiến mong muốn luật hóa Nghị quyết 42 để tạo động lực để phát triển nền kinh tế |
Khẳng định tính vượt trội của Nghị quyết 42
Kể từ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu kéo dài trong 5 năm đã giúp hệ thống tổ chức tín dụng xử lý được khối lượng nợ xấu rất lớn. Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước tại kỳ họp Quốc hội vừa qua cho biết, lũy kế từ 15/8/2017 đến 31/12/2021, toàn hệ thống tổ chức tín dụng xử lý được 380,2 nghìn tỷ đồng, bằng 47,9% số nợ xấu theo Nghị quyết 42 tại thời điểm 15/8/2017 và số nợ xấu theo Nghị quyết số 42 phát sinh mới trong thời gian Nghị quyết số 42 có hiệu lực.
Chia sẻ tại buổi đối thoại, ông Đỗ Giang Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty Quản lý tài sản (VAMC), kết quả xử lý nợ xấu đầy khả quan sau chặng đường 5 năm từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực giúp “hồi sinh” những khoản nợ xấu gây tắc nghẽn sự tăng trưởng của nền kinh tế và 10 năm thực thi nhiệm vụ đặc biệt do nhà điều hành giao phó.
Theo đó, từ năm 2017 đến nay, VAMC phối hợp với các tổ chức tín dụng xử lý được khoảng 270.000 tỷ đồng, trong đó, thu hồi trực tiếp từ khách hàng hoặc thông qua biện pháp bán nợ, bán tài sản đảm bảo, đạt khoảng 125.200 tỷ đồng.
Tính riêng giai đoạn từ ngày 15/8/2017 - khi Nghị quyết 42 chính thức có hiệu lực đến nay, VAMC mua được khoảng 114.200 tỷ nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt. Còn các khoản nợ do VAMC mua theo giá thị trường đạt khoảng 11.822 tỷ đồng. Mặc dù những con số này hết sức khiêm tốn nhưng cũng ghi dấu nỗ lực rất lớn của VAMC. Qua đó, phát triển thị trường mua bán nợ, mặc dù các hành lang pháp lý liên quan đến thị trường mua bán nợ bước đầu mới được hình thành.
Là một trong những ngân hàng tích cực trong công tác xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, ông Vũ Việt Hưng, Phó trưởng Ban Pháp chế Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) thông tin, trước khi Nghị quyết 42 ra đời việc xử lý nợ xấu của ngân hàng gặp rất nhiều vướng mắc, ngân hàng cùng các tổ chức tín dụng khác cũng phải “loay hoay” tìm cách xử lý nợ xấu, một số khách hàng có tình trạng chây ỳ, chống đối dù đã có quy định của pháp luật.
Sau khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, tổng số tiền thu hồi từ xử lý nợ xấu từ năm 2017 đến 31/12/2021 tăng 29%. Trong đó, áp dụng quyền thu giữ tài sản bảo đảm thành công 335 tài sản của 348 khách hàng, có nhiều tài sản là bất động sản, nhà xưởng có quy mô lớn; việc bán nợ theo giá thị trường cũng được đẩy mạnh với đối tượng mua nợ đa dạng.
Không chỉ nhìn nhận về kết quả "đẹp" từ những con số xử lý nợ xấu, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, Nghị quyết 42 cho thấy một cách tiếp cận mới về môi trường thể chế. Theo đó, ngân hàng, doanh nghiệp thực sự phải tuân thủ và đặt nguyên tắc thị trường lên cao nhất, rõ ràng càng chậm trễ trong việc trả nợ, những chi phí về mặt tài sản bảo đảm như chi phí vay nợ của chủ nợ, của người đi vay nợ cũng sẽ tăng lên. Cùng với đó, chi phí từ phía ngân hàng cũng sẽ tăng lên, từ việc bảo quản, trông coi, quản lý tài sản và các chi phí kinh doanh khác liên quan.
Toàn cảnh buổi đối thoại chuyên đề |
Luật hóa Nghị quyết 42 là cần thiết
Với tính ưu việt Nghị quyết 42 đã phát huy hiệu quả rất tốt trong thời gian vừa qua nhưng do chỉ mang tính thí điểm, thời hạn chỉ kéo dài đến 15/8/2022. Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia khẳng định, nếu không luật hóa Nghị quyết 42 thì tạo ra khoảng trống rất lớn về pháp lý, gây khó khăn hơn nữa trong xử lý nợ xấu.
Lý giải nguyên nhân, TS. Cấn Văn Lực chỉ ra một số điểm cần lưu ý đó là Nghị quyết 42 đã phát huy hiệu quả rất tốt nhờ thế mà nợ xấu giảm rõ rệt; vẫn còn một số vướng mắc trong xử lý nợ xấu trong thời gian thực hiện Nghị quyết cần phải xử lý nốt để khi luật hóa xử lý nợ xấu sẽ được lưu ý để không lặp lại các vướng mắc đó...
Hơn nữa, luật hóa Nghị quyết 42 là góp phần hoàn thiện thể chế, tăng tính hiệu lực, hiệu quả cho pháp luật vì nếu không luật hóa xử lý nợ xấu mà lại quay trở về dùng những luật cũ ví dụ Luật dân sự, Luật doanh nghiệp thì sẽ dẫn đến việc lúng túng và chồng chéo.
Cuối cùng, việc luật hóa Nghị quyết 42 sẽ góp phần khắc phục bất cập, tăng hiệu quả xử lý nợ xấu; qua đó, tăng nguồn lực và tiết giảm chi phí cho hệ thống tổ chức tín dụng, các bên liên quan và nền kinh tế, TS. Cấn Văn Lực khẳng định.
Cùng chung nhận định này, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, Nghị quyết 42 không thể thí điểm quá dài và buộc phải luật hóa chứ không phải Nghị định hay một văn bản dưới luật, có giá trị pháp lý cao nhất và được thông qua bởi một trình tự thủ tục chặt chẽ nhất, bảo vệ tốt nhất quyền lợi, lợi ích hợp pháp của các bên.
Ngoài việc rà soát lại khung pháp luật để thực thi hiệu quả hơn, nhanh hơn, hợp lý hơn, giảm giải quyết các vướng mắc thì cũng cần có cơ chế để thúc đẩy người đi vay tự giải quyết vấn đề của mình. Bởi theo phân tích phần được xử lý hiệu quả nhất là phần khách hàng tự trả nợ, lên tới 148 nghìn tỷ đồng, chiếm 38,93%, nghĩa là cơ chế khách hàng tự thanh lý tài sản vẫn hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, ông Đỗ Giang Nam cho rằng, dường như việc xử lý nợ xấu là trách nhiệm chung của ngành ngân hàng mà chưa nhận được sự phối hợp tích cực của các bộ, ngành, các địa phương. “Do đó, chúng ta phải nhìn nhận đây là nợ xấu chung của nền kinh tế và việc tháo gỡ nợ xấu không chỉ giúp khơi thông dòng vốn ngân hàng mà còn là động lực để phát triển nền kinh tế", ông Đỗ Giang Nam khẳng định.