Xuất khẩu động vật hạn chế do vệ sinh thú y còn lỏng lẻo
Bãi bỏ một số khoản thu về phí và lệ phí trong công tác thú y Cần ban hành chính sách khuyến khích đầu tư cơ sở giết mổ tập trung Hồng Kông bỏ lệnh cấm nhập khẩu trứng Việt Nam |
Tọa đàm trực tuyến “phổ biến và giải đáp một số quy định mới của pháp luật về thú y”. |
Chiều ngày 14/8, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Cục Thú y, Vụ Pháp chế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức Tọa đàm trực tuyến “phổ biến và giải đáp một số quy định mới của pháp luật về thú y”.
Bà Nguyễn Thị Điệp - Trưởng Phòng Dịch tễ, Cục Thú y cho biết, ngành chăn nuôi đã và đang phát triển mạnh mẽ song vẫn đang tồn tại một trong những điểm yếu lớn, đó là xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật còn hạn chế. Năm 2022, Việt Nam chỉ xuất khẩu được khoảng 400 triệu USD động vật và sản phẩm động vật, con số này so với nhập khẩu là rất nhỏ.
"Nguyên nhân xuất phát cơ bản từ quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, các quy định về vệ sinh thú y còn lỏng lẻo, còn nhiều dịch bệnh khác nhau trong đó có nhiều dịch bệnh nguy hiểm và dịch bệnh lây nhiễm từ động vật sang người...", bà Điệp chia sẻ.
Như vậy, một trong những giải pháp đầu tiên và khả thi là xây dựng được các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh. Thời gian qua, Cục Thú y đã trình Thủ tướng ban hành Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 25/7/2023 về việc phê duyệt Kế hoạch quốc gia triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, giai đoạn 2023-2030.
Để giúp địa phương, doanh nghiệp có cơ sở triển khai thực hiện, Cục Thú y cũng tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư 24/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 về cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh (ATDB).
Bà Nguyễn Thị Điệp cho biết, Thông tư 24 được ban hành nhằm khắc phục những tồn tại của Thông tư số 14/2016/TT-BNNPTNT ngày 02/6/2016 như: quyền lợi của cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh (ATDB) chưa được cụ thể hóa; một số quy định chưa tiệm cận với quy định quốc tế: Kế hoạch giám sát, số lượng mẫu giám sát… gây khó khăn cho xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật…
Thông tư 24 quy định một số nội dung mới về điều kiện cấp mới, duy trì cơ sở, vùng ATDB; số lượng mẫu giám sát; và quy định cơ quan xét nghiệm, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến thành phần hồ sơ về cơ sở, vùng ATDB và quyền lợi của cơ sở, vùng ATDB.
Theo ông Phan Quang Minh - Phó Cục trưởng Cục Thú y, quy định của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) là quy định khung, không quy định cụ thể lấy bao nhiêu mẫu, tần suất bao nhiêu nhưng họ đã quy định việc tần suất lấy mẫu và số mẫu căn cứ điều kiện dịch tễ từng nước khu vực sẽ có hướng dẫn cụ thể, dựa vào tỷ lệ lưu hành dịch bệnh để tính toán số lượng mẫu. Do đó, không có hướng dẫn chung cho cả nước.
Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y cho hay, các quy định trong Thông tư 24 về cơ bản đáp ứng theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới vì Cục Thú y mong muốn ngành chăn nuôi Việt Nam phải tiếp cận với thế giới, chứ không thể một mình một chợ.
Tuy nhiên, Thông tư 24 có quy định khác so với thế giới. Nếu theo quy định của thế giới thì phải căn cứ vào từng loài vật nuôi, từng loại dịch bệnh, nguy cơ các dịch bệnh để có tần suất, số lượng lấy mẫu nhiều hơn, như vậy sẽ tốn kém rất nhiều chi phí.
Thông tư 24, Cục Thú y chỉ để tần suất lấy mẫu 2 lần/năm. Còn với nhóm các cơ sở cần đảm bảo an toàn dịch bệnh để xuất khẩu động vật, các sản phẩm từ động vật sang các nước thì Cục Thú y có hướng dẫn riêng để làm chuẩn theo quy định chung của thế giới.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tiến - Trưởng phòng Thú y thủy sản (Cục Thú y), Thông tư 24 thay thế Thông tư số 14 quy định về vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật đã quy định "nhiều ưu tiên với vùng đạt an toàn dịch bệnh".
Đối với các cơ sở, vùng đã triển khai xây dựng an toàn dịch bệnh trước ngày Thông tư có hiệu lực (15/2/2023), việc cấp giấy chứng nhận thực hiện theo quy định của pháp luật tại thời điểm xây dựng đối với các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật đã được cấp giấy chứng nhận sẽ được bổ sung Kế hoạch an toàn sinh học, kế hoạch giám sát dịch bệnh, kế hoạch ứng phó dịch bệnh theo quy định tại Thông tư này trong vòng 12 tháng.
Hiện, Cục Thú y chịu trách nhiệm thẩm định và cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh động vật. Ngoài ra, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh thẩm định và cấp giấy chứng nhận đối với cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật không thuộc phạm vi quy định trên.
Ông Tiến cho biết, khi đạt chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh, cơ sở hưởng nhiều quyền lợi, trong đó có ưu tiên trong việc lựa chọn cung cấp con giống, động vật và sản phẩm động vật.
Ngoài ra, động vật, sản phẩm động vật xuất phát từ cơ sở được công nhận an toàn dịch bệnh được cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch trong vòng 1 ngày sau khi đăng ký kiểm dịch.