Xuất khẩu gỗ giữ vững mục tiêu
Theo Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), tính đến hết tháng 5/2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và đồ gỗ đạt hơn 6,42 tỷ USD, tăng mạnh hơn 42% so với cùng kỳ.
Đây là kết quả của cả một quá trình các doanh nghiệp cố gắng vượt qua khó khăn, tự thân vận động mở rộng sản xuất, tìm kiếm cơ hội, mở rộng, tiếp cận nhiều thị trường mới trong bối cảnh dịch bệnh tác động nghiêm trọng đến kinh tế thế giới và Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp gỗ có quy mô lớn ở TP.HCM, Bình Dương, Long An đã đạt kim ngạch xuất khẩu sản phẩm tăng trên 30% so với cùng kỳ.
Đại diện Công ty nội ngoại thất FURNIST cho biết, bình quân mỗi tháng công ty xuất khẩu đạt 1 triệu USD, tính chung 5 tháng qua đã tăng khoảng 30% so với cùng kỳ. Các đơn hàng mà FURNIST ký kết với đối tác hiện đã có đến hết quý III/2021. Cũng như vậy, Công ty TNHH gỗ Hiệp Long (Bình Dương) vẫn đều đặn xuất khẩu gần 40 container loại 40 feet các sản phẩm gỗ sang Mỹ và châu Âu, giá trị mỗi container hàng gần 2 triệu USD. Dù dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp nhưng tốc độ xuất khẩu của doanh nghiệp này dự báo vẫn duy trì ổn định trong thời gian tới.
Công ty TNHH sản xuất thương mại và xuất khẩu Thiên Minh (Long An) ghi nhận đến hiện tại, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 7 triệu USD, tăng khoảng 10% so với năm 2020. Đại diện công ty này cho biết, đến nay công ty đã nhận được đơn hàng đủ sản xuất cho đến hết tháng 11 năm nay.
Mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 14 tỷ USD trong năm 2021 |
Lãnh đạo Công ty gỗ Đức Thành cho biết từ cuối năm 2020 đến nay, công ty liên tục ký nhiều đơn hàng lớn, thời hạn giao hàng gấp rút nên việc tổ chức sản xuất trở nên căng thẳng. Với triển vọng tốt của ngành, đại diện Công ty Gỗ Đức Thành cho biết, dự kiến tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2021 của công ty sẽ đạt 17 triệu USD, tăng khoảng 15% so với năm trước.
Theo các chuyên gia kinh tế, điều đáng mừng là sản phẩm gỗ của Việt Nam đã được đa số các nhà nhập khẩu ưa chuộng. Trong vòng 2 năm qua, Chính phủ Mỹ đã áp đặt mức thuế cao tới 25% đối với hầu hết các loại đồ nội thất Trung Quốc khiến kim ngạch xuất khẩu nội thất nước này vào Mỹ liên tục giảm mạnh, thay vào đó là nguồn cung đến từ Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu nội thất vào Mỹ của Việt Nam từ chỗ chưa bằng 1/3 của Trung Quốc, đến nay đã bắt đầu tăng cao hơn. Tuy nhiên, so với nhu cầu nhập khẩu của Mỹ, sản phẩm gỗ của Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ, chỉ hơn 7 tỷ USD trong số 115 tỷ USD nhu cầu năm 2020. Điều này chứng tỏ, dư địa để ngành gỗ và nội thất Việt Nam nâng cao giá trị xuất khẩu vào thị trường này vẫn còn rộng mở.
Tại hội thảo trực tuyến về cơ hội xuất khẩu đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ sang Mỹ năm 2021, bà Julie Hundersmarck của Cục Lâm nghiệp Mỹ nhận định, trong số mặt hàng gỗ nhập khẩu từ các nước thì sản phẩm gỗ nhập khẩu từ Việt Nam đang được người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng nhất. Các sản phẩm như sofa, giường ngủ, dòng nội thất cho phòng trẻ em, giải trí, phòng ăn, nhà bếp được khách hàng đánh giá cao. Nếu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng tủ bếp vào thị trường Mỹ chỉ đạt 140 triệu USD thì đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đã lên đến 1 tỷ USD. Cũng theo bà Julie Hundersmarck, tuy kim ngạch xuất khẩu gỗ Việt Nam vào thị trường Mỹ tăng mạnh, nhưng so với nhu cầu của thị trường này vẫn còn rất nhỏ. Năm 2020, doanh thu của nhóm sản phẩm nội thất tại Hoa Kỳ đạt 115 tỷ USD. Con số này sẽ tăng lên 143 tỷ USD trong khoảng 5 năm tới.
Mặc dù có triển vọng khả quan song các doanh nghiệp gỗ cho biết, họ vẫn đang phải đối mặt với một số khó khăn mới như giá nguyên vật liệu tăng, giá cước vận chuyển tăng khiến giá thành sản xuất đồ gỗ tăng lên. Ngành gỗ còn thiếu nguyên liệu sản xuất dù Việt Nam trồng nhiều loại gỗ rừng như cao su, bạch đàn, keo, gỗ mỡ… với số lượng lớn, nhưng lại đang thiếu trầm trọng gỗ làm mặt ván. Theo các doanh nghiệp gỗ, giá nguyên liệu nhập khẩu đầu vào hiện đã tăng từ 15-20% điều này sẽ kéo giá thành sản phẩm bị đội lên khoảng 15% so với thời điểm đầu năm. Bên cạnh đó, do dịch bệnh Covid -19, giá cước vận tải biển đang ở mức quá cao cũng là yếu tố khiến giá sản phẩm bị đội lên cao. Để ứng phó, các doanh nghiệp gỗ phải thương lượng với đối tác để chia sẻ việc tăng giá bán sản phẩm.
Chính vì vậy, lãnh đạo HAWA khuyến cáo về lâu dài, các doanh nghiệp cần chú trọng cải tiến năng suất lao động, giá trị sản phẩm. Đặc biệt doanh nghiệp cần lưu ý xu hướng của các nhà mua hàng hiện nay là tìm kiếm những nhà sản xuất sử dụng vật liệu có nguồn gốc rõ ràng, ưu tiên sản phẩm có thể chuyển đổi công năng, thân thiện với môi trường. Có như thế sản phẩm gỗ mới cạnh tranh tốt và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường; đồng thời tận dụng được hiệu quả các lợi thế từ những Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch HAWA cho rằng mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 14 tỷ USD trong năm 2021, và con số này hoàn toàn có thể được vượt qua nếu các doanh nghiệp đẩy mạnh tận dụng công nghệ, chuyển đổi số nhằm đa dạng hình thức tiếp cận khách hàng.